Cô em gái tôi, công nhân công ty may X. nói nhỏ, mười ngón tay cứ bện xoắn vào nhau.
- Năm triệu đồng? Có chi mà nóng với nguội. Cô hỏi chị nhé. Mà xưa nay anh có thấy cô phải vay mượn bao giờ đâu. - Tôi nhìn cô em có phần ái ngại.
- Thì thế. Cung cách này còn phải phiền hai bác nhiều đấy.
Rồi cô ngao ngán kể...
Năm nay cả hai cháu bác đều chuyển cấp. Ðúng là thi trượt thì lo, thi đỗ còn lo hơn. Cháu lớn lên Trung học phổ thông. Cháu nhỏ lên Trung học cơ sở. Lên cấp là lên tiền. Thật ra riêng khoản học phí thì vẫn còn chịu được. Nhưng mà phí phải gánh thêm bao thứ khác, vô lý lắm. Cộng cả gói, hóa ra gấp ba lần học phí. Nào là tiền đóng góp vào các quỹ, đành rằng "Quỹ tấm lòng vàng" thì giơ cả hai tay, nhưng còn Quỹ hỗ trợ phụ huynh học sinh, Quỹ an ninh, trật tự, Quỹ chăm sóc sức khỏe thiếu nhi, Quỹ xây dựng cơ sở vật chất... Sau các loại quỹ là đến việc học thêm. Mới đầu năm học mà tiền học thêm của hai cháu đã khiến cha mẹ hoa mày chóng mặt. Học thêm các môn toán, văn, tiếng Anh chưa đủ. Bây giờ lại đẻ thêm nhiều môn năng khiếu nữa: múa, nhạc, họa... Cô chủ nhiệm lớp bảo đó là các môn quan trọng, góp phần hoàn thiện nhân cách lớp trẻ.
Còn sau học thêm là chuyện gì? Tiền sách giáo khoa chương trình chính thức, sách tham khảo. Tiền đồng phục. Tiền phí quản nhiệm (tôi phải hỏi đi hỏi lại mấy từ này vì không hiểu là loại phí gì). Ôi chao là các khoản thu, có tên gọi chung là "tiền trường".
Cô em tôi bảo: Bác ơi vợ chồng em lương công nhân, hai người cộng lại chòm chèm được cứng sáu triệu đồng. Nhà em làm bên ngành xây dựng. Lâu nay bất động sản "đóng băng", nhà xây mọc rêu rồi không bán được, lương chậm bốn - năm tháng, thành thử hai giỏ dồn một. Hai cháu bác đi học, đầu năm học tính sơ sơ cũng phải nộp năm triệu đồng. Bác bảo, biết trông vào đâu.
Ở nhỉ! Nhớ thời xưa (lại chuyện ngày xưa), tôi đi học ở quê, đầu năm học u tôi chỉ phải ra chợ bán đi mấy bơ gạo, thêm con gà trống, buồng cau, nải chuối, chả nhớ là để đóng tiền gì. Không cặp, sách giáo khoa thì mượn, chỉ có mấy cuốn vở kẹp nách. Ðương nhiên là không giày dép, không đồng phục. Cá dưới sông chết cóng mà trẻ con đi học vẫn đầu trần, chân đất. Không có khái niệm "tiền trường". Lũ trẻ ngày ấy bây giờ đã trên dưới 60 tuổi, nhiều người là cử nhân, bác sĩ, chả hiếm giáo sư, tiến sĩ.
Xưa thế. Còn nay? Nghĩ mà thương bọn trẻ.
Nghĩ mà lo cho các bậc làm cha mẹ nghèo có con vào năm học mới.