Khóa học Video-art đầu tiên ở Hà Nội"

"Video-art không quá cao siêu và khó hiểu"

Cùng với video-art, sắp đặt (Installation) cũng là hình thức nghệ thuật mới mẻ ở Việt Nam.
Cùng với video-art, sắp đặt (Installation) cũng là hình thức nghệ thuật mới mẻ ở Việt Nam.


* Thưa ông, xin ông cho biết vài nét cuộc triển lãm sẽ khai mạc vào hôm nay.

- Từ tháng 11-2003, chúng tôi đã đi thực tế về nông thôn, miền núi. Đây cũng là cách mà các nghệ sĩ Việt Nam vẫn thường làm, để vẽ những tác phẩm sơn mài, sơn dầu, lụa theo truyền thống hội họa của các bạn. Do vậy ý tưởng của tôi trong dự án là vẫn làm theo thói quen đó để tạo ra những tác phẩm nghệ thuật, nhưng trên một chất liệu khác, đó là video.

Tôi muốn đem video-art đến gần với chúng ta hơn, bởi bây giờ rất nhiều người quan niệm rằng video-art là một cái gì đó quá cao siêu, quá khó hiểu.

Lần này tôi sang Việt Nam là để giúp các học viên của tôi biên tập và hoàn thiện những video-art này, chuẩn bị cho triển lãm.

Tôi cũng dự kiến sẽ dựng hai màn hình lớn để chiếu những thước phim của các học viên , và bản thân tôi cũng làm một bộ phim cho cuộc triển lãm này. Nhưng đây không phải là tác phẩm video-art, mà chỉ là những thước phim tư liệu về quá trình hoạt động của dự án từ bước đầu tiên cho đến lúc hoàn thành.

* Vậy có gì khác nhau giữa video-art và những thể loại phim khác?

- Không có một giới hạn nào cả. Theo tôi bất cứ một thể loại phim nào đem lại cho người xem một ý tưởng, ấn tượng hoặc tình cảm, thì đều có tính nghệ thuật. Video-art (nghệ thuật thu và phát hình ảnh động) là một phạm trù rất rộng và chỉ khác các thể loại phim truyện hay phim tài liệu, quảng cáo... là không mang tính thị trường, không có giá trị thương mại.

Điều quan trọng nhất của các bộ phim này là câu hỏi: Những gì thể hiện trong phim có phải là thế giới chúng ta đang sống hay không? Có nghĩa, một video-art cần mang một giá trị nhân văn cao, mang tính con người. Tôi quan niệm là ta không cần một định nghĩa video-art là gì quá rõ ràng. Nếu một bộ phim không đem lại cho ta một giá trị nào về tính nhân văn, thì nó cũng chỉ là một tác phẩm tồi mà thôi.

* Ông có nghĩ rằng nghệ thuật video-art sẽ phát triển ở Việt Nam?

- Ở Việt Nam video-art đang là một trào lưu rất mới, và nhiều cơ hội phát triển. Những video- art ở Việt Nam hiện tại thiên về truyền thống, nhưng truyền thống đó lại được sắp đặt theo cách của phương Tây. Tức các nghệ sĩ cố tình làm cho nó khác đi. Như những video-art hiện đang trưng bày tại L'Espace (Trung tâm Ngôn ngữ và văn hóa Pháp ở Hà Nội) chẳng hạn. Theo tôi điều này không cần thiết.

Tất nhiên đây chỉ là ý kiến riêng của tôi thôi. Theo tôi, những người làm video-art ở Việt Nam nên có một cách tiếp cận những di sản, nền tảng truyền thống của cha ông theo cách riêng của mình, đúng với những mạch văn hóa vẫn chảy trong con người mình, từ đó phát triển lên, để nói về mọi khía cạnh trong cuộc sống. Đấy là cách mà các nghệ sĩ có thể hướng mọi người nhìn vào xã hội, hoàn cảnh chúng ta đang sống bằng nghệ thuật.

* Còn những tác phẩm của các học viên mà ông hướng dẫn, ông thấy hài lòng chứ? Và ông thích tác phẩm nào nhất?

- Câu hỏi này thật là khó, tôi thích tất cả. Nhưng có lẽ tác phẩm của anh Nguyễn Nghĩa Phương với bộ phim làm về những đứa trẻ ở Sa Pa đã làm cho tôi thực sự cảm động. Phương vừa thu những lời hát, vừa phỏng vấn về bố mẹ và cuộc sống của chúng hiện nay. Theo tôi bộ phim  này thành công ở hai điểm, một là phản ánh được hoàn cảnh người ta đang sống, hai là mang đến cho người xem những cảm nhận về đời sống của những người miền núi. Cô bé miền núi này rất nghèo, phải đi hát để kiếm tiền mua thuốc cho bố. Cho dù về mặt kỹ thuật thì đây không phải là một thành công lớn, nhưng đối với bộ phim này vấn đề về kỹ thuật làm phim không hoàn toàn là quan trọng nhất.

* Nhưng xem những tác phẩm video-art của các học viên trong dự án, tôi cảm giác như chúng nghiêng nhiều hơn về hình thức phim tài liệu?

- Có thể là như vậy, nhưng phim tài liệu thì cũng có thể là một dạng video-art được chứ sao. Kể cả những phim thường, nếu ta nhìn nó theo một góc độ khác đi, thì nó cũng là video-art.

Và điều thú vị là các video-art này có thể tìm được rất nhiều vị trí cho nó, nó có thể được trưng bày trong triển lãm, gallery, có thể phát trên truyền hình, có thể phổ cập ở mọi nơi. Nghệ thuật là những điều giản dị, như vậy không nhất thiết chỉ là nghệ sĩ mới thể có hiểu được video-art.

* Dự án của ông sẽ vẫn tiếp tục chứ?

- Đây chỉ là một trong những chương trình trao đổi nghệ thuật giữa Trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội và Trường Nghệ thuật Umea. Tôi cũng mong rằng mình sẽ sớm được trở lại Việt Nam, bởi tôi cảm thấy rất yêu đất nước và con người của các bạn.

* Xin cảm ơn ông!