Vị thế “nhạc trưởng sáng tạo”

Hà Nội là thành phố đầu tiên của Việt Nam gia nhập Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO. Dù trải qua hai năm gián đoạn bởi dịch Covid-19, Hà Nội vẫn đạt được nhiều thành tựu.
Sức sáng tạo của các nghệ sĩ thể hiện qua việc biến công xưởng của Nhà máy Xe lửa Gia Lâm thành một sân khấu độc đáo, hấp dẫn.
Sức sáng tạo của các nghệ sĩ thể hiện qua việc biến công xưởng của Nhà máy Xe lửa Gia Lâm thành một sân khấu độc đáo, hấp dẫn.

Nổi bật nhất là hệ thống khung chính sách pháp lý ngày càng được hoàn thiện; nguồn lực văn hóa được phát huy sáng tạo để tạo ra các giá trị; cộng đồng sáng tạo ngày càng lớn mạnh, nhất là giới trẻ, những lễ hội thiết kế sáng tạo để lại dấu ấn sâu đậm, có sức lan tỏa mạnh mẽ... Những yếu tố này giúp Hà Nội vững vàng ở vị thế “nhạc trưởng sáng tạo”.

Hà Nội đang chuẩn bị Lễ hội Thiết kế Sáng tạo 2024 với chủ đề “Giao lộ sáng tạo”. Song, những ký ức về sự kiện này trong năm 2023 thật khó phai.

Thay đổi hoàn toàn cách tiếp cận về văn hóa

Đó là hình ảnh dòng người nối nhau để được vào tham quan, trải nghiệm “Sắp đặt Nước và Di sản Tháp nước Hàng Đậu” tại Tháp nước Hàng Đậu. Một công trình vốn có công năng để cấp nước, nhiều năm nay đã trở thành di sản, thành điểm nhấn về văn hóa.

Mọi người có thể khám phá kiến trúc độc đáo và cổ kính bên trong, đồng thời trải nghiệm những điểm nhấn về “văn hóa mới” thông qua sắp đặt của các nghệ sĩ. Phần lớn công chúng đều nuối tiếc vì không được khám phá… lâu hơn.

Ở một địa chỉ khác của lễ hội, Nhà máy Xe lửa Gia Lâm, những nhà kho, công xưởng cũ kỹ, những đầu máy “cổ lỗ sĩ” cũng trở thành đạo cụ của lễ hội, vừa làm nền cho hàng loạt trưng bày, biểu diễn nghệ thuật và các loại hình văn hóa sáng tạo khác nhau.

Phó Trưởng phòng Quản lý di sản văn hóa (Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội) Bùi Thị Hương Thủy cho biết: “Chỉ riêng việc thu dọn mặt bằng những công xưởng cũ đã bỏ không nhiều năm, dọn dẹp cây cối um tùm, phun thuốc muỗi… đã mất rất nhiều công sức. Các nghệ sĩ, nhà thiết kế và các tình nguyện viên đều không quản khó khăn, nhiệt tình tham gia. Điều đó cho thấy niềm đam mê sáng tạo văn hóa trong cộng đồng là rất lớn”.

Con số hơn 200 nghìn người đến trải nghiệm tại Nhà máy Xe lửa Gia Lâm xứng đáng là một kỷ lục về các sự kiện văn hóa dù lễ hội chỉ diễn ra trong ít ngày. Đây là điều ít ai tưởng tượng được, trước khi Hà Nội trở thành Thành phố Sáng tạo. Đó không phải là một danh hiệu. Đó là cam kết của Hà Nội nhằm khai thác những nguồn lực văn hóa vào quá trình phát triển bền vững.

Trải qua 5 năm gia nhập Mạng lưới các Thành phố Sáng tạo của UNESCO, dù mất đến hai năm bị gián đoạn bởi dịch Covid-19, Hà Nội vẫn đạt được nhiều thành tựu to lớn.

Việc những công trình như Tháp nước Hàng Đậu, Nhà máy Xe lửa Gia Lâm được “đánh thức” cho thấy một cách tiếp cận hoàn toàn mới về văn hóa, sáng tạo đang được thành phố triển khai.

Tất nhiên, khi những di sản bị lãng quên còn được đánh thức, thì những di sản khác còn được phát huy giá trị mạnh mẽ hơn nữa. Đó là những câu chuyện sáng tạo ở Văn Miếu-Quốc Tử Giám, Di tích Nhà tù Hỏa Lò…; là hoạt động của hơn 100 không gian sáng tạo trên địa bàn; đó là việc thế hệ trẻ được hỗ trợ để có hàng loạt sân chơi và nhiều chương trình đào tạo, tập huấn khác…

Hàng trăm làng nghề, phố nghề của Hà Nội cũng có những chuyển mình mạnh mẽ, với những trung tâm thiết kế sáng tạo, giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP, làng nghề gắn với du lịch ra đời và bước đầu hoạt động hiệu quả.

Kiến tạo để nuôi nguồn sáng tạo

Năm 2019, Hà Nội được UNESCO ghi danh vào Mạng lưới các Thành phố Sáng tạo ở lĩnh vực thiết kế sáng tạo. Việc xây dựng Thành phố Sáng tạo liên quan mật thiết với phát triển công nghiệp văn hóa, góp phần thúc đẩy công nghiệp văn hóa.

Một trong những cam kết của thành phố là xây dựng, hoàn thiện khung chính sách để xây dựng Thành phố Sáng tạo, tiến tới trở thành kinh đô sáng tạo của khu vực. Cụ thể hóa điều này, thành phố đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách, kế hoạch.

Trong đó, Hà Nội là địa phương đầu tiên trong cả nước ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU của Thành ủy về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Đáng chú ý, Hà Nội có sáng tạo so với chính sách chung là đưa ẩm thực - một thế mạnh của thành phố là một lĩnh vực của công nghiệp văn hóa. Những chính sách này đã góp phần tạo “khung” cho việc triển khai các hoạt động thực tế, tạo cơ sở cho các bên liên quan phối hợp tổ chức nhiều chương trình, hoạt động nhằm hiện thực hóa các sáng kiến, cam kết với UNESCO.

Đặc biệt, mới đây, Luật Thủ đô (sửa đổi) được Quốc hội thông qua, tiếp tục có những chính sách mở đường cho công nghiệp văn hóa phát triển, tạo điều kiện thuận lợi cho xây dựng Thành phố Sáng tạo.

Nổi bật trong đó là việc cho phép thành lập Khu phát triển thương mại và văn hóa; ưu đãi đầu tư trong văn hóa, thể thao, gồm:

Dự án đầu tư mới vào lĩnh vực thể thao và các ngành công nghiệp văn hóa bao gồm quảng cáo, kiến trúc, phần mềm và các trò chơi giải trí, thủ công mỹ nghệ, thiết kế, điện ảnh, xuất bản, thời trang, nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm, truyền hình và phát thanh, du lịch văn hóa, văn hóa ẩm thực.

Nhà đầu tư được miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước 10 năm và giảm 50% tiền thuê đất, thuê mặt nước cho thời gian còn lại và một số ưu đãi khác.

Với những sáng tạo trong triển khai và khung pháp lý cụ thể, Hà Nội sẽ tiếp tục nỗ lực xây dựng Thủ đô thành một Thành phố Sáng tạo dẫn đầu cả nước về khai thác các giá trị văn hóa phục vụ cho phát triển.