Bộ trưởng Trần Hồng Hà: “Rác thải sinh hoạt là một dạng tài nguyên”

NDO -

NDĐT- Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) Trần Hồng Hà cho biết, theo thống kê, 40% rác thải sinh hoạt là thành phần thực phẩm, hữu cơ và vật liệu khác có thể tái chế. Do đó, nên coi rác thải sinh hoạt là một dạng tài nguyên, ít nhất là 40% tái sử dụng được và việc phân loại là điều tiên quyết trong quá trình xử lý.

Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà.
Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà.

Tại phiên thảo luận ở tổ về dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) sáng 11-6, đại biểu Quốc hội Đặng Quốc Khánh (Hà Giang) nêu tình trạng nhiều địa phương hiện đang bức xúc về vấn đề xử lý rác thải sinh hoạt. Cụ thể, nhiều địa phương đều có tình trạng thiếu nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt nhưng lại thiếu kinh phí để làm. Bên cạnh đó, khi kêu gọi xã hội hóa, đầu tư thì nhiều doanh nghiệp không thiết tha. Vì thế, Nhà nước phải hỗ trợ, hỗ trợ đầu tư từ công nghệ đến giải phóng mặt bằng.

“Kể cả rác thải công nghiệp, chúng ta cũng đang thiếu các nhà máy xử lý rác thải công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp có rác thải nguy hại” - đại biểu Khánh nhấn mạnh.

Về vấn đề này, Bộ trưởng TN-MT Trần Hồng Hà cho biết, theo thống kê, nghiên cứu của Việt Nam, 40% rác thải sinh hoạt là thành phần thực phẩm, hữu cơ và vật liệu khác có thể tái chế. Do đó, Bộ TN-MT quan niệm rác thải sinh hoạt không phải hoàn toàn là thải đi, bỏ đi mà là một dạng tài nguyên, ít nhất là 40% tái sử dụng được. Do đó, việc phân loại rác thải sinh hoạt là điều tiên quyết trong quá trình xử lý.

Về giải pháp xử lý, Bộ trưởng khẳng định sẽ hướng tới công nghệ xử lý không chôn lấp gồm hai phần: một là biến thành điện năng thông qua đốt, hai là biến thành sinh khối để sau này biến thành khí để đốt.

“Như vậy, 100% là không chôn lấp, trong đó tái chế, tái sử dụng được là khoảng 40%, còn đâu sử dụng theo hình thức đốt thành sinh khối, đốt biến thành điện năng là đang hướng tới’ - Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh.

Theo Bộ trưởng, để làm được điều này từ khâu thu gom là người dân tới xử lý cuối cùng phải đồng bộ.

“Trong luật lần này chúng tôi quy định. Còn không đồng bộ từ thu gom, phân loại, đến công nghệ xử lý thì không được. Chúng tôi cũng xác định rác không tính bình quân nữa, theo mấy nghìn một hộ nữa mà bây giờ chúng tôi tính theo khối, theo kg, tức là thải ra nhiều thì phải chịu nhiều tiền hơn” - Bộ trưởng cho biết.

Về cách tính tiền, theo Bộ trưởng thì người dân chịu một phần, còn tất nhiên, Nhà nước sẽ chi trả phần chính đối với rác thải sinh hoạt.

“Khi nào đời sống người dân tăng lên chúng ta sẽ điều chỉnh dần dần là người dân sẽ trả cả. Bây giờ chúng tôi tập trung là doanh nghiệp trả 100%. Còn người dân sẽ theo lộ trình, có kinh phí hỗ trợ cho người dân” - Bộ trưởng nói.