Vị thế mới của gốm Chăm Bàu Trúc

Ngày 29/11, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) đã ghi danh “Nghệ thuật làm gốm của người Chăm” vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp. Đây là di sản văn hóa phi vật thể thứ 15 của Việt Nam được UNESCO ghi danh. Gốm Chăm hiện nay còn hiện diện chủ yếu ở hai làng Ligok (Trì Đức, tỉnh Bình Thuận) và Hamu Crok (Bàu Trúc, tỉnh Ninh Thuận).
0:00 / 0:00
0:00
Sản phẩm gốm mỹ nghệ làng Bàu Trúc trưng bày phục vụ du khách tham quan.
Sản phẩm gốm mỹ nghệ làng Bàu Trúc trưng bày phục vụ du khách tham quan.

Chúng tôi về làng gốm Bàu Trúc nơi hiện có gần 600 hộ với khoảng 5.000 người là đồng bào dân tộc Chăm. Theo truyền thuyết, vị tổ nghề là vợ của ông Poklong Chanh đã dạy cách làm gốm cho các thiếu nữ Chăm từ khoảng thế kỷ thứ 12 và nghề gốm tồn tại cho đến nay.

Tại Nhà trưng bày gốm Bàu Trúc trên mảnh đất giữa làng, hàng chục du khách đang chiêm ngưỡng và trầm trồ khen ngợi sản phẩm của em Đàng Tuấn Khang, 18 tuổi, được coi là một tài năng trẻ, đang chạm trổ từng nét hoa văn độc đáo và tượng nữ thần của người Chăm trên thân chiếc bình gốm cao hơn 1 mét, nặng khoảng 50 ki-lô-gam. Cạnh đó, các phụ nữ Chăm với bàn tay lấm lem mầu đất sét đang thoăn thoắt, nhẹ nhàng nhào nặn từng thớ đất, trong chốc lát đã “biến” khối đất sét thành những sản phẩm độc đáo.

Cần mẫn giữ nghề truyền thống

Làng gốm Bàu Trúc được xem là làng nghề truyền thống cổ xưa nhất khu vực Đông Nam Á bởi trong sản phẩm gốm chứa đựng nhiều nét riêng biệt về văn hóa, đời sống, sinh hoạt... rất độc đáo của đồng bào Chăm. Giám đốc Hợp tác xã gốm Chăm Bàu Trúc, Phú Hữu Minh Thuần bộc bạch: Mấy hôm nay, niềm vui được UNESCO vinh danh lan tỏa khắp làng. Những người lớn tuổi phấn khởi và hy vọng nghề truyền thống sẽ được lưu giữ, kế tục; còn lớp trẻ thì truyền tai nhau phải góp sức để phát huy hơn nữa những tinh hoa văn hóa của cộng đồng dân tộc Chăm.

Sản phẩm gốm Bàu Trúc không có khuôn mẫu cố định mà do cá nhân mỗi người làm gốm tự sáng tạo ra. Họ thổi vào đó cái hồn và tâm tư, tình cảm trong một không gian đang hiện hữu hoặc “kể” những câu chuyện bằng hình ảnh trong đời sống hằng ngày của người Chăm. Từ khối đất bình thường được nặn thành hình hài thô, người làm gốm chà láng sản phẩm bằng cách quấn từng tấm vải nhỏ được thấm nước vào bàn tay, từng ngón tay xoa đều nhẹ nhàng hay miết thật mạnh để tạo cạnh, tạo hình răng cưa, khắc vạch, sóng nước, hoa văn độc đáo lên bề mặt của sản phẩm, tạo nên những đặc trưng không thể lẫn với bất kỳ sản phẩm gốm nào khác.

Nguyên liệu làm gốm là đất có độ dẻo cao nằm dọc triền sông Quao cách làng khoảng 1km. Cứ sau mỗi mùa thu hoạch lúa (ba vụ/năm), người dân lại đến đây đào lấy lớp đất nằm sâu khoảng gần 0,5m dưới mặt ruộng, rẫy đem về làm sạch, đập nhuyễn, ngâm nước. Tiếp theo, họ pha thêm cát trắng, hạt nhỏ theo tỷ lệ hai đất sét một cát, trộn sao cho thật mịn và trữ sẵn trong nhà để có thể sản xuất quanh năm. Chị Đàng Thị Lúa, 40 tuổi, một trong những người có tay nghề bậc cao trong làng cho biết: “Các thiếu nữ Chăm đều được học và biết làm sản phẩm gốm từ khi 12 đến 15 tuổi. Người Chăm theo chế độ mẫu hệ, nên việc này do mẹ truyền dạy cho con gái là chính. Phải là người đam mê, có con mắt mỹ thuật, đôi tay khéo léo và chịu khó thì mới chế tác được những sản phẩm đẹp”.

Những năm gần đây, thị trường ưa chuộng những sản phẩm gốm có kích thước to lớn, nặng tới vài chục ki-lô-gam, nên việc chế tác những sản phẩm cỡ nhỏ không còn phù hợp phụ nữ. Vì vậy, tập tục mẹ chỉ truyền nghề cho con gái dần được thay đổi. Trong làng Bàu Trúc ngày càng có nhiều nam thanh niên, đàn ông trung niên học nghề và làm nhiều sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường.

Kỹ thuật nung gốm Bàu Trúc là nung lộ thiên. Người dân chọn một khoảnh đất rộng, rải một lớp trấu phía dưới để giữ độ ẩm, tiếp đó chất một lớp củi, đặt sản phẩm gốm lên trên, dùng rơm phủ kín rồi đốt lửa nung trong 48 giờ. Theo họ, cách nung lộ thiên nhằm tạo không gian cho sản phẩm được lửa nung kết hợp với gió thổi tạo nên các vết loang, các mầu đặc trưng mang dấu ấn độc đáo gốm Chăm như: vàng đỏ, đỏ hồng, đen xám, nâu...

Anh Phú Hữu Minh Thuần chia sẻ: Nghề làm gốm đem lại thu nhập trung bình từ 200.000 đến 300.000 đồng/người/ngày, tùy trình độ tay nghề và chất lượng sản phẩm. Hợp tác xã có 45 thành viên có tay nghề cao tham gia sản xuất. Bên cạnh đó, hợp tác xã còn bao tiêu sản phẩm của nhiều hộ gia đình trong làng làm ra. Nhờ nguồn thu nhập tương đối ổn định, nên đời sống người dân được cải thiện nhiều. Vào các ngày lễ, Tết hay lễ hội của đồng bào Chăm, làng gốm Bàu Trúc thu hút rất đông du khách đến tham quan.

Còn nhiều thách thức

Hiện nay, tại các khu du lịch không còn dùng sản phẩm gốm dân dụng như trước để trang trí mà thay vào đó là các sản phẩm gốm mỹ nghệ cao cấp. Vì vậy, để nâng cao chất lượng gốm dân dụng, đòi hỏi nguồn nhân lực cho sản xuất phải có tay nghề cao. Hiện nay, nguồn nhân lực ấy tại làng Bàu Trúc không nhiều. Hợp tác xã gốm Chăm Bàu Trúc hiện là đại diện đăng ký bảo hộ độc quyền nhãn hiệu tập thể Làng nghề gốm Bàu Trúc, nhưng số lao động đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng khá ít.

Đến thời điểm này, trong làng chỉ có anh Đàng Năng Tự là người tiên phong và thành công trong chế tác gốm mỹ nghệ. Anh Tự có thể làm những sản phẩm gốm mỹ nghệ với kích cỡ to, nặng, tính mỹ thuật cao, giá bán từ vài trăm nghìn đến vài triệu đồng/sản phẩm, được nhiều khách hàng trong tỉnh và ngoài tỉnh yêu thích.

Nhiều năm qua, thông qua nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia, tỉnh Ninh Thuận đã đầu tư hơn 30 tỷ đồng để xây dựng kết cấu hạ tầng như: Đường giao thông, cổng làng nghề, nhà trưng bày... tạo bộ mặt mới cho làng nghề. Tuy nhiên, nhìn tổng thể thì làng nghề vẫn đang lúng túng trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm, hầu như người dân phải tự tìm đầu ra tiêu thụ, nên việc cung ứng sản phẩm cho thị trường chưa lan tỏa sâu rộng. Theo người dân phản ánh, hiếm có trường hợp được tỉnh hỗ trợ 100% kinh phí quảng bá tại các tỉnh, thành phố lớn, chưa kể đưa sản phẩm đến quảng bá tại các hội chợ thương mại ở tầm quốc gia hay quốc tế còn khó khăn hơn nhiều.

Theo anh Phú Hữu Minh Thuần, để phát triển làng nghề không chỉ cần có vốn đầu tư nhà nung, xây dựng thêm nhà trưng bày, quảng bá sản phẩm, mà quan trọng nhất là nguồn nhân lực. Nếu muốn nâng cao chất lượng sản phẩm cần có những thanh niên có trình độ đại học, cao đẳng ngành mỹ thuật... mới có nhiều khả năng sáng tạo đa dạng sản phẩm, đạt đến trình độ mỹ thuật cao, tương xứng với sự vinh danh vừa qua của UNESCO dành cho nghệ thuật gốm Chăm. Mặt khác, tỉnh cần quy hoạch vùng nguyên liệu để người dân khai thác thuận lợi hơn thay vì lâu nay vẫn tự tìm đất sét theo kinh nghiệm, thói quen.

Theo đồng chí Nguyễn Long Biên, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận, được đưa vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp không chỉ là vinh dự mà còn là trách nhiệm của lãnh đạo và người dân địa phương trong việc gìn giữ bảo tồn một di sản được thế giới công nhận. Thời gian tới, tỉnh cần phát huy những giá trị đích thực của di sản, đồng thời gắn kết di sản với phát triển kinh tế, văn hóa xã hội của địa phương để những giá trị này đem lại lợi ích chung cho xã hội cũng như cộng đồng, đặc biệt là đối với đồng bào Chăm ở Ninh Thuận.

Về lâu dài, cần quan tâm đến việc hỗ trợ cho người dân và thế hệ trẻ người Chăm có điều kiện quảng bá sản phẩm tại những hội chợ lớn mang tầm quốc gia, quốc tế; giao lưu văn hóa với các vùng làm gốm trong nước và nước ngoài để phát triển sản phẩm gốm Bàu Trúc ở vị thế mới.