Theo nguồn của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 27-7, mỗi năm toàn thế giới có 60.000 người chết vì dầm mình trong nắng quá nhiều.
“Trong số 60.000 người chết, có 48.000 ca do u hắc tố và 12.000 do các bệnh ung thư da khác” - báo cáo Gánh nặng toàn cầu bệnh tật do bức xạ bực tím mặt trời của WHO ước tính.
WHO tin rằng, hơn 1,5 triệu “số năm sống mất đi điều chỉnh theo mức độ tàn tật” (disability-adjusted life years - DALYS) - một chỉ số đánh giá gánh nặng bệnh tật - bị mất mỗi năm trên toàn thế giới do phơi nhiễm quá nhiều với bức xạ cực tím có ánh nắng mặt trời.
Hàng trăm người Việt Nam ung thư da mỗi năm
“Mỗi năm, Việt Nam có hàng trăm ca ung thư da và chủ yếu do phơi nhiễm dưới ánh nắng mặt trời” – giáo sư Phạm Thụy Liên, Chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam, nói.
Tính riêng ung thư hắc tố, một trong bốn loại ung thư da chính, theo giáo sư Liên, mỗi năm Việt Nam phát hiện trung bình 56 ca. Ung thư hắc tố thường khởi đầu từ một nốt ruồi lành, tàn nhang hoặc một đám sắc tố bẩm sinh nhưng cũng có thể phát triển ở chỗ da bình thường.
Người da vàng có tỷ lệ mắc ung thư da ở mức trung bình so với da trắng và da đen. Vì thế, số ung thư da hằng năm ở mức vài trăm người ở Việt Nam là đáng báo động.
Bốn loại ung thư da chính
Đó là: ung thư biểu mô tế bào đáy, ung thư biểu mô gai sừng hóa, ung thư hắc tố, và ung thư xuất phát từ các tuyến dưới da.
Loại thứ nhất thường hay gặp ở vùng da hở, tiếp xúc với ánh sáng mặt trời. Ung thư này có khả năng chữa khỏi 100%.
Loại thứ hai thường phát triển từ sẹo bỏng hoặc vết loét lâu ngày. Loại này hay dẫn đến di căn hạch và có thể gây tử vong cao nếu không được chẩn đoán sớm và điều trị hợp lý.
Loại thứ ba thường khởi đầu từ một nốt ruồi lành, tàn nhang hoặc một đám sắc tố bẩm sinh (bớt) nhưng cũng có thể phát triển ở chỗ da bình thường.
Loại thứ tư, các tuyến dưới da hay bị gồm ung thư biểu mô tuyến mồ hôi, ung thư biểu mô tuyến ngoại tiết, và ung thư biểu mô tuyến bã.
Đấy là chưa kể, theo một chuyên gia ung thư, “hệ thống ghi nhận ung thư ở Việt Nam chưa hoàn thiện nên chắc chắn chưa thể có con số thực”.
Các bác sĩ nói quặng phóng xạ và, nhất là tia cực tím trong ánh nắng mặt trời (UVR) rất có thể là nguyên nhân của ung thư da.
Theo PGS-TS Nguyễn Bá Đức - Giám đốc Bệnh viẹn K trung ương, nam giới vốn ít đội mũ nón hơn khi ra ngoài nắng, có nguy cơ mắc cao hơn nữ 1,5 lần. Phơi nhiễm dưới ánh nắng mặt trời là yếu tố nguy cơ cao nhất gây ung thư da, gây tổn thương và đột biến tế bào da.
Đặc biệt, “Phơi nhiễm bức xạ cực tím ngắt quãng có nguy cơ mắc ung thư da cao hơn so với phơi nhiễm liên tục” – PGS-TS Đức nói - “Trẻ em phơi nhiễm dưới ánh nắng mặt trời nguy hiểm hơn so với người lớn”.
Đi tìm ánh nắng an toàn
Triệu chứng và dấu hiệu - Vết loét dai dẳng, thỉnh thoảng lại chảy máu hoặc có thể khỏi trong từng thời kỳ - Những thay đổi tại một vùng da bị sừng hóa do ảnh hưởng của ánh nắng mặt trời như chảy máu, loét, cục nhỏ... - Loét hay nổi cục tại vùng da được tia xạ từ trước hoặc tại một vết sẹo hay một đường dò - Một vết đốm nhỏ nhạt mãn tính với xước nhẹ. |
Vẫn theo PGS-TS Nguyễn Bá Đức, may mắn là ung thư da dễ chẩn đoán và có thể điều trị khỏi hoàn toàn nếu phát hiện sớm.
Tiến sĩ Marina Neira cũng cho rằng “các bệnh do UVR như u hắc tố ác tính, đục nhân mắt, và các bệnh ung thư da khác hầu hết đều có thể ngăn cản được bằng các biện pháp đơn giản”.
Lời khuyên muôn thuở đầu tiên là việc hầu như ai cũng biết nhưng hay xem thường. Đó là che đầu, mặt, cổ hoặc tận dụng bóng râm khi đi ngoài nắng. Về trang phục, các bác sĩ khuyến cáo nên mặc quần áo nhiều màu hoặc tối màu bằng các chất liệu tự nhiên.
Trẻ nhỏ, nhất là trẻ sơ sinh, được đề nghị tránh phơi nắng quá nhiều và tập cho tiếp xúc với “ánh nắng an toàn” để trở thành thói quen hàng ngày. Cũng cần chú ý thường xuyên vệ sinh da sạch sẽ, tránh và điều trị kịp thời các triệu chứng viêm nhiễm trên da.
Các bác sĩ còn khuyên một số đối tượng hoặc vùng da đặc biệt cần tránh UVR. Đó là những người có vết sẹo bỏng cũ hoặc có vết loét, ổ viêm nhiễm lâu ngày, những người có nước da trắng sáng, người làm việc trong môi trường tiếp xúc với tia phóng xạ, hóa chất như thợ mỏ uranium, thạch tín (arsenic).
Vùng da có một số bệnh lý có sẵn sau đây cũng tránh xa UVR: Nốt ruồi, tàn nhang, xơ da quang hóa, bệnh xơ da nhiễm sắc, viêm da mãn tính hoặc chấn thương da, hội chứng nốt ruồi loạn sản (nốt ruồi to hoặc sùi lên).