Tháng 7/2023, đoàn đại biểu của Bộ Y tế tham dự Hội nghị lần thứ 12 về khoa học HIV (IAS) tại Australia. Tại sự kiện này, Việt Nam là quốc gia đầu tiên trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương thực hiện thành công mục tiêu điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP và K=K). Theo PGS, TS Phan Thị Thu Hương, Cục trưởng Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế), sự kết hợp của PrEP và K=K sẽ thúc đẩy nhanh hơn việc kết thúc đại dịch vào năm 2030 như mong muốn. PrEP để dự phòng lây nhiễm HIV ở người có nguy cơ cao chưa bị nhiễm HIV, giúp phòng ngừa lây nhiễm HIV.
PrEP (Dự phòng trước phơi nhiễm HIV) sử dụng thuốc kháng vi-rút (ARV) để dự phòng lây nhiễm HIV ở người có nguy cơ cao chưa bị nhiễm HIV, giúp phòng ngừa lây nhiễm HIV. PrEP bao gồm việc dùng thuốc kháng vi-rút hay chất ức chế men sao chép ngược nucleoside của HIV (NRTI) để ngăn chặn sự phát triển của vi-rút HIV trong cơ thể người dùng.
Trước khi bắt đầu sử dụng PrEP và tối thiểu 3 tháng/lần trong thời gian điều trị bằng thuốc, người tham gia điều trị sẽ phải xét nghiệm HIV và có kết quả âm tính. Nếu đã tiếp xúc với HIV hoặc có các triệu chứng cấp tính, người bệnh sẽ phải đợi để chắc chắn rằng mình có kết quả xét nghiệm âm tính trước khi tiếp tục dùng thuốc PrEP. Không được dùng PrEP cho những người đang mắc HIV. Hiện nay trên thế giới có hai loại gồm thuốc uống và PrEP dạng tiêm. Tại Việt Nam, PrEP dạng uống đang được sử dụng tại 26 địa phương.
Còn K=K, là khi bạn đang sống chung với HIV, nếu tuân thủ điều trị ức chế vi-rút bằng thuốc kháng vi-rút tốt, sẽ đạt duy trì tải lượng vi-rút dưới ngưỡng phát hiện, thì không có nguy cơ làm lây truyền HIV sang cho người khác. Chiến dịch PrEP và K=K, giúp cho những người nhiễm HIV cải thiện cuộc sống và tăng tốc mục tiêu kết thúc đại dịch AIDS vào năm 2030.
Cũng theo PGS, TS Phan Thị Thu Hương, để có được kết quả này, Việt Nam đã triển khai chiến lược sử dụng thuốc dự phòng trước phơi nhiễm (PrEP) cho 65 nghìn người (năm 2023). Duy trì hơn 70% người dùng PrEP trong ba tháng. Bên cạnh đó, triển khai PrEP với nhiều mô hình linh hoạt, đa dạng để đáp ứng nhu cầu của nhiều đối tượng khác nhau. Mô hình Phòng khám toàn diện và thân thiện OSS cũng được triển khai và mở rộng mang lại dịch vụ phòng ngừa toàn diện cho người sử dụng PrEP.
Theo báo cáo Bộ Y tế, cả nước hiện có hơn 231 nghìn người đang sống chung với HIV. Tính tới tháng 9/2023, đã có 100% số tỉnh, thành phố; 100% số quận, huyện và hơn 99,98% số xã, phường báo cáo có người nhiễm HIV/AIDS. Năm 2023 cả nước ghi nhận 10.219 trường hợp phát hiện mới HIV dương tính, 1.126 trường hợp tử vong.
Trong số người mới phát hiện nhiễm HIV có 84,5% là nam giới, độ tuổi chủ yếu là từ 16 đến 29 (47,3%) và 30 đến 39 (28,2%); đường lây chủ yếu là quan hệ tình dục không an toàn (75,1%). Đáng chú ý, đối tượng chủ yếu là nam quan hệ tình dục đồng giới (49,2%)... Qua phân tích số liệu cho thấy, hình thái lây nhiễm HIV có sự thay đổi rõ rệt. Trong số những người nhiễm HIV mới phát hiện, tỷ lệ người nhiễm HIV qua đường máu giảm từ 47,5% (năm 2010) xuống còn 6,4% (tháng 9/2023)...
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác phòng chống HIV/AIDS cũng đang gặp nhiều thách thức. Thời gian qua xu hướng dịch HIV tăng rõ rệt trong nhóm MSM, cũng như dự báo dịch HIV trong thời gian tới sẽ tiếp tục gia tăng. Kết quả nghiên cứu gần đây cũng chỉ ra rằng, nhóm người chuyển giới nữ cũng là một trong những nhóm được cảnh báo nguy cơ lây nhiễm HIV với tỷ lệ hiện nhiễm HIV tại Hà Nội là 5,8% (năm 2022), tại Thành phố Hồ Chí Minh là 16,5% (năm 2022).
Nhằm kiểm soát được nhóm nguy cơ cao lây nhiễm HIV và tiếp tục duy trì thực hiện tốt chiến dịch PrEP và K=K, năm 2024, ngành y tế sẽ mở rộng điều trị ARV tại các tỉnh, thành phố; chú trọng nâng cao chất lượng điều trị; duy trì tỷ lệ người bệnh điều trị ARV có tải lượng vi-rút dưới ngưỡng ức chế đạt hơn 95%; đồng thời mở rộng dịch vụ cung cấp xét nghiệm tải lượng vi-rút cho người nhiễm HIV; đồng thời tiếp tục thực hiện truyền thông về PrEP và K=K; mở rộng điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV bằng thuốc ARV; mở rộng áp dụng những khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới trong việc tổ chức hệ thống xét nghiệm, điều trị HIV/AIDS và theo dõi kết quả điều trị.
Cùng với đó là tăng cường truyền thông về hiệu quả của điều trị HIV/AIDS để người có hành vi nguy cơ dễ lây nhiễm tiếp cận sớm với các dịch vụ xét nghiệm, điều trị; để cán bộ y tế, người thân, gia đình và cộng đồng không kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV; giúp người nhiễm HIV và người có hành vi nguy cơ lây nhiễm HIV cũng phải tự vươn lên, vượt qua khó khăn, rào cản, không tự kỳ thị chính mình.
Một vấn đề khác cũng cần được quan tâm đó là cải tiến công tác xét nghiệm HIV theo hướng thuận lợi cho những người có hành vi nguy cơ cao với các mô hình khác nhau như xét nghiệm tại cộng đồng, qua trang web, tự xét nghiệm để phát hiện sớm nhiễm HIV và được điều trị ARV sớm, hỗ trợ tuân thủ điều trị để bệnh nhân sớm đạt tải lượng vi-rút dưới ngưỡng phát hiện. Dự phòng phơi nhiễm HIV/AIDS tốt, sẽ làm giảm lây truyền HIV nói chung và giúp những người nhiễm HIV có chất lượng cuộc sống tốt nhất. PrEP và K=K như một gói giải quyết tổng thể về phòng chống dự phòng phơi nhiễm HIV.