Việt Nam cập nhật hướng dẫn chẩn đoán và điều trị đái tháo đường type 2

NDO -

Ngày 30-12, Cục Quản lý khám, chữa bệnh, Bộ Y tế tổ chức hội thảo triển khai Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị đái tháo đường type 2. Hướng dẫn có sự đóng góp chuyên môn của các chuyên gia đầu ngành về nội tiết, đái tháo đường Việt Nam.

Việt Nam cập nhật hướng dẫn chẩn đoán và điều trị đái tháo đường type 2

PGS, TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh cho biết, các bệnh không lây nhiễm trong đó có bệnh đái tháo đường cũng là một đại dịch không kém gì Covid-19. Đái tháo đường là bệnh phổ biến toàn cầu và Bộ Y tế đã nhiều lần cập nhật sửa đổi hướng dẫn.

Theo thống kê của thế giới, năm 2019 có hơn 440 triệu người lớn mắc đái tháo đường. Dự đoán đến năm 2045, thế giới sẽ tăng lên 700 triệu người, tương đương với một người trong 10 người lớn sẽ mắc bệnh đái tháo đường.

Theo báo cáo của BV Nội tiết Trung ương, tỷ lệ mắc đái tháo đường chung ở Việt Nam đang là 5-7%. Đây là thách thức lớn với người bệnh và xã hội. Vì thế, cần phải có hướng dẫn mới, chẩn đoán, phát hiện sớm điều trị kịp thời bệnh đái tháo đường.

Hôm nay, 30-12, Thứ trưởng Y tế Nguyễn Trường Sơn đã ký ban hành Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị đái tháo đường type 2 mới.

GS, TS Trần Hữu Dàng, Chủ tịch Hội Nội tiết - Đái tháo đường Việt Nam cho biết, để kiểm soát đái tháo đường tốt, người bệnh không chỉ sử dụng thuốc men mà cần phải quan tâm đến vấn đề dinh dưỡng. Do đó, hướng dẫn mới bổ sung thêm nhiều nội dung về bổ sung dinh dưỡng; Bổ sung phác đồ quản lý bệnh nhân tăng glucose máu ở bệnh nhân nội trú không có biển chứng cấp bao gồm: bệnh nhân mắc bệnh nguy kịch, bệnh nhân nặng không nguy kịch, bệnh nhân sử dụng thuốc hạ glucose huyết không phải insulin, bệnh nhân có dùng glucocorticoid và bệnh nhân chu phẫu.

Hướng dẫn cũng phân mức độ và xử trí hạ đường huyết - một biển chứng cấp tính thường gặp ở bệnh nhân đái tháo đường và là rào cản lớn trong việc kiểm soát đường huyết đạt mục tiêu; Cập nhật chẩn đoán và điều trị biến chứng cấp tiính của đái tháo đường: nhiễm toan ketone, nhiễm toan lactic và tăng áp lực thẩm thấu; Phòng ngừa và kiểm soát biển chứng mạn tính bao gồm biến chứng vi mạch.

Hướng dẫn sử dụng insulin kiểm soát đái tháo đường trong thời kỳ mang thai giúp phòng tránh các tác động bất lợi của tăng đường huyết đối với mẹ và con trong thai kỳ cũng như trong lâu dài sau khi mẹ sinh con, đồng thời vẫn bảo đảm sự tăng trưởng và phát triển bình thường của thai nhi.

Cũng theo hướng dẫn mới này, Bộ Y tế khuyến cáo các bác sĩ theo dõi đường huyết mao mạch chỉ định với bệnh nhân nội trú, ngoại trú, đái tháo đường thai kỳ và đo dường huyết liên tục.

Cùng với việc cập nhật Hướng dẫn và chẩn đoán điều trị đái tháo đường type 2 năm 2020, Bộ Y tế cũng cập nhật công cụ để giúp các nhân viên y tế cập nhật kiến thức điều trị đái tháo đường. Ứng dụng Diabetes Journey, được phê duyệt năm 2019 trên cơ sở các hướng dẫn của Bộ Y tế sẽ giúp các cán bộ y tế cân nhắc các lựa chọn điều trị minh bạch và cá thể hóa.