Cụ thể, Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) và Viện Cơ điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch (VIAEP, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã được các nước thành viên ESCAP tín nhiệm bầu vào Hội đồng Điều hành của Viện thống kê châu Á-Thái Bình Dương (SIAP) và Trung tâm Cơ khí hóa nông nghiệp bền vững (CSAM) của ESCAP.
Tại CSAM, Việt Nam nằm trong số ba nước đạt nhiều phiếu bầu nhất. Tại SIAP, Việt Nam nằm trong số năm nước đạt nhiều phiếu bầu nhất.
Việc Tổng cục Thống kê và VIAEP trúng cử vào SIAP và CSAM là cơ hội tốt để Việt Nam tăng cường hợp tác với khu vực trong lĩnh vực thống kê và cơ khí hóa nông nghiệp, qua đó góp phần phục vụ các mục tiêu phát triển đất nước và nâng cao vị thế quốc tế của ta.
Việc hai cơ quan của Việt Nam được tín nhiệm bầu vào Hội đồng điều hành SIAP và CSAM cũng thể hiện các nước thành viên ESCAP đánh giá cao khả năng đóng góp của Việt Nam, cũng như coi trọng vai trò và vị thế của Việt Nam tại ESCAP.
Đây cũng là kết quả của công tác vận động tích cực của Việt Nam trong thời gian qua tại Bangkok, Hà Nội và Bắc Kinh.
Việc Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam dẫn đầu Đoàn Việt Nam tham dự trực tiếp Khóa họp lần thứ 78 của ESCAP nhân kỷ niệm 75 năm thành lập ESCAP (1947-2022) và 45 năm Việt Nam gia nhập Liên hợp quốc (1977-2022) đã thể hiện rõ cam kết và sự ủng hộ mạnh mẽ của Việt Nam đối với các hoạt động của ESCAP nhằm thúc đẩy phát triển bền vững trong khu vực, là cơ sở quan trọng để các nước quyết định ủng hộ Việt Nam.
SIAP là trung tâm đào tạo về Thống kê ở khu vực châu Á- Thái Bình Dương, được thành lập tháng 5/1970, đặt tại Chiba, Nhật Bản với chức năng chính là cải thiện năng lực thống kê của các nước thành viên và thành viên liên kết. Hoạt động chính của SIAP là tổ chức các khóa đào tạo thống kê; kết nối và hợp tác với các tổ chức quốc tế, đối tác phát triển và phổ biến thông tin thống kê nhằm phục vụ phát triển kinh tế-xã hội.
CSAM là trung tâm về cơ giới hóa nông nghiệp ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, đặt tại Bắc Kinh, Trung Quốc, được thành lập năm 2012. Tiền thân của tổ chức này là Mạng lưới khu vực về cơ khí hóa nông nghiệp, được thành lập năm 1977. Trung tâm này có chức năng chính là tăng cường sản lượng, cải thiện đời sống nông thôn và giảm nghèo thông qua cơ khí hóa nông nghiệp bền vững. Các hoạt động cụ thể bao gồm tăng cường hợp tác kỹ thuật giữa 62 nước và vùng lãnh thổ thành viên thông qua trao đổi thông tin và chia sẻ tri thức, thúc đẩy nghiên cứu, chuyển giao công nghệ nhằm đạt được các Mục tiêu phát triển bền vững tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Hội đồng Điều hành của SIAP và CSAM gồm đại diện của nước chủ nhà và 8 thành viên khác được các thành viên ESCAP bầu, họp ít nhất một năm một lần, chịu trách nhiệm đánh giá tình hình quản trị, tài chính và thực hiện chương trình công tác hàng năm và dài hạn của hai tổ chức này.
Thành lập từ năm 1947, ESCAP là một trong 5 Ủy ban khu vực trực thuộc Hội đồng Kinh tế và Xã hội của Liên hợp quốc (ECOSOC - một trong 6 cơ quan chính của Liên hợp quốc). ESCAP được Liên hợp quốc trao trọng trách hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương. ESCAP có 53 thành viên chính thức và 9 thành viên liên kết. Khóa họp ESCAP là hội nghị thường niên để các nước thành viên xem xét và thảo luận tất cả các vấn đề kinh tế-xã hội và hợp tác khu vực trên các lĩnh vực cùng quan tâm, với sự tham gia của lãnh đạo cấp cao các nước, lãnh đạo Liên hợp quốc và nhiều tổ chức quốc tế và khu vực khác.