Vi phạm trật tự vỉa hè, lòng đường ở Hà Nội bùng phát trở lại

NDO -  Mặc dù UBND thành phố Hà Nội ban hành nhiều quyết định nhằm tăng cường công tác quản lý, cũng như triển khai nhiều đợt ra quân nhằm lập lại trật tự đô thị. Tuy nhiên, tình trạng lấn chiếm lòng đường, vỉa hè để kinh doanh, buôn bán gần đây lại bùng phát trở lại, khiến cho bộ mặt đô thị của Thủ đô càng thêm lộn xộn. Các hành vi vi phạm ngày càng diễn ra phổ biến.

 Vi phạm tràn lan

 Hầu hết các tuyến phố trên địa bàn thành phố Hà Nội đều bị lấn chiếm lòng đường, vỉa hè để kinh doanh, trông giữ phương tiện, dừng, đỗ trái phép, tập kết vật liệu... Nhất là khu vực trung tâm thành phố, phố hẹp, hè chật hoặc không có hè, vậy mà xe đạp, xe máy, ô-tô đỗ tràn lan chiếm hết vỉa hè, lòng đường. Những phố có hè rộng thường bị lấn chiếm để trông giữ phương tiện, hoặc bày bàn ghế kinh doanh ăn uống, giải khát. Người đi bộ không có lối đi, phải đi dưới lòng đường. Các phương tiện lưu thông khó khăn, dễ va chạm, khiến người tham gia giao thông bức xúc.

 Phố Cầu Gỗ (quận Hoàn Kiếm) cứ tối đến là bị các hàng hải sản "tiến công", nhộn nhạo người ăn, kẻ uống. Phố Cao Bá Quát (quận Ba Ðình) cũng vậy, dưới ánh đèn sáng trưng, từng tốp người ngồi chật hè, xì xụp quanh những nồi lẩu bốc khói nghi ngút. Các quán trà chanh ở các phố Nhà Thờ, Lý Quốc Sư thì lấn chiếm vỉa hè cả ngày lẫn đêm. Các cửa hàng kinh doanh lẩu gà ở phố Nguyễn Du thường chiếm dụng vỉa hè ngang nhiên. Rất nhiều tuyến phố mặc dù nằm trong danh sách cấm để phương tiện dưới lòng đường, vỉa hè, nhưng trên thực tế, phương tiện dừng, đỗ đầy đường. Nhiều người dân phản ánh khu vực giao cắt giữa phố Ðinh Liệt, Gia Ngư, không chỉ tồn tại tình trạng lấn chiếm lòng đường để trông giữ phương tiện, mà phí trông giữ cũng "cắt cổ" với giá 15 nghìn đồng/xe máy. Chung quanh khu vực chợ đêm phố cổ, dịch vụ trông giữ xe chiếm giữ hết không gian các ngõ, phố lân cận với giá gửi xe từ 20 nghìn đến 30 nghìn đồng/xe máy. Khu vực ngã năm Hòe Nhai - Nguyễn Trường Tộ lúc nào cũng nhốn nháo bởi rất nhiều hàng quán lấn chiếm vỉa hè, khách hàng thì để xe lộn xộn dưới lòng đường. Quán bia tại ngã tư đường Nguyễn Văn Cừ - Nguyễn Sơn ngang nhiên chiếm hàng trăm m2 hè để giữ phương tiện cho khách. Nằm ngay sát trụ sở đồn công an phường Ô Chợ Dừa, nhà hàng bia hơi ở đây cũng không "nể" gì, vẫn để phương tiện đỗ lấn chiếm lối đi.

 Những điểm vi phạm nêu trên chỉ là số ít trong số hàng nghìn điểm vi phạm trật tự giao thông, đô thị trên địa bàn thành phố hiện nay. Ðiều đáng nói là, tình trạng vi phạm có xu hướng bùng phát trở lại, vì công tác quản lý đang bị buông lỏng. Các hoạt động kiểm tra, xử lý chỉ diễn ra có tính hình thức, việc khắc phục chỉ mang tính đối phó, khi các lực lượng chức năng đi khuất thì lại đâu vào đó. Quản lý như thế, cho nên vi phạm tiếp tục lan tỏa, gặm nhấm thô bạo mọi vỉa hè, lòng đường. Có những khu vực, vỉa hè rộng hàng chục mét như ở Mỹ Ðình cũng đã bị lấp kín bởi những bộ bàn ghế nhựa phục vụ ăn uống, giải khát, của hàng hóa giày dép, quần áo, túi xách, kính, mũ bảo hiểm, sách truyện in lậu... Không chỉ ở khu vực nội thành, hành lang an toàn giao thông các tuyến quốc lộ đi qua địa bàn Hà Nội cũng bị xâm phạm nghiêm trọng. Theo Thanh tra Sở Giao thông vận tải Hà Nội, đoạn tuyến quốc lộ 6 đi qua địa bàn thành phố có chiều dài hơn 30 km có hàng nghìn trường hợp lấn chiếm hành lang an toàn giao thông để xây nhà cấp 4, dựng lều quán kinh doanh, buôn bán, tập kết vật liệu, đặt biển quảng cáo trái phép... gây ảnh hưởng không nhỏ đến trật tự, an toàn giao thông.

 Cần kiên quyết xử lý

 Lấn chiếm lòng đường, vỉa hè thật sự là hiện trạng nhức nhối, đòi hỏi phải được kiên quyết dẹp bỏ nhằm bảo đảm an toàn giao thông và giữ gìn văn minh đô thị. Sở Giao thông vận tải Hà Nội mới đây đã có kế hoạch tổ chức giải tỏa vi phạm hành lang an toàn giao thông, lấn chiếm lòng đường, vỉa hè. Theo kế hoạch, từ tháng 11, Thanh tra Sở Giao thông vận tải phối hợp Công an thành phố, công an các quận, huyện và lực lượng chức năng khác tiến hành xử lý các vi phạm về trật tự giao thông tại 24 tuyến phố khu vực nội thành, các đoạn tuyến quốc lộ 6, quốc lộ 32, quốc lộ 21B đi qua địa bàn và mười nút giao thông thường xảy ra ùn tắc.

 Tại cuộc họp phối hợp triển khai kế hoạch, Phó Chánh Văn phòng Công an thành phố Hà Nội Hồng Cao Thắng cho rằng: Công tác này vẫn được thực hiện trong thời gian qua nhưng hiệu quả rất thấp. Ban Chỉ đạo 197 thành phố đã xử lý rất nhiều trường hợp, có những địa chỉ bị phạt tới 25 - 30 triệu đồng/lần, nhưng rồi đâu lại vào đó. Không hiếm trường hợp sau được lực lượng chức năng rà soát đến, chủ hộ kinh doanh lại nhờ cậy cán bộ làm việc trong ngành chức năng can thiệp hoặc bỏ qua sai phạm. Vì vậy, vấn đề đặt ra là làm thế nào để tạo ra bản lĩnh vững vàng cho cán bộ, chiến sĩ lực lượng chức năng trước những tình huống như thế. Bên cạnh đó, cần có những giải pháp nhằm nâng cao hơn nữa trách nhiệm của chính quyền địa phương và lực lượng chức năng ở cơ sở. Những đơn vị nào để tình trạng vi phạm lấn chiếm vỉa hè tái diễn nghiêm trọng, cần phải kiên quyết xem xét trách nhiệm, cần thiết có thể cách chức hoặc luân chuyển công tác cán bộ lãnh đạo đơn vị đó.

 Theo Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội Nguyễn Xuân Tân, để xử lý triệt để tình trạng lấn chiếm đường giao thông, cần phải có sự phối hợp chặt chẽ của các lực lượng gồm thanh tra giao thông, cảnh sát giao thông, cảnh sát trật tự, thậm chí cả cảnh sát cơ động cũng cần vào cuộc. Trong quá trình làm nhiệm vụ, yêu cầu các lực lượng phải thống kê được chi tiết địa chỉ các điểm vi phạm thuộc địa giới phường, xã nào để thông báo và giao trách nhiệm cho chính quyền địa phương trong việc duy trì kết quả xử lý, chống tái phạm. Cần nghiên cứu gắn trách nhiệm của thanh tra viên đối với mỗi tuyến phố bởi một trong những nguyên nhân của tình trạng vi phạm tràn lan là do lực lượng thanh tra chậm trễ trong việc xử lý và xử lý chưa triệt để. Hằng tuần, lực lượng liên ngành phải thống kê được tình hình tái lấn chiếm; hằng tháng phải đánh giá được tình hình giao thông, những chuyển biến mới. Cần thiết sẽ tổ chức đội kiểm tra, chấm điểm tình hình các tuyến đường, phố, khu vực nhằm đánh giá cụ thể hiệu quả công tác của các lực lượng. Có như vậy mới dẹp bỏ được những hành vi lấn chiếm lòng đường, vỉa hè, vi phạm trật tự an toàn giao thông...

 Dư luận quần chúng nhân dân đang mong đợi những kết quả, hiệu quả thiết thực trong thực tế, nhất là vào những tháng cuối năm này.