Viện Mỹ thuật - Chặng đường 60 năm thành lập

NDO - Với chức năng nghiên cứu khoa học và xây dựng hệ thống tư liệu về Mỹ thuật Việt Nam, Viện Mỹ thuật đã trải qua chặng đường 60 năm hình thành và phát triển.
0:00 / 0:00
0:00
PGS, TS Trần Lâm Biền cùng các nhà nghiên cứu của Viện trong một chuyến điền dã. (Ảnh: Viện Mỹ thuật cung cấp)
PGS, TS Trần Lâm Biền cùng các nhà nghiên cứu của Viện trong một chuyến điền dã. (Ảnh: Viện Mỹ thuật cung cấp)

Năm 1962, Viện Mỹ thuật-Mỹ nghệ được thành lập, là tiền thân của Viện Mỹ thuật và Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam ngày nay. Ngay từ khi thành lập, Viện Mỹ thuật-Mỹ nghệ là cơ quan nghiên cứu chuyên ngành nghệ thuật duy nhất thuộc Bộ Văn hóa. Chức năng và nhiệm vụ của Viện Mỹ thuật-Mỹ nghệ khi ấy bao gồm nghiên cứu mỹ thuật, xây dựng viện Bảo tàng Mỹ thuật quốc gia, thu thập tư liệu mỹ thuật, đẩy mạnh giao lưu với nước ngoài.

Với trọng trách ấy, Viện đã thực hiện nhiệm vụ sưu tầm hệ thống tư liệu hiện vật, nghiên cứu xây dựng nội dung các giai đoạn lịch sử mỹ thuật Việt Nam. Họa sĩ-nhà nghiên cứu Nguyễn Đỗ Cung - người Viện trưởng đầu tiên đã đặt nền móng cho nghiên cứu mỹ thuật cổ Việt Nam, đã chỉ đạo trực tiếp trong công tác nghiên cứu của Viện và đào tạo, xây dựng được một đội ngũ nghiên cứu mỹ thuật xuất sắc thế hệ đầu tiên. Ông cũng là người sáng lập ra Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.

Trong công tác nghiên cứu thời kỳ đầu của Viện Mỹ thuật-Mỹ nghệ, họa sĩ-nhà nghiên cứu Nguyễn Đỗ Cung đã cùng các cán bộ viện đã tiến hành nghiên cứu thực địa, nghiên cứu thư tịch, tư liệu và triển khai các công tác nghiên cứu khoa học về mỹ thuật. Đội ngũ các nhà nghiên cứu trẻ khi ấy của Viện đã được phân bổ chuyên trách theo 4 nội dung chính: Phần nghệ thuật tiền sử có các nhà nghiên cứu Hoàng Vinh, Trần Mạnh Phú, Nguyễn Văn Huyên; Phần nghệ thuật trang trí của các dân tộc có các nhà nghiên cứu Nguyễn Du Chi, Nguyễn Tiến Cảnh, Phạm Ngọc Khuê; Phần nghệ thuật phong kiến có các nhà nghiên cứu Nguyễn Bích, Chu Quang Trứ, Trần Thức, Nguyễn Đỗ Bảo; Phần nghệ thuật thủ công mỹ nghệ dân gian truyền thống của có Nguyễn Văn Y, Vương Như Chiêm, Nguyễn Bá Vân, Vũ Đình Đức. Bên cạnh đó, việc chuẩn bị và tu sửa, xây dựng Viện Bảo tàng Mỹ thuật được tiến hành trong 4 năm (1962-1966).

Công việc trở lên khó khăn gấp bội khi đế quốc Mỹ tiến hành chiến tranh phá hoại ở miền bắc. Trong hoàn cảnh đó, ngày 24/6/1966, Viện Mỹ thuật-Mỹ nghệ đã chính thức giới thiệu, khánh thành Viện Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.

Năm 1971, Viện Mỹ thuật-Mỹ nghệ chính thức tách thành hai đơn vị độc lập là Ban Mỹ thuật thuộc Viện Nghệ thuật, trực thuộc Bộ Văn hóa và Viện Bảo tàng Mỹ thuật. Nguồn nhân sự nghiên cứu và nguồn tư liệu, các cơ sở nền tảng ban đầu, phương pháp nghiên cứu… của Viện Mỹ thuật-Mỹ nghệ được chia sẻ và trở thành những hạt nhân nòng cốt để hai Viện xây dựng và phát triển đến nay.

Năm 1981, Ban Mỹ thuật thuộc Viện Nghệ thuật được tách thành Viện nghiên cứu Mỹ thuật thuộc Bộ Văn hóa.

Viện Mỹ thuật - Chặng đường 60 năm thành lập ảnh 1

Một chuyến nghiên cứu của các cán bộ Viện.

Kể từ khi thành lập 1962 đến 2012, Viện Mỹ thuật luôn duy trì ba chương trình cơ bản gồm: điều tra; sưu tầm thông tin tư liệu; nghiên cứu phê bình lịch sử mỹ thuật. Các hoạt động nghiên cứu, sưu tầm, điều tra, thu thập tư liệu nhằm xây dựng và bổ sung liên tục nguồn tư liệu về mỹ thuật cổ, mỹ thuật hiện đại và đương đại. Các chuyến đi khảo sát điền dã di tích cũng như các cuộc điều tra xã hội học bám sát các hoạt động sáng tác mỹ thuật được thực hiện. Do đó, khối lượng tư liệu phục vụ công tác nghiên cứu do đội ngũ nghiên cứu viên nhiều thế hệ thu thập lưu giữ rất phong phú, có giá trị khoa học và nghiên cứu.

Viện Mỹ thuật - Chặng đường 60 năm thành lập ảnh 2

Nghiên cứu viên của Viện tìm hiểu về hoa văn trên trang phục.

Từ năm 1962 đến nay, Viện Mỹ thuật đã xây dựng được hệ thống dữ liệu phong phú về mỹ thuật Việt Nam từ thời kỳ tiền sử đến hiện đại bao gồm: Tư liệu bài viết, bài dịch, bản vẽ, bản rập, các công trình nghiên cứu, ấn phẩm đã xuất bản… hiện lưu giữ tại Trung tâm Thông tin Thư viện của trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam. Đây là những hệ thống tư liệu mỹ thuật quý giá phục vụ tốt cho công tác nghiên cứu nghệ thuật, trong số đó nhiều công trình nghiên cứu có giá trị khoa học với mỹ thuật, là những tư liệu tham khảo mang tính nền tảng trong nghiên cứu mỹ thuật Việt Nam và trong công tác học tập, đào tạo về Mỹ thuật.

Viện Mỹ thuật - Chặng đường 60 năm thành lập ảnh 3

Lưu lại hình khắc trên đá cổ.

Suốt chặng đường 60 năm hình thành, xây dựng phát triển, Viện Mỹ thuật qua hoạt động nghiên cứu khoa học về mỹ thuật Việt Nam với nhiều thành tựu đã được xã hội ghi nhận. Trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, nghiên cứu mỹ thuật đã và đang mở rộng không gian hoạt động với nhiều đòi hỏi khắt khe của xã hội…

Tuy nhiên, để Viện Mỹ thuật phát triển được các hoạt động nghiên cứu và thực sự trở thành trung tâm nghiên cứu lý luận và lịch sử nghệ thuật tạo hình Việt Nam, rất cần sự quan tâm về các chính sách cho hoạt động nghiên cứu khoa học từ các cấp quản lý. Viện cũng cần đến đội ngũ nghiên cứu viên trẻ có trình độ, yêu nghề với những chính sách thiết thực đến quy mô, cơ chế, hình thức hoạt động nghiên cứu khoa học về mỹ thuật gắn kết với đào tạo. Từ đó sẽ tạo ra những bước phát triển tiếp theo, gắn bó với nền tảng nghiên cứu và truyền thống của các thế hệ cán bộ, nhà nghiên cứu, họa sĩ đã dày công vun đắp, xứng đáng với thành tựu của 60 năm xây dựng và phát triển của Viện Mỹ thuật.