Vì mục tiêu an ninh, an toàn, nhân văn, rộng khắp

Đẩy mạnh ứng dụng, phát triển khoa học-công nghệ và đổi mới sáng tạo, nghiên cứu nắm bắt, nâng cao năng lực tiếp cận và chủ động tham gia cách mạng công nghiệp 4.0, Nghị quyết số 03-NQ/TU ngày 26/10/2021 về Chuyển đổi số thành phố Hải Phòng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 của Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng đã xác định, chuyển đổi số là động lực trong phát triển thành phố; là nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa lâu dài; phải tiến hành kiên quyết, kiên trì, liên tục với những bước đi vững chắc; ứng dụng vào dữ liệu số đã có, đi đôi với đổi mới, sáng tạo.
0:00 / 0:00
0:00
Công an quận Hồng Bàng (TP Hải Phòng) làm căn cước công dân gắn chíp cho người dân.
Công an quận Hồng Bàng (TP Hải Phòng) làm căn cước công dân gắn chíp cho người dân.

Chuyển đổi số là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt trong lãnh đạo của các cấp ủy đảng, trong toàn bộ hoạt động của các cơ quan, tổ chức, người dân và doanh nghiệp, nhằm phục vụ tốt nhất nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội thành phố. Quán triệt sâu sắc chỉ đạo đó của Chính phủ, Bộ Công an và Thành ủy Hải Phòng, thời gian qua, Công an thành phố Hải Phòng đã triển khai đồng bộ các biện pháp nhằm thúc đẩy chuyển đổi số trong toàn lực lượng. Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số của công an thành phố do Thiếu tướng Vũ Thanh Chương, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an thành phố làm Trưởng Ban Chỉ đạo.

Để triển khai nhiệm vụ chuyển đổi số một cách thường xuyên, liên tục và lâu dài, Giám đốc Công an thành phố đã ban hành các kế hoạch triển khai thực hiện Nghị định số 45/2020/NĐ-CP của Chính phủ về thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử; kế hoạch về số hóa giải quyết thủ tục hành chính còn hiệu lực thuộc thẩm quyền giải quyết. Công an thành phố từng bước thay đổi nhận thức của người dân, doanh nghiệp về giá trị pháp lý của văn bản điện tử, tạo chuyển biến về ưu tiên lựa chọn phương thức giao dịch thủ tục hành chính trực tuyến bằng hồ sơ điện tử thay cho phương thức giao dịch trực tiếp tại trụ sở cơ quan công an bằng hồ sơ giấy nhằm đáp ứng yêu cầu của tiến trình xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số, góp phần phát triển công dân số, xã hội số trong Công an nhân dân.

Mục tiêu của Công an thành phố Hải Phòng là đến năm 2025, bảo đảm số hóa 100% kết quả giải quyết thủ tục hành chính còn hiệu lực thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ Công an quy định tại Khoản 2, Điều 3 Nghị định số 45/2020/NĐ-CP của Chính phủ, hoàn thành trước ngày 31/12/2025. Đồng thời bảo đảm phương thức, kết quả số hóa kết quả giải quyết thủ tục hành chính được thực hiện theo Điều 25, Nghị định số 45/2020/NĐ-CP, bảo đảm bí mật nhà nước, an toàn, an ninh thông tin.

Việc thực hiện chuyển đổi số góp phần phát huy tính chủ động, tích cực của công an các đơn vị, địa phương, đồng thời phối hợp chặt chẽ trong tổ chức triển khai thực hiện các quy định tại Nghị định số 45/2020/NĐ-CP. Đặc biệt, thực hiện nghiêm túc Kế hoạch số 12/KH-BCA-V01 ngày 12/1/2022, công an thành phố đã ban hành Kế hoạch số 133/KH-CAHP-PV01 ngày 10/2/2022 triển khai thực hiện Quyết định số 10695/QĐ-BCA ngày 25/12/2021 của Bộ Công an về phê duyệt Danh mục dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 cung cấp trên Cổng dịch vụ công trực tuyến của Bộ Công an năm 2022.

Việc triển khai đồng bộ, nghiêm túc Danh mục dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 cung cấp trên Cổng dịch vụ công trực tuyến của Bộ Công an trong lực lượng Công an Hải Phòng nhằm đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về an ninh trật tự trong các lĩnh vực công tác; nâng cao nhận thức cho cán bộ, chiến sĩ đối với việc thực hiện công tác kiểm soát thủ tục hành chính trên môi trường điện tử nhằm tạo chuyển biến tích cực trong tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp.

Giám đốc Công an thành phố yêu cầu Thủ trưởng Công an các đơn vị, địa phương đề cao trách nhiệm, coi việc thực hiện Quyết định số 10695/QĐ-BCA ngày 25/12/2021 của Bộ Công an là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên là một trong những tiêu chí đánh giá thi đua hằng năm của công an các đơn vị, địa phương. Cùng với đó là 17 nhiệm vụ trọng tâm, trong đó có việc tích cực tham gia ý kiến sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Công an liên quan việc triển khai dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 4. Đó là việc bảo đảm hệ thống máy tính kết nối mạng internet, mạng nội bộ phục vụ tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử, bảo đảm hoạt động đường truyền; bảo mật chữ ký số cho công an các đơn vị có chức năng giải quyết thủ tục hành chính và cán bộ trực tiếp thực hiện giải quyết thủ tục hành chính.

Công an các đơn vị, địa phương tổ chức hướng dẫn, tập huấn phần mềm, bố trí cán bộ và xác định rõ nhiệm vụ, quyền hạn; bảo đảm trang thiết bị tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả giải quyết; chủ động đánh giá và đề xuất giải pháp đổi mới, nâng cao hiệu quả, năng suất lao động của bộ phận một cửa các cấp.

Thực tiễn chuyển đổi số nổi bật trong công tác này là việc rà soát, đánh giá, đề xuất đưa vào triển khai tiếp nhận, giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính theo hướng không phụ thuộc vào địa giới hành chính; tiếp tục đề xuất các thủ tục hành chính có khả năng cung cấp dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 3, mức độ 4, trong đó ưu tiên đề xuất các thủ tục hành chính có khả năng triển khai ngay, phổ biến, cấp thiết phục vụ cá nhân, tổ chức. Trên cơ sở đó, các đơn vị tiếp tục nâng cao chất lượng việc tiếp nhận, giải quyết đối với các thủ tục hành chính đã thực hiện trên Cổng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4, trong đó tập trung đẩy mạnh việc chứng thực và sử dụng bản sao điện tử từ bản chính, chấn chỉnh kịp thời, kiên quyết không để xảy ra tình trạng yêu cầu nộp bổ sung hồ sơ giấy tờ đối với hồ sơ trực tuyến đã được gửi và ký số của cá nhân, tổ chức. Cùng với đó là việc xử lý kịp thời các phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp; kịp thời chấn chỉnh, xử lý nghiêm cán bộ, chiến sĩ có hành vi chậm trễ, nhũng nhiễu, tiêu cực, tự yêu cầu bổ sung thêm hồ sơ, giấy tờ ngoài quy định pháp luật, gây khó khăn, phiền hà trong việc giải quyết thủ tục hành chính; chú trọng việc đánh giá mức độ hài lòng của cá nhân, tổ chức đối với chất lượng cung cấp dịch vụ…

Vừa qua trả lời chất vấn trên diễn đàn Quốc hội, đồng chí Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Công an cho biết, hiện cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã chính thức kết nối với cơ sở dữ liệu chuyên ngành của 12 bộ, ngành, bốn doanh nghiệp nhà nước và Ủy ban nhân dân 15 địa phương. Tuy nhiên, việc chia sẻ dữ liệu quốc gia dân cư với các bộ, ngành, địa phương còn gặp khó khăn, do hạ tầng công nghệ thông tin của nhiều bộ, ngành, địa phương chưa bảo đảm, thiếu đồng bộ. Thực trạng một số bộ, ngành, địa phương chưa số hóa dữ liệu, quy trình phục vụ cho triển khai thủ tục hành chính trên môi trường điện tử, cho nên mặc dù đã kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư nhưng kết quả khai thác còn rất hạn chế. Bộ Công an đang xây dựng một nghị định, sửa đổi 19 nghị định liên quan đến các quy định về sử dụng hộ khẩu giấy.

Cùng với các địa phương khác, Công an Hải Phòng ý thức được tính cấp bách của vấn đề để đẩy mạnh các hoạt động liên quan theo chỉ đạo thống nhất của Bộ. Sơ kết chín tháng hoạt động của Công an thành phố Hải Phòng mới đây đánh giá công tác cải cách hành chính, cải cách tư pháp tiếp tục được nâng cao chất lượng, phục vụ tốt nhu cầu của nhân dân, doanh nghiệp, nhất là việc triển khai thực hiện hiệu quả Đề án "Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030". Để thực hiện nhiệm vụ từ nay đến cuối năm hoàn thiện dữ liệu dân cư, đẩy mạnh cấp căn cước công dân phục vụ việc xóa bỏ hộ khẩu giấy tạo thuận lợi cho cuộc sống bình thường của nhân dân trên địa bàn thành phố Hải Phòng theo tinh thần chỉ đạo của Bộ trưởng Công an, việc tích cực triển khai chuyển đổi số là việc làm thiết thực của lực lượng Công an Hải Phòng trong tiến trình cải cách không giới hạn nhằm góp phần xây dựng môi trường số an ninh, an toàn, nhân văn, rộng khắp.