Bên cạnh cái vui gợn chút băn khoăn. Ấy là ý thức của người dân tham gia giao thông còn hạn chế quá. Nhiều người đi xe máy chở
ba-bốn người, lại không đội mũ bảo hiểm. Cánh trẻ cứ tậu được xe máy là nhảy lên phóng bạt mạng, chả biết Luật Giao thông là gì. Chả thế, con đường làng chỉ có hơn cây số mà đã xảy ra mấy vụ tai nạn. Trong một lần trò chuyện với bác hàng xóm thấy tôi nói ra điều này, bác giải thích: "Ðó là thói quen của người làng mình. Ðường ta ta cứ đi mà chú. Mặc dù cán bộ nói ra rả trong cuộc họp, trên loa đài, thậm chí còn ra quy định, nếu ai ra trụ sở xã làm việc mà không đội mũ bảo hiểm thì xã không... tiếp. Nhưng thành cố tật rồi khó sửa lắm. Hơn nữa chủ yếu là bà con đi quãng đường gần nên mới chủ quan không đội mũ".
Chúng tôi đang vui câu chuyện thì bác gái đi về với thái độ bực dọc. Bà phàn nàn: Thằng Hồng con chú Nam tệ thật! Mình là bác dâu mà nó cũng không tha, vẫn cố tình phạt. Rồi bà cà kê dê ngỗng một hồi. Nghe rõ ngọn ngành tôi mới hiểu. Thì ra anh Hồng làm cảnh sát giao thông trên huyện, trên đường đi tuần tra đã lập biên bản một số người đi xe máy không đội mũ bảo hiểm, trong đó có vợ bác hàng xóm nhà tôi. Tôi hăng hái tham gia: "Thôi, bác thông cảm cho chú ấy. Họ làm thế là đúng, đi làm có tổ công tác chứ mình chú ấy đâu. Mình sai thì phải rút kinh nghiệm. Với lại, đội mũ bảo hiểm là để an toàn cho chính mình, mất gì đâu mà không đội".
Ðúng lúc ấy, anh cảnh sát giao thông tên Hồng điện thoại về cho chú. Nghe xong điện thoại, bác hàng xóm chậm rãi kể: Cháu nó bảo mong hai bác thông cảm, việc công cháu không thể làm sai được. Số tiền bác bị phạt hôm nay, cháu nó sẽ lấy tiền lương nộp phạt cho bác và lấy giấy tờ xe về giúp.
Tôi nhìn sang bác gái. Bác lại nhìn bác trai. Mọi người đều im lặng.
Lúc ấy, ngoài đường có mấy thanh niên đầu trần đang phóng xe, bóp còi inh ỏi. Từ bỏ một thói quen xấu thật chẳng dễ chút nào.