Tham dự Hội thảo, có đồng chí Lê Hải Bình, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Đại sứ Australia tại Việt Nam Andrew Goledzinowski; đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành hữu quan của Việt Nam và Australia.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, đồng chí Lê Hải Bình nêu rõ, tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, cạnh tranh giữa các nước lớn gia tăng, song hòa bình, hợp tác vẫn là xu thế lớn, xu thế chủ đạo. Đồng chí cho rằng, để đạt được lợi ích quốc gia, nâng cao tầm ảnh hưởng, vị thế, uy tín trên trường quốc tế, việc tăng cường phát huy sức mạnh mềm thông qua hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị chính trị-xã hội và chính sách đối ngoại đang được nhiều quốc gia theo đuổi.
Theo ông Lê Hải Bình, trong bối cảnh cuộc cách mạng khoa học-công nghệ đang diễn ra nhanh và mạnh mẽ với sự xuất hiện của nhiều phương thức truyền thông mới, sức mạnh mềm càng có thêm nhiều không gian, môi trường và công cụ để triển khai.
Đồng chí Lê Hải Bình phát biểu tại Hội thảo. |
Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh, Việt Nam là quốc gia có truyền thống văn hóa lâu đời ở khu vực. Chính văn hóa đã góp phần tạo nên sức mạnh, giúp tiềm lực, uy tín và vị thế của Việt Nam ngày càng tăng trên trường quốc tế. Việc phát triển sức mạnh mềm là rất quan trọng, để văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, trở thành động lực và sức mạnh nội sinh quan trọng để bảo đảm sự phát triển bền vững của đất nước.
Theo ông Lê Hải Bình, ngoài chiến lược ngoại giao đúng đắn, phù hợp đặc thù của đất nước, sức mạnh mềm của Australia còn không ngừng được củng cố thông qua nền tảng văn hóa, nền kinh tế phát triển có sức cạnh tranh và nền giáo dục tiến bộ. Trước sự bùng nổ mạnh mẽ của các phương tiện truyền thông hiện đại, Chính phủ Australia kịp thời nắm bắt và có những chính sách đáp ứng yêu cầu của tình hình mới. Các chính sách, chiến lược, cách triển khai hiệu quả đó sẽ là những bài học kinh nghiệm quý báu để bạn bè quốc tế, trong đó có Việt Nam, tham khảo.
Theo ông Lê Hải Bình, trong chặng đường hợp tác 50 năm qua, quan hệ Việt Nam-Australia đã đạt được bước tiến lớn. Cả hai nước đều giữ vị trí quan trọng trong chính sách đối ngoại của nhau. Hợp tác và sự hiểu biết lẫn nhau giữa hai nước ngày càng đi vào chiều sâu và hiệu quả hơn.
Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương hy vọng, Hội thảo sẽ thúc đẩy việc chia sẻ kinh nghiệm của Australia và Việt Nam về những nội dung được thảo luận.
Toàn cảnh Hội thảo. |
Hội thảo đã nghe báo cáo đề dẫn "Sự trỗi dậy của sức mạnh mềm trong kỷ nguyên số" và các báo cáo tham luận về: chính sách quốc gia của Việt Nam và Australia về tăng cường sức mạnh mềm, xây dựng thương hiệu quốc gia trong bối cảnh bùng nổ các phương tiện truyền thông mới; sáng kiến xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quảng bá hình ảnh Việt Nam trên không gian số và sáng kiến triển khai chiến lược ngoại giao công chúng của Australia.
Tại Hội thảo, các đại biểu thảo luận về nhiều chủ đề: vai trò của truyền thông quốc tế trong việc tăng cường sức mạnh mềm quốc gia; ngoại giao số nhằm xây dựng một thế giới bền vững; hiệu quả và sự đổi mới phương thức triển khai của chính sách ngoại giao công chúng...