Nghe bác nói vậy tôi thấy thật vui. Không vui sao được khi mà trước đây tuy mặt đường sạch sẽ, nhưng cống rãnh đầy rẫy là những bùn, rơm, rác, túi bóng, trông vừa mất mỹ quan vừa ảnh hưởng đến sức khỏe, đi lại nhiều lúc thấy bất tiện. Nay thay vào đó là đường ống dẫn nước bằng nhựa bền đẹp, đổ nắp bê-tông cốt thép, đầu mỗi đoạn ống đều có gắn thép phi 10 hoặc 12 để chắn rác làm tắc cống; xe máy, xe đạp có thể đi lại được, đường ngõ xóm sạch đẹp... Nhưng để làm được như thế không phải đơn giản. Vì ở một vài xóm khác cũng định làm đường, sửa cống, nhưng chỉ vì mỗi người một ý, cho là đóng nhiều tiền, thậm chí có ý kiến còn bảo việc đó chính quyền xã, huyện phải bỏ tiền ra làm, thế là việc không thành. Còn đối với người dân trong Khu dân cư số 1 thôn Hòa Loan khi có chủ trương đều vui vẻ góp của, góp công để xây kè, đổ nắp, đúng là Nhà nước và nhân dân cùng làm. Cả xóm họp thống nhất mỗi hộ gia đình đóng 100 nghìn đồng, những người già không có thu nhập thì được miễn.
Quy định của xóm là như vậy, nhưng có người đã đóng góp nhiều gấp hai ba lần, mặc dù đời sống chả mấy dư dả. Không chỉ có đóng tiền, mỗi hộ còn cử một lao động tập trung cho đến khi làm xong. Cho dù nhà nào cũng bận việc, người chạy chợ, người làm thợ, nhưng đều gác việc riêng để làm việc chung. Ai nấy đều vui vẻ, nhiệt tình, như việc nhà mình. Người biết xây thì cầm dao, cầm thước, cầm dọi, người không biết thì xúc đất, cầm xẻng, xách nước. Không chỉ có việc đổ nắp bê-tông cống rãnh, mà từ trước đến nay bà con trong khu dân cư vẫn luôn gắn bó, giúp đỡ lẫn nhau những lúc tắt lửa tối đèn. Có lẽ vì thế nên làm mọi việc lớn nhỏ đều thong dòng bén giọt.
Con đường chưa làm xong nhưng đã được đặt tên: Ðường mới.