Ngoại trưởng Lavrov đánh giá tiềm năng và triển vọng của NAM trong việc giải quyết các vấn đề quốc tế lớn là tích cực và đáng khích lệ.
Theo ông, kỷ nguyên "xây dựng" một thế giới đa cực thực sự sẽ còn dài, song đây là 1 quá trình khách quan, có tính lịch sử do sự phát triển quốc tế không đồng đều.
Hiện Trung Quốc, Ấn Độ, Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ, Mexico, Brazil, Argentina, các quốc gia châu Phi đang trở thành "đầu tàu" của nền kinh tế thế giới, trung tâm mới của tăng trưởng kinh tế, sức mạnh tài chính, với ảnh hưởng chính trị ngày càng tăng. Các quốc gia này sẽ là 1 trụ cột của trật tự thế giới đang nổi lên một cách khách quan.
Ngoại trưởng Nga cho rằng NAM, với 120 phiếu bầu tại Liên hợp quốc (LHQ), có cơ hội tác động trực tiếp đến các thỏa thuận được phát triển trong khuôn khổ diễn đàn LHQ, cũng như khi xem xét các vấn đề mang tính nguyên tắc đối với toàn bộ thế giới và sự phát triển hơn nữa của nhân loại.
Nhà ngoại giao Nga đánh giá NAM luôn nhất quán tuân thủ các nguyên tắc của Hiến chương LHQ, coi đây là bước đi dũng cảm trong điều kiện hiện nay.
Nga đã trở thành quan sát viên của NAM từ tháng 7/2021. Ngoại trưởng Lavrov nhấn mạnh, NAM cho phép các quốc gia có những cách tiếp cận linh hoạt hơn trong những trường hợp cần thống nhất quan điểm, nhưng vẫn giữ được bản sắc dân tộc, qua đó bảo đảm sự thống nhất của toàn bộ thế giới đang phát triển.
Ngoài ra, mong muốn không ngừng tìm kiếm sự đồng thuận cũng góp phần củng cố văn hóa thương lượng, thỏa hiệp trong các vấn đề quốc tế.
Đây là sự khác biệt giữa NAM với các tổ chức đa phương khác. Do đó, các sáng kiến của NAM được đệ trình lên LHQ luôn nhận được sự ủng hộ của nhiều quốc gia, gồm cả Nga.
Ngoại trưởng Lavrov nhấn mạnh, Nga có quan điểm chung với NAM về phần lớn các vấn đề, cả trong chương trình nghị sự truyền thống và những vấn đề mới nổi. Ngoài ra, các nước thành viên NAM đều thể hiện tiếng nói độc lập tại diễn đàn LHQ.
Ấn Độ, Nga và một số quốc gia NAM là những trung tâm của tăng trưởng kinh tế và ảnh hưởng chính trị, cần có được vị thế là trụ cột của trật tự thế giới mới.
Theo Ngoại trưởng Nga, điều này góp phần hiện thực hóa trật tự thế giới đa cực, dân chủ và công bằng, tôn trọng nguyên tắc bình đẳng có chủ quyền của các quốc gia như mong đợi trong Hiến chương LHQ.