Việt Nam đánh giá cao quan hệ tốt đẹp với Vương quốc Thái Lan

NDO -

Ngày 2/9, nhân kỷ niệm 76 năm Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và 45 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Thái Lan, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Thái Lan, Phan Chí Thành, đã có bài trả lời phỏng vấn tờ Bưu điện Bangkok.

Bài trả lời phỏng vấn của Đại sứ Phan Chí Thành đăng trên tờ Bưu điện Bangkok. (Ảnh: NAM ĐÔNG).
Bài trả lời phỏng vấn của Đại sứ Phan Chí Thành đăng trên tờ Bưu điện Bangkok. (Ảnh: NAM ĐÔNG).

Trong bài trả lời phỏng vấn, Đại sứ Phan Chí Thành đã giới thiệu những thành tựu của Việt Nam trong suốt 76 năm qua đồng thời nhấn mạnh Việt Nam luôn đánh giá cao quan hệ tốt đẹp và hiệu quả với Vương quốc Thái Lan.

Mở đầu bài trả lời phỏng vấn, Đại sứ Phan Chí Thành đã điểm lại những thành tựu mà Việt Nam đã đạt được trong suốt 76 năm qua, kể từ khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được thành lập ngày 2/9/1945, sau thắng lợi oanh liệt của cuộc Cách mạng Tháng Tám dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Đại sứ cho biết, trong suốt 76 năm qua, câu chuyện Việt Nam đã gây ấn tượng mạnh mẽ trên khắp thế giới, từ những cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, thống nhất đất nước tới thành công của công cuộc Đổi Mới, đưa Việt Nam ngày nay trở thành một quốc gia vững mạnh, dân chủ, cởi mở và một nền kinh tế có tốc độ phát triển cao nhất thế giới.

Sự chuyển đổi từ nền kinh tế nông nghiệp lạc hậu tập trung, thiếu lương thực triền miên trở thành nước xuất khẩu nông sản hàng đầu thế giới, bảo đảm an ninh lương thực cho hơn 97 triệu người, đã trở thành một trong những thành tựu vĩ đạt nhất của Việt Nam.

Từ một nước có thu nhập thấp vào năm 2008, Việt Nam hiện nay là một trong 40 quốc gia có nền kinh tế lớn nhất trên thế giới và đứng thứ 4 trong khối ASEAN. Thu nhập bình quân đầu người đã tăng bảy lần lên hơn 3.500 USD, đưa Việt Nam vào nhóm các quốc gia có thu nhập trung bình. Liên hợp quốc đã xếp Việt Nam là một trong các quốc gia đã đạt được Các mục tiêu Thiên niên kỷ. Trong năm 2019, Chỉ số phát triển con người (HDI) của Việt Nam đã đạt 0,704. Đây là một thành tựu đáng ghi nhận so với các quốc gia có trình độ phát triển tương đương.

Sự ổn định về chính trị, cởi mở, thể chế dân chủ mạnh mẽ trên cơ sở pháp quyền và nguyên tắc “của dân, do dân và vì dân” đã góp phần tạo ra một xã hội Việt Nam như hôm nay.

Theo Đại sứ Phan Chí Thành, với các nguyên tắc độc lập, tự chủ, đa phương hoá, đa dạng hóa, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và hội nhập tích cực, đến nay chính sách đối ngoại của Việt Nam đã phát huy hiệu quả.

Việt Nam gia nhập ASEAN từ năm 1995 và luôn duy trì quan hệ chặt chẽ với hầu hết các nước trên thế giới với 30 đối tác chiến lược và đối tác toàn diện; ký kết 17 hiệp định thương mại tự do (FTA) bao gồm các FTA toàn diện nhất như CPTPP, EVFTA và RCEP. Việt Nam hiện đang là thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và đã tham gia Phái bộ gìn giữ hòa bình của LHQ ở châu Phi.

Việt Nam chủ trương theo đuổi mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa kể từ khi bắt đầu quá trình Đổi mới vào năm 1986, là sự kết hợp đồng đều các mục tiêu và chính sách phát triển kinh tế và xã hội. Sự kết hợp này nhằm bảo đảm phát triển kinh tế sẽ song hành cùng tiến bộ và bình đẳng xã hội.

Nỗ lực giảm nghèo là một trong những thành tựu then chốt của Việt Nam. Sau nhiều thập kỷ chống đói nghèo, tỷ lệ hộ gia đình nghèo ở Việt Nam đã giảm trung bình 1,5% mỗi năm, từ 58% năm 1993 xuống chỉ còn 5,8% năm 2016 theo chuẩn nghèo quốc gia, và xuống dưới 3% năm 2020 theo các chỉ số nghèo đa chiều.

Về giáo dục - đào tạo, Việt Nam đã thực hiện phổ cập giáo dục tiểu học vào năm 2000 và giáo dục trung học vào năm 2010. Số sinh viên đại học và cao đẳng đã tăng 17 lần trong vòng 35 năm. Hiện nay, 95% người trưởng thành ở Việt Nam biết chữ.

Về y tế, người nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi và người cao tuổi được bảo hiểm sức khỏe miễn phí. Suy dinh dưỡng ở trẻ em và tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh đã giảm ba lần. Tuổi thọ bình quân tăng từ 62 tuổi năm 1990 lên 73,7 tuổi năm 2020. Trong thời gian đại dịch Covid-19 xảy ra, Chính phủ Việt Nam đã triển khai hàng loạt các chương trình hỗ trợ xã hội lớn cho các nhóm người bị ảnh hưởng bao gồm cả tiêm vaccine ngừa Covid-19 miễn phí cho tất cả người dân và người nước ngoài không phân biệt quốc tích và nghề nghiệp.

Việt Nam - Thái Lan, 45 năm hợp tác cùng phát triển

Đại sứ Phan Chí Thành cho biết, lịch sử quan hệ song phương giữa Việt Nam và Thái Lan đã kéo dài gần một thiên niên kỷ, khi chiếc tàu buôn đầu tiên của Xiêm La cập cảng Đại Việt vào năm 1149 để trao đổi hàng hóa.

Tháng 8/1976, Việt Nam và Thái Lan đã chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao sau khi Việt Nam hoàn toàn thống nhất đất nước và thành lập nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Năm nay, hai nước chúng ta kỷ niệm 45 năm năm sự kiện quan trọng này.

Việt Nam luôn đánh giá cao quan hệ tốt đẹp và hiệu quả với Vương quốc Thái Lan. Hai nước thường xuyên trao đổi đoàn cấp cao. Hai nước đã cùng tiến hành Kế hoạch hành động về triển khai Đối tác tác chiến lược Việt Nam - Thái Lan nhằm nâng cao quan hệ hợp tác toàn diện trên mọi lĩnh vực. Hai bên đã ký kết 50 thỏa thuận hợp tác ở nhiều lĩnh vực khác nhau, thường xuyên tiến hành các cuộc tham vấn và chia sẻ hiểu biết và mối quan tâm chung ở hàng loạt các vấn đề song phương và quốc tế.

Chính phủ hai nước cũng đã thiết lập nhiều cơ chế hợp tác mạnh mẽ và độc đáo. Cuộc họp Ủy ban hỗn hợp về hợp tác song phương (JCBC) lần thứ 4 do Bộ trưởng Ngoại giao hai nước chủ trì dự kiến sẽ được tổ chức theo mô hình họp trực tuyến vào tháng 10 tới. Cuộc họp Nội các chung (JCR) lần thứ 4 do Thủ tướng hai nước chủ trì cũng sẽ sớm được tổ chức sau khi hai nước mở cửa trở lại.

Việt Nam và Thái Lan cũng có quan hệ hợp tác tích cực về kinh tế, quốc phòng và an ninh, văn hóa, giáo dục. Kim ngạch thương mại giữa hai nước năm 2020 đạt hơn 16 tỷ USD và đang phấn đấu đạt 25 tỷ USD vào năm 2025. Các doanh nghiệp Thái Lan đã đầu từ hơn 13 tỷ USD vào Việt Nam với hơn 600 dự án, đưa Thái Lan trở thành nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 9 ở Việt Nam. Ngày càng có nhiều doanh nghiệp Thái Lan sang Việt Nam để kinh doanh và học tập.

Hàng nghìn sinh viên Việt Nam đã tốt nghiệp từ các trường đại học và cao đẳng của Thái Lan. Cộng đồng người Thái gốc Việt ở Thái Lan đóng vai trò cầu nối giữa hai nước. Việt Nam và Thái Lan là các đối tác gần gũi ở ASEAN, ACMECS cũng như các cơ chế hợp tác liên vùng như APEC, ASEM.