Công sinh không bằng công dưỡng

NDO - Ðược tháo băng, cụ bà 84 tuổi ôm chầm đứa chắt nội đang lẫm chẫm biết đi. Lần đầu tiên cụ nhìn thấy nó. Nhìn hình ảnh ấy, mọi người trong buồng bệnh của Khoa mắt (Bệnh viện Việt Tiệp, Hải Phòng) đều cảm động như con cháu cụ. Hai năm trước, mắt cụ cứ mờ dần. Có người khuyên cụ đi chữa. Nhưng nhiều người lại gàn:

-  Tuổi cao, chân chậm mắt mờ là lẽ thường, mổ xẻ làm gì cho đau đớn, tốn kém.

Nhưng người con trưởng đã họp anh em, con cháu và quyết định đưa cụ đi chữa, bởi "giàu đôi con mắt, khó đôi bàn tay". Cuộc hội ý chớp nhoáng được biểu quyết 100%. Cụ bị đục thủy tinh thể phải thay cả hai mắt. Dù số tiền chi phí quá cao, nhưng con cháu nhất quyết thay cho cụ loại tốt nhất, đắt nhất. Những ngày cụ nằm viện, con cháu chăm sóc cụ rất chu đáo, tận tình. Dù đang ngày mùa, lại ở tận một xã ven biển Kiến Thụy, nhưng lúc nào cũng có người bên cụ chăm lo từ giấc ngủ, ăn uống, giặt giũ đến vệ sinh cá nhân. 

Mẹ tôi nằm cùng phòng với cụ. Hôm cụ xuất viện, con cháu đến chật phòng. Lúc này, người con trai út của cụ mới bật mí. Bằng chất giọng nằng nặng của người vùng biển, anh chậm rãi kể:

- Nửa thế kỷ trước, ngày tôi ra đời cũng là ngày mồ côi vì mẹ tôi bị băng huyết nặng. Bố tôi phải gồng mình nuôi cả thảy bảy chị em tôi. Bà ngoại cứ nghe ở đâu có người mới sinh là bế tôi đến xin bú nhờ. Ai cũng thương cảnh bố tôi gà trống nuôi bầy con nheo nhóc. Thời gian sau, có người giới thiệu cho bố tôi một người đàn bà không có khả năng sinh nở nên chồng đã đi lấy vợ khác. Nhiều người khuyên bà:

- Ðường quang không đi, lại đâm quàng bụi rậm. Nuôi một lũ con chồng thì chỉ có khác gì vú nuôi!

Bà cũng nghĩ ngợi lắm, nhưng khi nhìn thấy chị em tôi, nhất là tôi như cái giẻ vắt vai, bà thương đứt ruột và quyết định gắn bó đời mình với bố con tôi.

  Dù chưa một lần nuôi con thơ, nhưng bà chăm bẵm tôi rất khéo. Món ruốc cóc bà làm giúp tôi có da có thịt. Tôi lớn dần và không rời bà nửa bước. Khi tôi hai tuổi, bà tần tảo gồng xiêu gánh mếch bươn chải để nuôi gia đình. Có khi phải đi đào con hà về bán, vất vả lắm! Cái vỏ con hà nó cứng và sắc kinh khủng, chân tay bị cứa lung tung, nước biển vào xót lắm! Thế rồi cha tôi qua đời vì căn bệnh hiểm nghèo, để lại cho bà gánh nặng nhà chồng cùng đàn con đang tuổi ăn tuổi học. Phút cha tôi lâm chung, bà hứa:

Mình cứ yên tâm, tôi sẽ nuôi các con đến nơi đến chốn.

Nghe vậy, cha tôi thanh thản ra đi. Bao cơ hàn, hoạn nạn nhưng cửa nhà yên ấm, chúng tôi được học hành tử tế. Rồi bà dựng vợ gả chồng cho các con. Mấy sào đất, bà chia đều không phân biệt gái trai. Ðôi mắt anh hướng về phía cụ tràn đầy tình yêu thương kính trọng và lòng biết ơn vô bờ bến. Rồi anh bảo:

- Lạy giời cụ cháu minh mẫn lắm. Hơn chục đứa chắt mà cụ nhớ tên hết, cúng giỗ cũng không quên ngày nào.

Nghe thế, cụ cười thật hiền.