Thế là các tiêu chí điện, trường, trạm đã đủ tiêu chuẩn nông thôn mới. Chỉ còn tiêu chí đường giao thông là chưa đạt. Với tinh thần Nhà nước và nhân dân cùng làm, nếu đường rộng 5 mét sẽ được huyện hỗ trợ kinh phí rải nhựa. Trong nhà văn hóa làng, cuộc họp xã viên được triệu tập. Bát nước chè xanh sóng sánh thêm nồng ấm tình làng nghĩa xóm. Khi chủ nhiệm HTX vừa trình bày xong ý nghĩa, mục đích việc mở rộng đường, ông Tú đã bật lò xo:
- Tôi không tán thành. Từ đường "sống trâu" tiến lên đường đổ bê-tông là lý tưởng rồi. Các vị cứ vẽ vời. Làm đường rộng thì chỉ những nhà giàu, con cái có ô-tô là sướng, chúng tôi được gì! Nhà nào giàu thì bỏ tiền ra mà làm!
Nói rồi, ông vùng vằng bỏ về. Tuy vậy, các hộ vẫn ngồi lại bàn soạn và nhất trí thông qua biên bản.
Ai cũng phấn khởi, háo hức chờ ngày khởi công. Mấy hôm sau, ông Hải là người đầu tiên phá bỏ chiếc nhà ngang và cái bếp để nhường chỗ làm đường. Bên kia đường, gia đình hai người con trai ông cũng phá cổng, đập tường bao. Rồi họ thu dọn nguyên, vật liệu sạch sẽ giúp công tác san lấp mặt bằng thuận tiện, nhanh chóng. Tính ra, gia đình ông mất nhiều đất nhất. Nghe một số người thăm dò, ông chẳng chút suy vi:
- Mất ít, được nhiều. Ðược bếp mới, nhà mới, đường đẹp phong quang, còn gì bằng! Ðường nhựa là ước mơ từ lâu của bà con mình. Nhà tôi thiệt một chút cũng chẳng sao. Mình phải nghĩ cho con cháu nữa chứ!
Thấy ông làm thế, một số người còn đôi chút lăn tăn cũng làm theo. Khi con đường làm đến gần nhà ông Tú thì gặp trở ngại. Ông canh chừng không để ai động vào cái bếp cùng mấy chục cây bạch đàn vài năm nữa được thu hoạch. Anh con trai ông đi làm ở nội thành, nhận được điện cũng vội về để cùng bố giữ đất. Cán bộ xã thôn thuyết phục, ông lấy lý do gia đình khó khăn. Ai cũng biết gia đình ông nghèo thật. Ông trưởng thôn hứa vận động bà con ủng hộ kinh phí để ông xây lại bếp. Nhưng bố con ông vẫn quyết "một tấc không đi, một ly không rời". Thế là một đoạn đường phải để lại, trông thật chướng mắt.
Biết chuyện, chiều ấy ông Hải sang chơi nhà ông Tú. Họ là bạn đồng lứa từ thuở chăn trâu. Lớn lên, họ lại đồng ngũ. Chẳng biết hai ông chuyện cũ chuyện mới thế nào, hôm sau vợ con ông Tú lặng lẽ chặt cây, phá bếp.
Thế rồi con đường kịp hoàn thành để bà con vui xuân đón Tết. Giờ thì ô-tô về tận làng, ai cũng vui.
Còn ông Tú tuy có thiệt hại một chút, nhất là tiếc đám cây bạch đàn mơn mởn, nhưng mỗi lần đi trên con đường phẳng lì, sạch bong, ông cảm thấy lòng mình thư thái.