Vi phạm luật, mời làm "cảnh sát giao thông"

NDO - Ông Quốc sống ở nước ngoài nhiều năm. Khi tuổi đã cao, ông trở về quê hương những năm tháng cuối đời bình yên bên con cháu, họ mạc. Một buổi ông ra phố gặp anh trung úy cảnh sát giao thông (CSGT) đang giải thích cho một người vi phạm Luật Giao thông. Cậu này thuộc thế hệ 9X, quần ngố, áo phông, tóc nâu đỏ vuốt ngược.

"Tóc nâu đỏ" vượt đèn đỏ. Bị giữ xe máy, yêu cầu  nộp phạt, cậu ta lập tức "gọi điện cho người thân". "Người thân" gọi lại nói điều gì đó với anh trung úy. Anh trả lời dứt khoát: "Ðề nghị bác để chúng tôi thực hiện đúng chức trách". Thấy anh CSGT không nhân nhượng, chàng tóc nâu đỏ vùng vằng bỏ đi, vất cái xe máy ở đó. Ðương nhiên đó là một cái xe cũ, không biển số.

Khi đường phố đã qua giờ cao điểm, ông Quốc lại gần anh trung úy, khẽ khàng:

- Người ta bỏ xe, anh chịu à?

- Biết làm sao hả bác. Lát nữa chúng cháu đành phải đưa vào đồn. Ðồn công an bây giờ thành cái kho rồi.

Ông Quốc lắc đầu: Cứ thế này thì làm sao nghiêm luật được. Rồi ông kể cho anh CSGT nghe chuyện ở thành phố Hàng Châu, Trung Quốc. Ở đó ông chứng kiến chuyện nhà chức trách phạt rất nặng những ai đi xe đạp điện đèo người. Luật Giao thông quy định người điều khiển xe đạp điện chỉ được đi một mình. Nếu ai đèo người phía sau thì sẽ bị xử lý, bằng cách kiểm tra chứng minh thư và yêu cầu nộp phạt.

Ở bên đấy cái xe đạp điện cũ rẻ lắm, chừng 150 đồng Nhân dân tệ (tương đương 520 nghìn đồng Việt Nam). Ai đó bỏ xe lại sẽ bị giữ chứng minh thư. Mà phải làm lại chứng minh thư thì mất thời giờ, lại mất 200 tệ (tương đương 700 nghìn đồng Việt Nam). Vì thế chẳng có ai không chịu nộp phạt, chẳng ai  bỏ lại xe đạp điện.

Lại có thêm một quy định nữa. Trong lúc chờ nộp phạt, người vi phạm phải đứng ở nơi giao cắt giao thông làm nhiệm vụ giữ trật tự, cầm cờ, nhắc nhở mọi người thực hiện đúng luật đi đường. Cho tới khi nào "bắt" được ai đó đèo người sau xe mới được "tha". Ðương nhiên, sau hai giờ nếu không "bắt" được ai thì người vi phạm được... nộp phạt.

Thật là nghiêm minh nhưng cũng thật tự giác, nhẹ nhàng. Người vi phạm Luật Giao thông cũng được giao việc. Có trường hợp một đôi uyên ương đang đi đăng ký kết hôn đèo nhau trên xe đạp điện đã phải làm "CSGT" bất đắc dĩ như thế.

Câu chuyện ông Quốc kể chuyện bảo đảm trật tự giao thông ở xứ người chỉ có thế, thật nhưng thật đáng suy nghĩ.