Việc công chứng, chứng thực các hợp đồng, giao dịch về quyền sử dụng đất

Các hợp đồng, giao dịch về quyền sử dụng đất do Luật Đất đai năm 2003 quy định như: hợp đồng chuyển đổi, chuyển nhượng cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất; thế chấp, bảo lãnh, góp vốn bằng quyền sử dụng đất... phải được phòng công chứng chứng nhận hoặc UBND xã, phường thị trấn nơi có đất chứng thực. Như vậy, kể từ ngày Luật Đất đai có hiệu lực 1-7-2004, tất cả các hợp đồng, giao dịch về quyền sử dụng đất (SDĐ) phải có chứng nhận của phòng công chứng hoặc UBND cấp xã thì mới được coi là hợp lệ.

Trong khi chờ các văn bản hướng dẫn cụ thể về thủ tục công chứng, chứng thực các hợp đồng, giao dịch về quyền SDĐ (Nghị định thi hành Luật Đất đai; Thông tư liên tịch Bộ Tư pháp - Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn thực hiện công chứng, chứng thực các hợp đồng, giao dịch về quyền SDĐ), để bảo đảm các giao dịch về quyền sử dụng đất được diễn ra bình thường, Bộ Tư pháp đã có Công văn số 1744 ngày 7-7-2004 đề nghị Giám đốc Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các phòng công chứng thực hiện việc công chứng các hợp đồng, giao dịch liên quan đến quyền sử dụng đất được quy định tại Luật Đất đai năm 2003. Nội dung Công văn cũng nêu rõ, Bộ Tư pháp giao cho Giám đốc Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo nghiệp vụ đối với các phòng công chứng trong địa phương mình thực hiện việc chứng nhận các hợp đồng, giao dịch về quyền sử dụng đất theo trình tự, thủ tục quy định tại Nghị định 75/2000/NĐ-CP về công chứng, chứng thực.

Như vậy, kể từ ngày 1-7-2004, tất cả các phòng công chứng và UBND xã, phường, thị trấn trên cả nước sẽ tiếp nhận thêm một nhiệm vụ mới, nhiệm vụ công chứng, chứng thực các hợp đồng, giao dịch về quyền sử dụng đất. Có thể nói đây là một nhiệm vụ khá mới mẻ đối với các phòng công chứng và đặc biệt là hoàn toàn mới đối với UBND xã, phường, thị trấn. Bởi vì, theo quy định hiện hành tại Nghị định số 75/2000/NĐ-CP ngày 8-12-2000 về công chứng, chứng thực thì chỉ phòng công chứng và UBND cấp huyện mới có thẩm quyền công chứng, chứng thực các hợp đồng, giao dịch liên quan đến bất động sản, còn UBND cấp xã hoàn toàn không có nhiệm vụ này.

Trên thực tế, do Bộ luật Dân sự chỉ quy định hợp đồng mua bán nhà ở (Điều 443) và hợp đồng thuê nhà có thời hạn hơn sáu tháng phải có công chứng, chứng thực nên các phòng công chứng vẫn thực hiện việc chứng nhận hợp đồng mua bán nhà ở gắn liền với chuyển nhượng quyền sử dụng đất ở. Ngoài ra, phòng công chứng, UBND cấp huyện còn chứng nhận, chứng thực các hợp đồng thế chấp, bảo lãnh bằng bất động sản theo yêu cầu của cá nhân, tổ chức.

Như vậy có thể thấy khối lượng công việc của các phòng công chứng và UBND cấp xã sau ngày 1-7 sẽ tăng lên đáng kể. Với số lượng phòng công chứng hiện có trên cả nước hiện nay (114 phòng) và với hơn 300 công chứng viên thì thiết nghĩ, trong thời gian tới, các cơ quan chức năng cần có chiến lược phát triển nhanh số lượng phòng công chứng cũng như số lượng công chứng viên để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới này.

Riêng với UBND cấp xã thì khi cán bộ tư pháp thực hiện nhiệm vụ giúp Chủ tịch hoặc Phó thủ tịch UBND cấp xã phụ trách tư pháp thực hiện việc chứng thực các hợp đồng, giao dịch về quyền sử dụng đất thì trên thực tế sẽ gặp rất nhiều khó khăn vì cán bộ tư pháp - hộ tịch vừa làm nhiệm vụ của cán bộ hộ tịch (đăng ký khai sinh, khai tử, kết hôn...) lại thực hiện các nhiệm vụ khác như hòa giải... thì e rằng với quỹ thời gian có hạn khó có thể đảm đương tốt việc này và đáp ứng được yêu cầu chứng nhận các hợp đồng, giao dịch về quyền sử dụng đất nhanh chóng, kịp thời, chính xác, phục vụ tốt lưu thông dân sự. Trong khi đó, việc "xin" thêm một biên chế cho UBND cấp xã không phải là điều đơn giản, đặc biệt trong tình hình đang thực hiện chủ trương tinh giản biên chế để tăng lương như hiện nay.