Biết rồi, khổ lắm... vẫn phải nói

NDO - Trong chương trình biểu diễn văn nghệ phục vụ đồng bào vùng cao dọc tuyến biên giới, đội văn nghệ xung kích của địa phương S đã biểu diễn tiểu phẩm Biết rồi, khổ lắm... Nội dung của tiểu phẩm phản ánh tình trạng do thiếu hiểu biết và tập tục lạc hậu "trọng nam khinh nữ" vẫn còn tồn tại dai dẳng nên các bà mẹ vẫn đẻ dày, đẻ nhiều, dẫn tới cuộc sống nghèo vẫn hoàn nghèo.

Tuy nhiên, trong kịch bản còn để sót không ít câu từ, lời thoại tự nhiên chủ nghĩa, dung tục. Chẳng hạn khi nói về chuyện đặt vòng tránh thai, người đóng vai cán bộ y tế tỉnh nói với một người vợ: "Thế còn chuyện đặt vòng, A Mỉ đã biết chưa"?  Cô vợ ngộ nghĩnh đáp: "Ồ, tao đeo nhiều nhiều cái vòng bạc ở cổ, ở tai, ở cả tay bao năm nay rồi, nhưng vẫn cứ đẻ nhiều đấy"? Cán bộ nói tiếp: "Ðấy là những cái vòng trang sức dùng để làm đẹp, còn cái vòng này nó không phải hình tròn, nó hình chữ T.  Nó có tác dụng ngăn ngừa... 

Với những đoạn hội thoại như thế, mà người viết bài không tiện dẫn ra, lại được các diễn viên nói năng tưng tửng và diễn xuất rất "hồn nhiên" trên sân khấu, tiểu phẩm Biết rồi, khổ lắm... đã mang lại cho nhiều người xem một "trận cười" nghiêng ngả. Nhưng  không phải ai cũng cười. Có người tỏ vẻ khó chịu, bỏ về. Khi kết thúc, một người đàn ông trung niên ở ngay bản đó tỏ ý không hài lòng. Ông nói với đội trưởng đội văn nghệ:

- Cái vở kịch ngắn vừa rồi chỉ để "mua vui" thôi,  không mang lại "tiếng cười đích thực" đâu!

Nghe vậy, anh đội trưởng đội văn nghệ giật mình, hỏi lại:

- Vì sao thế, thưa chú?

Người đàn ông  trả lời:

- Vì nhiều lời thoại khoa trương, cường điệu  quá đáng! Thực tế, đúng là một số người dân  nhận thức còn hạn chế, nhưng chúng tôi không đến mức quá ngây ngô như  thế đâu!

Lúc đó, anh cán bộ văn hóa huyện nhà đứng bên cạnh, góp lời:

- Chú ấy nói có lý đấy.  Các bạn có ý tuyên truyền người dân địa phương  sinh đẻ có kế hoạch để chống đói nghèo, nhưng có một số tình huống, lời thoại cố "chọc" cười một cách  thiếu tế nhị, không phù hợp cách nghĩ, lời ăn tiếng nói của người vùng cao. Thế là cười không đúng lúc, đúng chỗ.

Nghe những lời giảng giải ấy, đội trưởng đội văn nghệ mới thấy tiểu phẩm Biết rồi, khổ lắm... đúng là vẫn còn "sạn". Cái "sạn" rất đáng tiếc là, vì không tìm hiểu kỹ lưỡng, thấu đáo nếp nghĩ, nếp sống và phong tục, tập quán của người dân bản địa, nên cứ tưởng  "nói gì, diễn gì"  cũng được.