Thưa Ngài Chủ tịch,
Thưa các vị đứng đầu Nhà nước và Chính phủ,
Tôi xin chúc mừng Ngài Abdulla Shahid được bầu làm Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc khoá 76 và tin tưởng rằng, với kinh nghiệm và năng lực của mình, Ngài sẽ dẫn dắt Khóa họp thành công tốt đẹp.
Tôi bày tỏ sự đánh giá cao về những đóng góp quan trọng trong nhiệm kỳ vừa qua của Ngài Volkan Bozkir, Chủ tịch Đại hội đồng khóa 75. Tôi cũng một lần nữa chúc mừng Ngài Antonio Guterres được Đại hội đồng tín nhiệm giao phó trọng trách Tổng Thư ký và tin tưởng với sự cống hiến tận tâm của mình, Ngài sẽ hiện thực hoá các định hướng, ưu tiên của Tổ chức trong những năm tới.
Thưa Ngài Chủ tịch và Quý vị,
Đại hội đồng Liên hợp quốc năm nay họp mặt trong một bối cảnh hết sức đặc biệt, khi đại dịch Covid-19 đang tiếp tục hoành hành trên toàn cầu. Trong cơn cuồng phong của bão dịch Covid-19, tôi tin rằng Quý vị cũng đều lo lắng nghĩ tới người dân, đất nước mình, và trái tim tôi cũng hòa chung nhịp đập đó, tha thiết hướng về quê hương Việt Nam nơi cả nước đang chung sức chống dịch, bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân, duy trì phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, không để ai bị bỏ lại phía sau.
Không có con số thống kê nào có thể đo đếm được nỗi đau và mất mát trong đại dịch Covid-19, trên hết là những mất mát về người, cùng với đó là những thiệt hại to lớn về kinh tế, những tác động sâu sắc đối với xã hội và sự thụ hưởng quyền của người dân. Đại dịch là hồi chuông cảnh báo khẩn cấp về sức tàn phá khủng khiếp của các thách thức an ninh phi truyền thống như dịch bệnh hay biến đổi khí hậu nếu không được quan tâm, xử lý từ sớm, từ xa. Đại dịch cũng đã làm bộc lộ rõ hơn bao giờ hết những hạn chế, bất cập sâu sắc của hệ thống quản trị toàn cầu, cũng như tình trạng bất bình đẳng trên toàn thế giới.
Song đại dịch cũng không phải là thách thức lớn nhất và duy nhất đối với chúng ta. Hệ thống quan hệ quốc tế đang bị phân tán, chia rẽ và bất ổn dưới tác động của gia tăng căng thẳng giữa các nước lớn. Chiến tranh đang cướp đi bao sinh mạng vô tội, tranh chấp lãnh thổ, tài nguyên ở nhiều khu vực có nguy cơ bùng phát. Các hành động phớt lờ luật pháp quốc tế, cưỡng ép đơn phương, cản trở các nước thực hiện quyền hợp pháp vẫn diễn ra ở nhiều khu vực.
Nhưng trong bức tranh ảm đạm đó, vẫn sáng lên nguồn động lực mạnh mẽ từ khát vọng to lớn của toàn nhân loại hướng tới hòa bình, hợp tác và phát triển, cũng như ý thức sâu sắc của các quốc gia về tầm quan trọng của đoàn kết quốc tế, của tương thân tương ái, của hợp tác đa phương. Liên hợp quốc, với bề dày hơn ba phần tư thế kỷ bảo vệ hòa bình, an ninh, vun đắp các mối quan hệ quốc tế hữu nghị, công bằng và bình đẳng, đang tiếp tục khẳng định vai trò trung tâm trong hệ thống đa phương, đang điều phối hiệu quả những nỗ lực chung ứng phó với các thách thức toàn cầu ngày càng cấp bách mà không riêng một quốc gia nào có thể tự giải quyết.
Trước những thực tế đó, tôi đánh giá cao và ủng hộ chủ đề rất thiết thực mà Ngài Chủ tịch đề ra và xin chia sẻ một số suy nghĩ như sau:
Thứ nhất, nhiệm vụ cấp bách hàng đầu hiện nay là kiểm soát đại dịch Covid-19 trên phạm vi toàn cầu. Thế giới chưa thể an toàn khi còn có bất cứ người dân hay quốc gia nào chưa an toàn trước đại dịch. Việt Nam cảm ơn và đánh giá cao vai trò của các tổ chức Liên hợp quốc và các cơ chế đa phương, nhất là COVAX trong thúc đẩy tiếp cận công bằng vaccine và thuốc điều trị Covid-19. Để sớm đẩy lùi Covid-19, cần tăng cường hợp tác và đoàn kết trên tinh thần trách nhiệm và sẻ chia, nhất là ưu tiên cung cấp vaccine cho người dân những nước có tỷ lệ tiêm chủng còn thấp, tạo điều kiện để các nước đang phát triển hợp tác sản xuất và tham gia chuỗi cung ứng vaccine.
Thứ hai, để vượt qua được đại dịch và phục hồi kinh tế thì nhân tố quan trọng hàng đầu là sự nỗ lực trên tinh thần tự cường của mỗi quốc gia. Tự cường đòi hỏi chúng ta phải phát huy nội lực để có đủ năng lực ứng phó với khủng hoảng, bảo vệ người dân. Nhưng điều đó không có nghĩa là chúng ta giới hạn trong khuôn khổ các nỗ lực, chính sách, biện pháp cho riêng từng quốc gia. Tự cường trong phục hồi kinh tế chỉ có thể mạnh mẽ và bền vững khi dựa trên sự hợp tác và liên kết của tất cả các quốc gia trong một thế giới toàn cầu khi các thách thức an ninh phi truyền thống vượt khỏi biên giới mọi quốc gia, trở thành vấn đề không của riêng ai. Chúng tôi đánh giá cao và mong mỏi hệ thống phát triển Liên hợp quốc tiếp tục đồng hành, hợp tác với các quốc gia thành viên trong nỗ lực này, đáp ứng hài hòa các quan tâm, lợi ích phát triển của tất cả các quốc gia.
Thứ ba, chúng ta cần biến các thách thức thành những cơ hội cho phát triển. Khi đời sống xã hội, phương cách sản xuất, kinh doanh phải thay đổi trong đại dịch thì đó là cơ hội để chuyển đổi số, đẩy nhanh việc ứng dụng công nghệ mới, nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh và sức tự cường của nền kinh tế. Đó cũng là cơ hội để chuyển đổi xanh, thúc đẩy phát triển bền vững và cũng là cơ hội để tiếp tục thuận lợi hoá đầu tư, thương mại, hợp tác lưu chuyển hàng hóa, con người, duy trì các chuỗi cung ứng toàn cầu.
Chương trình Nghị sự 2030 của Liên hợp quốc về phát triển bền vững là một khuôn khổ tốt để chúng ta nắm bắt những cơ hội mới và cũng đòi hỏi chúng ta tăng cường, nâng cao hiệu quả hợp tác. Chúng tôi kêu gọi các nước thực hiện đầy đủ các cam kết tài chính cho phát triển, hỗ trợ các nước đang phát triển được giãn nợ, cung cấp thêm nguồn lực cho phòng, chống Covid-19 và phục hồi, biến cơ hội thành những thành quả phát triển.
Thứ tư, hơn lúc nào hết nhiệm vụ hợp tác để giảm thiểu và xử lý các tác động tiêu cực của tình trạng biến đổi khí hậu đang đặt ra vô cùng cấp bách. Chúng ta đang chứng kiến những cơn cuồng nộ của thiên nhiên với tần suất và cường độ chưa từng có trong hàng trăm năm qua. Thiên tai khắc nghiệt, nước biển dâng, ô nhiễm môi trường, suy thoái đa dạng sinh học, chính là hậu quả tích tụ sau nhiều thập kỷ của các hoạt động tập trung cho phát triển kinh tế thiếu trách nhiệm của con người.
Tình hình đó đòi hỏi chúng ta phải khẩn trương hành động bảo vệ hành tinh xanh, thực hiện cam kết để nhiệt độ toàn cầu không tăng quá 1,5 độ C. Hướng tới Hội nghị COP-26, chúng ta cần gia tăng nỗ lực cắt giảm phát thải, với vai trò đi đầu của các nước phát triển. Đồng thời, các nước phát triển cần đề cao trách nhiệm hỗ trợ cho các nước nghèo, nước đang phát triển về tài chính, công nghệ và nâng cao năng lực để giảm phát thải, thích ứng, phòng chống và giảm nhẹ thiên tai, hướng tới chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn. Đó là cơ hội cho sự hòa hợp giữa con người và thiên nhiên xanh.
Thứ năm, điều kiện tiên quyết cho phục hồi và tăng trưởng sau đại dịch là phải bảo đảm được môi trường hòa bình, an ninh, ổn định ở mỗi quốc gia, khu vực và thế giới. Việt Nam kêu gọi ngừng bắn toàn cầu, chấm dứt tất cả các hành động bạo lực, bảo vệ thường dân, tạo điều kiện tiếp cận nhân đạo tại các vùng xung đột.
Việt Nam đã phải trải qua hàng thập kỷ hy sinh chiến đấu chống xâm lược để giành độc lập, thống nhất dân tộc, vượt qua bao vây, cấm vận và đã phát huy nội lực, đề cao tự cường, tự tin nỗ lực hòa mình trong dòng chảy thời đại để có tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay. Chúng tôi càng thấu hiểu sâu sắc ý nghĩa của “không có gì quý hơn độc lập tự do”, của hoà bình và phát triển cho mỗi quốc gia. Chúng tôi lên án mọi hành động chiến tranh, áp đặt cường quyền, vi phạm các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế.
Hơn lúc nào hết, mọi chủ thể của quan hệ quốc tế, với vai trò trung tâm của Liên hợp quốc, cần thể hiện thiện chí, đóng góp trách nhiệm, tránh gây căng thẳng, đối đầu, cùng nhau nỗ lực tái định hình các mối quan hệ quốc tế và bồi đắp lòng tin giữa các quốc gia trên cơ sở bình đẳng, hợp tác, tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp công việc nội bộ quốc gia, giải quyết hoà bình tranh chấp.
Một lần nữa, từ diễn đàn trọng thể này, chúng tôi bày tỏ tình đoàn kết với nhân dân Cuba, kêu gọi chấm dứt bao vây, cấm vận đơn phương đối với Cuba.
Chúng tôi mong tình hình Afghanistan sớm ổn định để người dân Afghanistan, nhất là phụ nữ và trẻ em, được sống trong hoà bình. Chúng tôi ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Palestine và giải pháp hai nhà nước để thành lập một Nhà nước Palestine độc lập cùng tồn tại hòa bình với Nhà nước Israel.
Thưa Ngài Chủ tịch và Quý vị,
Sau hơn 35 năm đổi mới toàn diện, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử, hướng tới mục tiêu trở thành quốc gia phát triển, có thu nhập cao vào năm 2045 – nhân dịp kỷ niệm 100 năm Việt Nam giành độc lập.
Thực hiện khát vọng Việt Nam hùng cường, chúng tôi đang xây dựng Nhà nước pháp quyền, của dân, do dân và vì dân, khơi dậy lòng yêu nước mãnh liệt, ý chí quật cường, khối đại đoàn kết và phát huy năng lực đổi mới sáng tạo của toàn dân tộc. Nhà nước thực hiện chính sách lấy người dân là chủ thể, là trung tâm, vì tiến bộ, công bằng xã hội, giá trị văn hóa, bảo vệ môi trường, đi đôi với phát triển bền vững, bao trùm. Điều đó cũng là tinh thần cốt lõi của các Mục tiêu Phát triển Bền vững của Liên hợp quốc mà chúng tôi đang thực hiện.
Việt Nam kiên định và thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, có hiệu quả, là thành viên tích cực, đóng góp trách nhiệm vào nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế.
Việt Nam kiên trì ủng hộ chủ nghĩa đa phương, với Liên hợp quốc là trung tâm và luật pháp quốc tế làm nền tảng, phấn đấu vì các tôn chỉ, mục đích của Liên hợp quốc và tích cực đóng góp vào những công việc chung, ủng hộ các nỗ lực cải tổ để Liên hợp quốc dân chủ và hiệu quả hơn.
Chúng tôi luôn ghi nhớ và biết ơn sự hỗ trợ quý báu của Liên hợp quốc dành cho Việt Nam. Những thành quả đổi mới, hội nhập của Việt Nam có được hôm nay, một phần nhờ thụ hưởng nguồn vốn, tri thức và tư vấn chính sách của hệ thống phát triển Liên hợp quốc.
Tại khu vực, Việt Nam và các nước thành viên ASEAN nỗ lực tăng cường vai trò trung tâm của Hiệp hội trong duy trì hòa bình, an ninh và thịnh vượng tại Đông Nam Á và châu Á - Thái Bình Dương. Quan hệ hợp tác ASEAN – Liên hợp quốc ngày càng được củng cố và thực chất, trở thành hình mẫu cho hợp tác của Liên hợp quốc với các tổ chức khu vực. Chúng tôi đang nỗ lực triển khai hiệu quả Đồng thuận 5 điểm của Cấp cao ASEAN để thúc đẩy đối thoại, hòa giải, hỗ trợ nhân đạo cho người dân Myanmar.
Việt Nam cùng quan điểm của ASEAN và chia sẻ tiếng nói chung của cộng đồng quốc tế về tầm quan trọng của duy trì hòa bình, ổn định, bảo đảm an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không trên Biển Đông; yêu cầu các bên liên quan kiềm chế, không có hành động làm phức tạp tình hình, giải quyết hoà bình các tranh chấp, khác biệt trên cơ sở Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, Công ước Liên hợp quốc về Luật biển UNCLOS 1982; thực thi đầy đủ Tuyên bố về cách ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC) và hướng đến hoàn tất Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) thực chất và hiệu lực, phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS 1982.
Thưa Ngài Chủ tịch,
Từ diễn đàn trọng thể này, thay mặt Nhà nước và nhân dân Việt Nam, tôi trân trọng cảm ơn các nước đã tin tưởng trao cho Việt Nam trọng trách là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an nhiệm kỳ 2020-2021. Trong hai năm qua, Việt Nam luôn nêu cao tinh thần “Đối tác vì nền hòa bình bền vững”, đề cao đối thoại, hợp tác, chủ động tham gia và đóng góp tích cực vào nỗ lực ngăn ngừa và giải quyết các xung đột. Việt Nam đã thúc đẩy các nội dung mới và thiết thực, đáp ứng quan tâm chung về đề cao Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, tăng cường hợp tác với tổ chức khu vực, ngăn ngừa xung đột, giải quyết hậu quả bom mìn, bảo vệ người dân và cơ sở hạ tầng thiết yếu trong xung đột vũ trang...
Quốc kỳ của Việt Nam đang tung bay tại các Phái bộ gìn giữ hòa bình ở Nam Sudan, Cộng hòa Trung Phi và sắp tới sẽ hiện diện tại nhiều Phái bộ Liên hợp quốc ở các quốc gia khác. Với nguyện vọng tiếp tục đóng góp cho công việc chung, Việt Nam đang ứng cử vào Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2023–2025 và các cơ chế quan trọng khác của Liên hợp quốc, và mong muốn nhận được sự ủng hộ của các nước.
Thưa Quý vị,
Chặng đường phía trước còn nhiều gian nan, song Nhà nước và nhân dân Việt Nam sẽ cùng người dân trên toàn thế giới chung nhịp đập sẻ chia, yêu thương, hợp tác để cùng nhau sớm chiến thắng đại dịch, xây dựng một thế giới hòa bình, phát triển phồn vinh, người dân hạnh phúc. Đó sẽ là chiến thắng vĩ đại của tất cả chúng ta.
Xin trân trọng cảm ơn.