Tại phiên bế mạc khóa họp, dưới sự chủ trì của Đại sứ Việt Nam kiêm Đại diện thường trực Việt Nam tại ESCAP Phan Chí Thành, các nước đã thảo luận về kế hoạch hoạt động của ESCAP thời gian tới với nhiều chương trình, dự án hỗ trợ các nước, đặc biệt là các nước đang phát triển và kém phát triển trong khu vực.
Các nước đã thông qua 20 nghị quyết và quyết định, trong đó có Tuyên bố Bangkok về Chương trình nghị sự chung nhằm thúc đẩy phát triển bền vững tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Đây là văn kiện quan trọng, đề ra những hướng hành động cụ thể nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững tại khu vực, đặc biệt có ý nghĩa trong bối cảnh khu vực đang được dự báo rất khó đạt được đúng hạn các Mục tiêu phát triển bền vững, thậm chí có thể chậm tới 35 năm.
Tuyên bố đặt ra một chương trình nghị sự chung nhằm thúc đẩy phát triển bền vững ở châu Á và Thái Bình Dương, dựa trên những lĩnh vực ưu tiên được xác định từ các cuộc tham vấn và đàm phán của các quốc gia. Các chính phủ đã cam kết không bỏ lại ai phía sau, cũng như đặt phụ nữ và thanh niên vào tâm điểm của sự phát triển. Họ tiếp tục khẳng định tầm quan trọng của thương mại như một động cơ tăng trưởng bao trùm, bảo vệ hành tinh, tăng cường kết nối khu vực và khai thác các cơ hội công nghệ.
Tuyên bố Bangkok được thông qua trong bối cảnh khu vực châu Á và Thái Bình Dương hiện đang phải đối mặt với thử thách chung lớn nhất do những tác động kinh tế-xã hội từ đại dịch Covid-19, xung đột địa chính trị và khủng hoảng khí hậu. Khoảng 85 triệu người đã bị đẩy trở lại vào cảnh nghèo cùng cực do đại dịch, trong khi hàng triệu người khác bị mất việc làm hoặc sinh kế và một thế hệ trẻ em thiếu thời gian quý báu cho giáo dục.
Nhân kỷ niệm 75 năm thành lập, các quốc gia cũng kêu gọi củng cố vai trò của ESCAP như một nền tảng phát triển khu vực nhằm đáp ứng hiệu quả các nhu cầu đang thay đổi và mới nổi của khu vực, đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết của việc các chính phủ tạo ra đủ không gian tài khóa để cho phép đầu tư nhiều hơn vào phát triển bền vững.
Theo Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc kiêm Thư ký điều hành ESCAP Armida Salsiah Alisjahbana, tuyên bố cho thấy cam kết chưa từng có và sự can dự thực sự của các quốc gia để hợp lực vượt qua những phức tạp hiện nay và bảo vệ nguyện vọng phát triển của người dân - đoàn kết ở mức tốt nhất ở châu Á và Thái Bình Dương.
Khóa họp thường niên lần thứ 78 diễn ra từ ngày 23-27/5, tại trụ sở của ESCAP ở Bangkok với chủ đề “Một chương trình nghị sự chung nhằm thúc đẩy phát triển bền vững tại châu Á-Thái Bình Dương”. Nhân kịp niệm 75 năm thành lập ESCAP và 45 năm Việt Nam gia nhập Liên hợp quốc, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã dẫn đầu Đoàn Việt Nam tham dự và có nhiều đóng góp tích cực và hiệu quả cho Khóa họp, được các nước và Ban Thư ký ESCAP đánh giá cao.
Việc Đại sứ Phan Chí Thành được bầu vào Ban Chủ tọa và trực tiếp điều hành các phiên họp, cũng như việc hai cơ quan của Việt Nam được bầu vào Hội đồng điều hành Trung tâm Cơ khí hóa nông nghiệp bền vững và Viện Thống kê Khu vực châu Á-Thái Bình Dương, cho thấy sự tín nhiệm của các nước, đồng thời khẳng định vai trò và vị thế của Việt Nam tại ESCAP nói riêng và các diễn đàn đa phương nói chung.
Thành lập từ năm 1947, ESCAP là một trong 5 Ủy ban khu vực trực thuộc Hội đồng Kinh tế và Xã hội của Liên hợp quốc (ECOSOC - một trong 6 cơ quan chính của Liên hợp quốc). ESCAP được Liên hợp quốc trao trọng trách hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
ESCAP có 53 thành viên chính thức và 9 thành viên liên kết. Khóa họp ESCAP là hội nghị thường niên để các nước thành viên xem xét và thảo luận tất cả các vấn đề kinh tế-xã hội và hợp tác khu vực trên các lĩnh vực cùng quan tâm, với sự tham gia của lãnh đạo cấp cao các nước, lãnh đạo Liên hợp quốc và nhiều tổ chức quốc tế và khu vực khác.