Tham gia Hội nghị, có các đoàn cấp Nguyên thủ, Bộ trưởng Ngoại giao và Đại sứ từ 80 quốc gia thành viên Phong trào Không liên kết, các tổ chức quốc tế, quan sát viên và khách mời.
Tại Hội nghị, các nước ghi nhận đóng góp của NAM trong phòng, chống dịch Covid-19 ngay từ giai đoạn bùng phát dịch bệnh. Trong 3 năm qua, dịch Covid-19 đã làm gia tăng khoảng cách giàu nghèo, tác động nghiêm trọng tới phát triển kinh tế-xã hội ở các nước đang phát triển, nhất là tại khu vực châu Phi và các quốc đảo nhỏ.
Trong bối cảnh các hệ lụy từ đại dịch ngày càng đa chiều, chịu ảnh hưởng từ căng thẳng địa chính trị, khủng hoảng kinh tế toàn cầu, các thách thức phi truyền thống..., các nước nhấn mạnh vai trò của hợp tác đa phương nói chung và NAM nói riêng trong phục hồi sau đại dịch.
Các đại biểu kêu gọi gỡ bỏ các biện pháp hạn chế xuất khẩu vaccine, tăng cường nâng cao năng lực y tế, chia sẻ kinh nghiệm và chuyển giao công nghệ sinh học. Đồng thời, Hội nghị tái khẳng định cam kết thúc đẩy các Mục tiêu phát triển bền vững 2030 và đề cao tính cấp thiết của việc xây dựng một tầm nhìn và chiến lược của NAM nhằm bảo đảm lợi ích chung của các nước thành viên hậu đại dịch.
Hội nghị đánh giá cao sáng kiến của nước chủ nhà Azerbaijan về việc thành lập Hội đồng cấp cao Liên hợp quốc về phục hồi sau đại dịch. Ngoài ra, Azerbaijan cũng kêu gọi ủng hộ toàn cầu cho các nước châu phi và quốc đảo nhỏ đang phát triển, cải cách Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc theo hướng tăng cường sự hiện diện của các nước đang phát triển.
Phát biểu ý kiến tại Hội nghị, Đại sứ Việt Nam tại Nga kiêm nhiệm Azerbaijan Đặng Minh Khôi chia sẻ về kinh nghiệm của Việt Nam trong phòng, chống và phục hồi sau đại dịch; nhấn mạnh việc lấy người dân làm trung tâm, vừa chống dịch vừa thúc đẩy các mục tiêu phát triển quốc gia, qua đó đạt được tốc độ tăng trưởng ấn tượng 8% năm 2022.
Đại sứ Đặng Minh Khôi nhấn mạnh, Việt Nam đã và đang đóng góp tích cực vào những nỗ lực quốc tế về phòng, chống dịch Covid-19 thông qua việc hỗ trợ vật tư y tế cho các nước, cũng như đóng góp vào Quỹ ứng phó dịch Covid-19 của Liên Hợp Quốc.
Để thúc đẩy phục hồi sau đại dịch, Việt Nam đề nghị hợp tác NAM thời gian tới cần củng cố đoàn kết trên cơ sở tôn trọng chủ quyền và sự đa dạng các thành viên, đề cao tiếng nói các thành viên tại những diễn đàn quốc tế, kết nối các cơ chế hợp tác trong khuôn khổ NAM và triển khai các chính sách phục hồi lấy người dân làm trung tâm.
Hội nghị kết thúc với việc ra Tuyên bố tóm tắt của nước Chủ tịch. Azerbaijan sẽ tiếp tục đảm nhiệm vai trò Chủ tịch NAM tới hết năm 2023 trước khi chuyển giao cho nước Chủ tịch kế nhiệm là Uganda.