Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là, mới đầu vụ thu hoạch nhưng giá mua lúa, gạo tại khu vực này đang có xu hướng giảm. Vì vậy, để chặn đà giảm giá khi vào thu hoạch rộ và ổn định thị trường lương thực, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định mua tạm trữ một triệu tấn quy gạo trong vụ hè thu năm nay. Thời gian thực hiện bắt đầu từ ngày 15-6 đến hết 31-7-2013. Sau khi quyết định thu mua tạm trữ được ban hành, giá thu mua lúa tại nhiều tỉnh ÐBSCL hiện đã tăng bình quân từ 100 đến 200 đồng/kg.
Chủ trương mua tạm trữ hàng triệu tấn quy gạo của Chính phủ là quyết định kịp thời, giúp ngăn chặn xu hướng giảm giá lúa, gạo, nhất là vào dịp thu hoạch rộ. Việc mua tạm trữ lúa gạo còn tạo điều kiện cho thương nhân kinh doanh chủ động định hướng trong tiêu thụ lúa hàng hóa. Trong thời gian mua tạm trữ, giá lúa gạo trên thị trường đã tăng lên, do đó giữ được mặt bằng giá xuất khẩu, hạn chế ép giá, cạnh tranh phá giá và quan trọng hơn đã bảo đảm để nông dân có thể có lãi. Tuy nhiên, việc phân bổ chỉ tiêu, cũng như công tác tổ chức thu mua tạm trữ lúa, gạo, hỗ trợ vốn vay... trong thời gian qua chưa đáp ứng nhu cầu tiêu thụ. Ðiệp khúc ềđược mùa rớt giáể vẫn thường xảy ra, và nông dân vẫn chưa thể có ềcủa ăn, của đểề.
Ðể chính sách thu mua tạm trữ đạt hiệu quả thiết thực, nhất là chuẩn bị cho việc triển khai kế hoạch mua tạm trữ lúa, gạo vụ hè thu năm 2013, ngay từ bây giờ, Hiệp hội Lương thực Việt Nam cần phối hợp UBND các tỉnh, thành phố ở ÐBSCL nắm chắc sản lượng lúa hè thu, cũng như khả năng kho chứa của mỗi địa phương để thực hiện phân bổ chỉ tiêu thu mua. Trong đó lưu ý, thay vì việc phân bổ theo sản lượng cho các tỉnh, nên chăng có thể căn cứ vào năng lực của doanh nghiệp mà giao chỉ tiêu thu mua, nhất là đối với các thương nhân trực tiếp sở hữu kho chứa thóc, gạo đúng quy chuẩn theo quy định. Có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư, liên kết, hợp đồng thu mua trực tiếp với người sản xuất lúa tại vùng nguyên liệu tập trung, cánh đồng mẫu lớn. Thay vì hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp thu mua tạm trữ, nên chăng cho nông dân trực tiếp vay vốn với lãi suất áp dụng như cho doanh nghiệp vay mua lúa gạo tạm trữ, nhằm hạn chế tình trạng bán lúa non, bị ép giá, giảm phẩm cấp sản phẩm.
Cùng với việc phối hợp thực hiện đồng bộ Quyết định của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, và Hiệp hội Lương thực Việt Nam cần tổ chức giám sát, kiểm tra kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm những biểu hiện tiêu cực trong việc triển khai mua tạm trữ theo Quy chế tạm trữ lúa gạo.