Sông có khúc...

NDO - Hoàn thành nghĩa vụ quân sự, ông Vân không chuyển ngành, cũng chẳng xin đi học như nhiều người khác, mà phục viên về quê làm ruộng rồi lấy vợ. Ðẻ liền bốn cô con gái, mặc những lời trêu chọc, ông bà không "chạy đua" như các cặp vợ chồng khác để có con trai nối dõi, chấp nhận sinh con một bề.

Các cụ bảo "tam nam bất phú, tứ nữ bất bần", nhưng gia đình ông ngoại lệ. Nguyên nhân nghèo khó của vợ chồng ông không phải do lười biếng, ốm đau, bệnh tật, không vì hoạn nạn thiên tai mà do phải nuôi bốn cô học đại học. Sự vất vả ấy nhiều người thèm muốn, nhưng đâu có được. Có thời điểm quá khó khăn tưởng "các con đỗ mà bố mẹ trượt" vì cùng lúc hai cô đi học hai trường cách xa nhau. Ngày nghỉ, lễ Tết, gia đình người ta sum vầy mừng vui còn ông bà thì "toát mồ hôi hột" chạy tiền để sau kỳ nghỉ các con mang đi. Khi con đi rồi, ông bà lại "lao như thiêu thân". Bà thì mò cua bắt ốc, kéo vó tôm, tát ròn, làm thuê bất cứ việc gì. Ông thì công việc đồng áng, thầu ao hồ thả cá, chăn vịt đẻ, sáng sớm đi lấy hoa quả về làng bán hoặc phục vụ đám cưới... Ðã làm đủ nghề rồi mà lại còn mở hàng nấu cơm, nấu rượu... nghĩa là làm bất cứ việc gì để các con được ăn học. Mỗi khi có người động viên, ông Vân nhăn mặt nhưng vẫn cười: "Hy sinh đời bố để củng cố đời con vậy".

Rồi những ngày khó khăn của ông bà cũng qua đi. Mấy đứa con lần lượt tốt nghiệp đại học. Cô đầu lập gia đình với một kỹ sư tin học đang học thêm công nghệ mới tại công ty mẹ thuộc quốc gia tiên tiến ở châu Á. Phải vài năm nữa anh mới được về nước, vì nhà máy ở Việt Nam chưa xây dựng xong. Tranh thủ thời cơ anh đưa vợ sang bên đó học cao học. Cô thứ hai ở lại trường làm cán bộ giảng dạy, luận án thạc sĩ vừa bảo vệ thuộc loại xuất sắc, nên được cấp học bổng học tiến sĩ tại một nước châu Âu. Cô thứ ba vừa ra trường đã được một doanh nghiệp làm ăn khá giả tiếp nhận. Ðáp lại công lao bố mẹ, cuối năm ngoái vợ chồng cô lớn mời ông bà sang thăm kết hợp du lịch. Chờ dăm tháng nữa cô út ra trường, có việc làm ổn định, ông bà sẽ sang châu Âu thăm con gái thứ hai. Mỗi lần ô-tô con đưa ông bà về làng, ai có thể ngờ mươi năm trước họ còn chân lấm tay bùn, mò cua bắt ốc, nuôi lợn, buôn trái cây.

Ông Vân đã thật sự đổi đời. Các cụ xưa có câu chẳng bỏ đi đâu: "Sông có khúc, người có lúc".