Anh ta-xi lắc cổ răng rắc: "Chúng cháu lại sắp khổ rồi bác ạ". "Xăng lên giá thì giá cước ta-xi lên theo, sao khổ?". "Bác không biết à? Từ đầu năm đến nay xăng tăng giá sáu lần và giảm năm lần. Tăng nhanh, giảm chậm. Bác bảo đồng hồ nào theo kịp". Rồi anh tài kể. Bác ơi, bác có biết chúng cháu đi chỉnh đồng hồ, tăng giá cước ta-xi khổ thế nào không? Cái việc ấy các sếp trên công ty gọi là lập trình lại giá cước. Mỗi lần như vậy cả công ty tốn bạc tỷ. Còn chúng cháu có khi chầu chực từ ba giờ chiều đến hai giờ sáng ngày hôm sau mới làm xong. Hàng nghìn cái ô-tô chờ vào bãi. Nhưng không chỉnh đồng hồ thì không được chạy. Ðành phải bấm bụng, nhai bánh mì, uống nước lọc mà chờ. Thế này bác nhé, cái lần giá xăng tăng 1.300 đồng một lít thì giá ta-xi tăng thêm 600 đồng một cây số. Khách đi xe kêu ồn ồn, rằng tụi bay là xe dù hay sao mà giá đắt dữ! Hôm qua đi từ nhà đến công ty có sáu chục, nay lên chín chục nghìn đồng. Người ta không thông cảm rằng, tăng giá cước mà nhà xe còn lỗ đấy. Những lần xăng tăng thêm 500 đồng một lít, chẳng thấy công ty tăng giá cước ta-xi. Ðuổi theo giá xăng làm sao kịp. Mà nghe nói "ông xăng dầu" lại đang đòi tăng tiếp đấy, họ bảo vẫn lỗ hoài à.
"Thế anh có biết vì sao phải tăng giá không?". Anh tài bảo, cháu nghe một ông sếp đi xe thường xuyên nói rằng, giá xăng dầu thế giới lên thì doanh nghiệp không thể kinh doanh mà chịu lỗ. Nhưng, dù sao Nhà nước cũng phải bảo đảm hài hòa lợi ích giữa người tiêu dùng và doanh nghiệp. Ngành xăng dầu mà cứ độc quyền, doanh nghiệp mà cứ tự định giá, liên tục tăng giá làm ảnh hưởng lợi ích người tiêu dùng thì cơ quan quản lý nhà nước có lỗi còn gì. Mỗi lần giá xăng lên, các đơn vị sản xuất, ngành vận tải lao đao. Giá ngoài chợ từ con cá lá rau cứ lên chót vót. Lạm phát là ở chỗ ấy. Có khi lạm phát ngay từ tâm lý. Lại còn làm hư hỏng cán bộ, nhân viên nữa chứ. Găm hàng chờ tăng giá là tệ nạn xã hội nhỡn tiền, chứ còn gì!
Ôi chao chuyện của anh lái ta-xi gợi lên biết bao nhiêu là... chuyện. Người làm chính sách có nghe được hết không?