- Trong thời gian qua, Bộ đã cử nhiều đoàn công tác đi kiểm tra, giám sát, kết quả việc thực hiện phòng, chống Covid-19 tại các địa phương và doanh nghiệp (DN). Thực tế cho thấy vẫn tồn tại nhiều bất cập, thưa ông?
- Ðúng là như vậy. Về phía địa phương, Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch Covid-19 của nhiều tỉnh, thành phố được kiểm tra chưa xây dựng kế hoạch và phương án cách ly phòng, chống dịch khi có trường hợp dương tính, xảy ra tại KCN; chưa thực hiện triển khai cập nhật dữ liệu bản đồ an toàn phòng, chống dịch Covid-19 cho các cơ sở sản xuất; tỷ lệ các cơ sở sản xuất và KCN tại các tỉnh, thành phố được tập huấn, kiểm tra, giám sát và thực hiện đánh giá nguy cơ lây nhiễm tại nơi làm việc và ký túc xá còn thấp (từ 5-10%). Nhiều tỉnh, thành phố chưa tổ chức hướng dẫn chuyên môn kỹ thuật cho các cơ sở sản xuất, KCN.
Còn đối với DN, các tồn tại gồm: chưa tổ chức tập huấn về phòng, chống dịch tại nơi làm việc cho toàn bộ người lao động (NLÐ); người sử dụng lao động và NLÐ còn chủ quan, chưa tuân thủ các quy định về hướng dẫn 5K của Bộ Y tế; hầu hết chưa phân công người kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác phòng, chống dịch tại cơ sở; chưa xây dựng nội quy, quy định cụ thể trong thực hiện phòng, chống dịch; chuyên gia nước ngoài cư trú tại nhiều nơi khác nhau nên khó khăn cho công tác quản lý giám sát sức khỏe.
Thêm nữa, việc phối hợp giữa các tỉnh có cửa khẩu nhập cảnh và các tỉnh có chuyên gia nước ngoài cần cách ly chưa tốt, dẫn đến thời gian hoàn thành thủ tục cho chuyên gia vào và thực hiện cách ly y tế kéo dài; tại các KCN do tập trung đông người, việc giám sát công tác phòng, chống dịch gặp nhiều khó khăn, một bộ phận công nhân chưa ý thức tuân thủ về các biện pháp phòng, chống dịch.
- Trong bối cảnh ấy, có công cụ quản lý nào thúc đẩy các DN chuyển từ trạng thái bị động sang chủ động để vừa bảo đảm dây chuyền sản xuất vừa phòng, chống dịch?
- Với tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, phải phòng, chống từ sớm, từ xa, từ trước khi có dịch với phương châm 5K + vắc-xin và kết hợp giải pháp công nghệ; tăng cường áp dụng công nghệ cao kiểm soát an toàn, các DN trong KCN, KCX, nơi tập trung nhiều lao động cần phải được đánh giá thường xuyên về nguy cơ lây nhiễm và tham gia xây dựng Bản đồ chung sống an toàn với Covid-19; kiểm soát chặt đối với lao động là chuyên gia nước ngoài, NLÐ trong các ký túc xá, nhà trọ bởi các phần mềm, bộ công cụ đang được Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 yêu cầu sử dụng, như: DN phải cập nhật thường xuyên kết quả đánh giá nguy cơ lây nhiễm lên Bản đồ an toàn Covid-19, sử dụng bộ công cụ hỗ trợ DN tự đánh giá nguy cơ lây nhiễm tại nơi làm việc đang được Bộ LÐ-TB&XH và các Sở LÐ-TB&XH triển khai theo Quyết định số 2194/QÐ-BCÐQG.
- Có thể nói, đợt dịch lần này đã tác động hầu hết đến lực lượng sản xuất của nước ta. Ðiều đó đòi hỏi phải có sự điều chỉnh chính sách đối với NLÐ, thưa ông?
- Triển khai 11 giải pháp trọng tâm mà Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo tại hội nghị trực tuyến ngày 29-5-2021, Bộ trưởng LÐ-TB&XH đã đề nghị, các địa phương có nhiều KCN, đông công nhân phải quan tâm, quản lý công nhân, có phương án giãn cách, cách ly đi đôi duy trì sản xuất, kinh doanh, quản lý công nhân ở nơi làm việc và nơi cư trú, quan tâm đến đời sống công nhân đang phải cách ly, giãn việc. Ðể phòng ngừa dịch bệnh từ xa, từ sớm cần ưu tiên tiêm vắc-xin.
Hiện cả nước có 50 công đoàn các KCN, KCX tại 48/63 tỉnh, thành phố, với 304 cán bộ chuyên trách công đoàn, trực tiếp quản lý 5.894 công đoàn cơ sở (84%), quản lý hơn hai triệu đoàn viên công đoàn, đang đóng góp vai trò quan trọng trong việc đại diện, bảo vệ NLÐ tại các khu vực trọng điểm về quan hệ lao động. Các cấp công đoàn cần vận động, khuyến khích các DN thành lập các Tổ an toàn Covid-19 để tuyên truyền, vận động NLÐ tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch, khai báo lịch trình di chuyển và sức khỏe hằng ngày trước khi vào làm việc; chia sẻ, hỗ trợ các lao động gặp khó khăn.
Ðối với các trường hợp NLÐ mắc Covid-19 tại nơi làm việc, hiện nay được bảo đảm chi phí điều trị từ ngân sách nhà nước, ngoài ra khi bị suy giảm khả năng lao động, sẽ được hưởng các chế độ trợ cấp, bồi thường tai nạn lao động, tiền lương trong thời gian điều trị; NLÐ bị ảnh hưởng bởi các biện pháp cách ly, giãn cách xã hội để phòng ngừa lây nhiễm, đều có chính sách về tiền lương, chi phí cho các biện pháp phòng ngừa, như tiêm vắc-xin, cách ly tập trung.
Các DN tham gia bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp thuộc hệ thống bảo hiểm xã hội cũng sẽ được hỗ trợ các giải pháp phòng ngừa Covid-19 cho NLÐ, giúp bảo vệ tính mạng, sức khỏe NLÐ, DN ổn định sản xuất, kinh doanh.
- Xin trân trọng cảm ơn ông!
VĂN HỌC (thực hiện)