Tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh Covid-19 với đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam và một số tổ chức quốc tế về công tác phòng, chống dịch bệnh trong thời gian tới diễn ra chiều 30-6, đại diện WHO và các tổ chức quốc tế đánh giá cao công tác phòng, chống dịch bệnh của Việt Nam, cũng như những nỗ lực của các nhà khoa học Việt Nam trong việc nghiên cứu, sản xuất trang thiết bị, sinh phẩm y tế phục vụ phòng, chống dịch bệnh.
Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 còn kéo dài, các chuyên gia lưu ý phải đầu tư tối đa cho hệ thống y tế để nâng cao khả năng sẵn sàng ứng phó; đồng thời cần có đối thoại song phương với quốc gia xem xét mở cửa trở lại biên giới và nối lại đường bay và nên xem xét mở cửa biên giới từ từ, từng bước, thận trọng. Đặc biệt, phải cân nhắc phản ứng của dân chúng, năng lực ứng phó của hệ thống y tế và khả năng chịu đựng của nền kinh tế.
Về công tác phòng, chống dịch bệnh trong thời gian tới, các chuyên gia cho rằng, ngành y tế Việt Nam cần tiếp tục nâng cao năng lực xét nghiệm, bởi đây là yếu tố then chốt để ngăn ngừa đại dịch; đồng thời cần tiếp tục làm tốt công tác truyền thông để công chúng sẵn sàng ứng phó với làn sóng mới;…
Đại diện các tổ chức quốc tế cũng cam kết sẽ nỗ lực hết sức phối hợp với Việt Nam trong phòng, chống đại dịch Covid-19, mong muốn Việt Nam chia sẻ và hợp tác trong nghiên cứu sản xuất vaccine phòng ngừa virus SARS-CoV-2.
Đại diện WHO cho biết, hiện trên thế giới đã hình thành Liên minh nghiên cứu vaccine, Liên minh này rất muốn mời Việt Nam tham gia nghiên cứu, sản xuất. Việc tham gia liên minh là điều kiện quan trọng để người dân có thể tiếp cận được vaccine trong thời gian sớm nhất có thể, vào khoảng cuối năm 2021.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, Việt Nam luôn xác định phòng, chống đại dịch Covid-19 là công việc chung của toàn thế giới. Việt Nam sẵn sàng đồng hành, đóng góp cùng thế giới trong phòng, chống dịch bệnh này. Phó Thủ tướng mong muốn WHO và các tổ chức quốc tế hợp tác, giúp Việt Nam kết nối, chia sẻ, phổ biến bốn loại (kít thử) sinh phẩm xét nghiệm mà Việt Nam chủ động sản xuất với các quốc gia trên thế giới để cùng nhau đẩy lùi dịch bệnh Covid-19.
Theo Tiểu Ban Điều trị, đến sáng nay, tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) là 12.580 trường hợp, trong đó có 96 ca cách ly tập trung tại bệnh viện; 11.596 ca cách ly tập trung tại cơ sở khác và 888 ca cách ly tại nhà, nơi lưu trú.
Trong số 20 ca còn đang điều trị tại các cơ sở y tế, hiện có bốn ca âm tính lần 1 và năm ca ca âm tính lần 2 trở lên với SARS-CoV-2.