Với chủ đề “Tăng tốc hành động khí hậu ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương phục vụ phát triển bền vững”, khóa họp năm nay có sự tham dự trực tiếp hoặc trực tuyến của 3 Tổng thống, 7 Thủ tướng, Chủ tịch Đại hội đồng Csaba Kőrösi và Tổng Thư ký Liên hợp quốc António Guterres, gần 650 đại diện của 49 quốc gia và vùng lãnh thổ thành viên ESCAP, cũng như các tổ chức quốc tế và khu vực.
Phát biểu tại phiên thảo luận, Thứ trưởng Đỗ Hùng Việt nêu bật những cơ hội và thách thức đối với phát triển kinh tế-xã hội và việc thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững ở khu vực và ở Việt Nam, trong đó nhấn mạnh các thách thức do biến đổi khí hậu gây ra tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương nói chung và đối với Việt Nam nói riêng.
Thứ trưởng Đỗ Hùng Việt phát biểu tại phiên thảo luận cuộc họp. |
Thứ trưởng cũng bày tỏ lo ngại về những tác động nặng nề và sâu sắc của đại dịch Covid-19 và các thách thức toàn cầu hiện nay như xung đột, mất an ninh lương thực và nguồn nước, thiên tai, suy thoái đa dạng sinh học, ô nhiễm môi trường… đến quá trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội hiện nay, đặc biệt là việc thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững (SDG).
Trong bối cảnh đó, Thứ trưởng đề xuất tăng cường hợp tác khu vực về thương mại và đầu tư thân thiện với khí hậu, du lịch, kết nối, chuyển đổi năng lượng, chuyển đổi số và phát triển đô thị bền vững. Thứ trưởng cũng kêu gọi tăng cường hợp tác quốc tế ở tất cả các cấp về hỗ trợ tài chính, chuyển giao công nghệ, chia sẻ tri thức và kinh nghiệm thực tiễn.
Cộng đồng quốc tế, đặc biệt là các nước phát triển, cần đưa ra các cam kết mạnh mẽ tại Hội nghị thượng đỉnh về các Mục tiêu phát triển bền vững (tháng 9/2023 tại New York) và Hội nghị COP28 (tháng 11-12/2023 tại Dubai).
Thứ trưởng Đỗ Hùng Việt đề xuất ESCAP phát huy vai trò nhằm thúc đẩy các cam kết này và điều phối hợp tác khu vực, hỗ trợ các nước trong việc đánh giá tiến độ thực hiện SDG và nâng cao năng lực thống kê.
Nhân dịp này, Thứ trưởng cảm ơn và đề nghị cộng đồng quốc tế tiếp tục hợp tác và hỗ trợ Việt Nam thực hiện các SDG, các cam kết tại Hội nghị COP26, triển khai quan hệ đối tác về chuyển đổi năng lượng công bằng.
Thứ trưởng Đỗ Hùng Việt khẳng định, Việt Nam sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với ESCAP và các đối tác quốc tế khác để thúc đẩy hòa bình, ổn định và thịnh vượng trong khu vực và trên thế giới dựa trên phương châm “Không để ai bị bỏ lại phía sau”.
Thứ trưởng Đỗ Hùng Việt tại cuộc tiếp xúc song phương với Tổng thống Palau. |
Trong thời gian tham dự khóa họp, Thứ trưởng Đỗ Hùng Việt đã có các cuộc tiếp xúc song phương với Tổng thống Palau Surangel S. Whipps Jr. và Thứ trưởng Nghị sĩ Ngoại giao Nhật Bản Akimoto Masatoshi.
Trong trao đổi với Tổng thống Palau, Thứ trưởng Đỗ Hùng Việt khẳng định Việt Nam coi trọng và mong muốn thúc đẩy quan hệ với các quốc đảo Nam Thái Bình Dương, trong đó có Palau.
Thứ trưởng Đỗ Hùng Việt đề xuất ESCAP phát huy vai trò nhằm thúc đẩy các cam kết này và điều phối hợp tác khu vực, hỗ trợ các nước trong việc đánh giá tiến độ thực hiện SDG và nâng cao năng lực thống kê.
Đánh giá cao quan hệ hai nước có tiến triển tích cực từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao năm 2008, trong đó có hợp tác và ủng hộ lẫn nhau trong khuôn khổ các cơ chế đa phương, Thứ trưởng đề nghị hai bên tăng cường trao đổi đoàn các cấp, đẩy mạnh hợp tác trong các lĩnh vực thương mại, đầu tư, du lịch, lao động… nhằm thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa quan hệ song phương giữa hai nước.
Tổng thống Palau Surangel S. Whipps Jr. bày tỏ ấn tượng về các thành tựu phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam và cho rằng hai bên còn nhiều tiềm năng để thúc đẩy hơn nữa quan hệ song phương; đề nghị Việt Nam sớm mở đường bay thẳng giữa hai nước để tăng cường giao lưu nhân dân, trao đổi du lịch, thương mại và nghiên cứu cung cấp lao động cho các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng tại Palau trong thời gian tới.
Tại cuộc gặp Thứ trưởng Nghị sĩ Ngoại giao Nhật Bản Akimoto Masatoshi, hai bên đánh giá quan hệ Việt Nam Nhật Bản có tin cậy chính trị cao và trên đà phát triển tốt đẹp trong tất cả các lĩnh vực. Thứ trưởng Đỗ Hùng Việt cảm ơn Nhật Bản đã tích cực hỗ trợ Việt Nam trong công cuộc phát triển kinh tế-xã hội thời gian qua, đề nghị hai bên tiếp tục phối hợp chặt chẽ tổ chức các hoạt động kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao trong năm 2023 thiết thực, hiệu quả và xứng tầm quan hệ hai nước.
Thứ trưởng cảm ơn Nhật Bản đã mời Lãnh đạo cấp cao Việt Nam tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng và Hội nghị Tương lai châu Á tổ chức tại Nhật Bản tới đây.
Chia sẻ đánh giá của Thứ trưởng Đỗ Hùng Việt về quan hệ song phương, ông Akimoto Masatoshi nhấn mạnh Việt Nam là đối tác rất quan trọng trong khu vực của Nhật Bản trong bối cảnh tình hình quốc tế và khu vực có nhiều vấn đề nổi lên; đề nghị hai bên tăng cường phối hợp chặt chẽ cả trong khuôn khổ song phương và ủng hộ lẫn nhau trên các diễn đàn đa phương.
Toàn cảnh phiên khai mạc Khóa họp lần thứ 79 của ESCAP. |
Khóa họp lần thứ 79 của ESCAP sẽ tiếp tục kéo dài đến ngày 19/5.
Thành lập từ năm 1947, ESCAP là một trong 5 Ủy ban khu vực trực thuộc Hội đồng Kinh tế và Xã hội của Liên hợp quốc (ECOSOC). ESCAP được Liên hợp quốc trao trọng trách hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương. ESCAP có 53 thành viên chính thức và 9 thành viên liên kết. Khóa họp ESCAP là hội nghị thường niên để các nước thành viên xem xét và thảo luận tất cả các vấn đề kinh tế-xã hội và hợp tác khu vực trên các lĩnh vực cùng quan tâm.