Nhiều giả thuyết được đặt ra về nguyên nhân gây bệnh viêm gan "bí ẩn"
Theo PGS, TS Đỗ Văn Dũng, Trưởng Khoa Y tế công cộng, Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh, căn nguyên nghi ngờ lớn nhất gây bệnh viêm gan cấp tính "bí ẩn" là adenovirus - 1 họ virus phổ biến thường gây cảm lạnh thông thường với các triệu chứng giống như cúm, hoặc gây bệnh đường tiêu hóa như viêm dạ dày ruột cấp tính. Phần lớn trẻ mắc bệnh viêm gan bí ẩn đều có kết quả xét nghiệm nhiễm virus này.
“Việc adenovirus gây viêm gan không mới. Trước đây đã từng có những trường hợp trẻ nhiễm virus này ở trẻ suy giảm miễn dịch. Tuy nhiên, hiện nay tỷ lệ mắc cao hơn, gặp cả ở những trẻ khỏe mạnh”, PGS Dũng cho hay.
Điều bất thường và đáng lo ngại là cho đến nay, các ca bệnh được phát hiện đều không liên quan đến các loại virus thông thường gây bệnh viêm gan cấp tính (viêm gan A, B, C, D, E). Theo chuyên gia này, giới chuyên môn nghiêng về hướng adenovirus có đột biến.
Đồng quan điểm này, TS, BS Trương Anh Thư, Trưởng Khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, đối tượng mắc bệnh viêm gan bí ẩn hiện nay ghi nhận trên thế giới là trẻ em trong độ tuổi từ 1 tháng đến 16 tuổi không có bệnh kèm theo, hầu hết là dưới 10 tuổi và nhiều nhất là nhóm dưới 5 tuổi. Một số trường hợp đã từng mắc Covid-19 hoặc nhiễm adenovirus trước đó.
"Nguyên nhân gây bệnh chưa xác định. Hiện có 3 giả thuyết đang được đưa ra: do adenovirus, biến chứng hậu Covid-19, nhiễm độc. Giả thuyết đầu tiên được nghĩ tới nhiều nhất", TS Anh Thư cho hay.
Nhiều người đặt ra câu hỏi liệu bệnh viêm gan bí ẩn ở trẻ em có liên quan gì tới Covid-19 và vaccine Covid-19 hay không? PGS, TS Đỗ Văn Dũng cho biết, hai bệnh lý này không có sự liên quan trực tiếp. Nhưng có nhiều yếu tố trong khi đại dịch chưa kết thúc mà người dân cần phải lưu ý.
Thứ nhất, nhiều giả thuyết đưa ra, trong lúc Covid-19 phải giãn cách xã hội, người dân quan tâm tới phòng ngừa nên ít người mắc bệnh. Nhưng khi đã nới lòng các biện pháp, các bệnh lây nhiễm sẽ tăng lên, những đứa trẻ không có miễn dịch chống adenovirus sẽ bị yếu đi, khi nhiễm virus có thể gây ra tình trạng bệnh nặng hơn.
Thứ hai, sau Covid-19 nhiều người lơ là phòng bệnh. Người dân chỉ quan tâm các triệu chứng mất mùi, đau họng, sốt, khó thở mà quên đi triệu chứng khác.
Thứ ba, không liên quan trực tiếp tới Covid-19, nhưng khi đồng nhiễm Covid-19 với adenovirus, virus này dễ đột biến hơn, chủng của nó độc tính hơn chứ không phải do nhiễm Covid-19 gây ra tình trạng nặng hơn.
Những triệu chứng cần lưu ý
Hiện có ba trẻ ở Đông Nam Á đã tử vong do viêm gan, nên nguy cơ lây nhiễm sang Việt Nam hoàn toàn có thể xảy ra. Do đó, PGS Dũng nhấn mạnh một số triệu chứng mà các bậc cha mẹ cần phải theo dõi. Đầu tiên, trẻ nhiễm adenovirus sẽ có triệu chứng đau bụng dữ dội, sốt, nước tiểu sậm màu hay phân nhạt màu. Triệu chứng rõ nhất cần cảnh giác là vàng da hay vàng mắt.
Do adenovirus vừa lây theo đường hô hấp, đường tiêu hóa và tiếp xúc trực tiếp nên việc tuân thủ các biện pháp vệ sinh thông thường lây nhiễm theo đường hô hấp như đeo khẩu trang, không tụ tập, giữ khoảng cách là quan trọng.
“Trong thời điểm này, nên lưu ý thêm những biện pháp vệ sinh truyền theo đường tiêu hóa vì adenovirus chủ yếu lây qua cả hô hấp, tiêu hóa. Gia đình cần hướng dẫn các con em tiếp tục giữ vệ sinh như rửa tay thường xuyên sau khi đi vệ sinh, không ăn uống chung.”, bác sĩ Dũng nói.
Trong giai đoạn dịch Covid-19 vẫn chưa được kiểm soát, các phụ huynh nên cho con mình đi tiêm vaccine Covid-19. Trẻ tiêm chủng tốt có ưu điểm sẽ giảm sự đột biến của virus trong tương lai.
Hiện ở nước ngoài, phương pháp chẩn đoán và điều trị tốt nên trẻ ở tình trạng nặng, có thể được ghép gan sẽ qua được cơn nguy kịch. Những trường hợp nặng không được ghép gan đều tử vong. Vì vậy, việc phát hiện sớm triệu chứng rất có giá trị để can thiệp, điều trị cho trẻ.
PGS Dũng khuyến cáo, các chuyên gia dịch tễ nên giám sát adenovirus để phát hiện ca mắc ban đầu và số ca mắc có tăng hay không. Các bậc phụ huynh theo dõi sát được triệu chứng của con mình sẽ giúp cho trẻ được phát hiện điều trị sớm và cũng cảnh báo sớm cho ngành y tế triển khai các biện pháp dịch tễ kịp thời.
Theo TS, BS Trương Anh Thư, Trưởng Khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn, Bệnh viện Bạch Mai, các ca viêm gan không rõ nguyên nhân khởi phát từ Anh, sau đó xuất hiện tại Mỹ, châu Âu và một số nước Đông Nam Á.
Singapore cuối tuần qua đã xác nhận một trường hợp ở bệnh nhi 10 tháng tuổi và hôm qua Indonesia thông báo có 3 trẻ tử vong do căn bệnh bí ẩn này. Một số trẻ từng mắc Covid-19, số khác nhiễm adenovirus, gây bệnh cảm lạnh thông thường.
Chuyên gia này cảnh báo, dù viêm gan cấp chưa rõ nguyên nhân chưa xuất hiện ở Việt Nam nhưng cũng cần thận trọng với căn bệnh mới này đã xuất hiện ở một số nước và có thể để lại hậu quả rất nặng nề.
"Theo tôi những việc cần làm hiện nay là các phụ huynh, thầy cô, cơ sở y tế cần cập nhật thông tin, theo dõi để phát hiện sớm nhất có thể những trẻ có triệu chứng của bệnh, thực hiện tốt vệ sinh tay, vệ sinh bề mặt và vệ sinh đường hô hấp ở những nơi trẻ thường xuyên có mặt, không để trẻ tiếp xúc với những trẻ bị ốm khác", bác sĩ Anh Thư nói.
Người phát ngôn của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), ông Tarik Jasarevic ngày 3/5 cho biết, cơ quan này đã nhận được báo cáo về ít nhất 228 trường hợp trên toàn cầu có thể đã mắc bệnh viêm gan bí ẩn ở trẻ em, cùng hàng chục trường hợp nghi nhiễm khác đang được điều tra.
Các cơ quan y tế trên toàn cầu đang nỗ lực tìm hiểu nguyên nhân đằng sau sự gia tăng bí ẩn các trường hợp viêm gan nặng ở trẻ nhỏ, vốn đã khiến ít nhất 4 trẻ tử vong, trong đó có 3 ca ghi nhận tại Indonesia.