Vị Chủ tịch UBND Thành phố đầu tiên của Hà Nội

Bác sĩ Trần Duy Hưng trong đoàn quân trở về tiếp quản thủ đô ngày 10-10-1954.
Bác sĩ Trần Duy Hưng trong đoàn quân trở về tiếp quản thủ đô ngày 10-10-1954.

Bác sĩ Trần Duy Hưng sinh năm 1912 trong một gia đình trung lưu ở thôn Hòe Thị, xã Xuân Phương, huyện Từ Liêm (Hà Nội). Học cùng lớp với các bác sĩ: Tôn Thất Tùng, Ðặng Văn Ngữ... năm 30 tuổi, Trần Duy Hưng đã là một bác sĩ đa khoa giỏi. Với sự trợ giúp của người em gái, ông mở một bệnh viện ở phố Thợ Nhuộm. Là người tham gia phong trào "Hướng đạo sinh" từ rất sớm, nên trước ngày khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám, bệnh viện của bác sĩ Trần Duy Hưng là cơ sở bí mật của cách mạng. Sau ngày 2-9-1945 khoảng một tuần, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm nhà bác sĩ Trần Duy Hưng và đề nghị ông làm Thị trưởng Hà Nội. Bác sĩ đã "cảm ơn Cụ Chủ tịch" và "đề nghị chọn người khác xứng đáng hơn" với lý do mình "chỉ biết khám, chữa bệnh, không quen làm lãnh đạo". Bác Hồ đã động viên: Ðiều quan trọng là chú có lòng yêu nước, có các đoàn thể và đồng chí giúp đỡ, lo gì không hoàn thành nhiệm vụ. Ðược cử làm Chủ tịch Ủy ban Hành chính Hà Nội trong những ngày toàn quốc kháng chiến, bác sĩ Trần Duy Hưng luôn ở bên Bác Hồ, cùng các đồng chí trong Thành ủy, Ủy ban Hành chính tập hợp các thành phần yêu nước bảo vệ thủ đô. Năm 1947, bác sĩ Trần Duy Hưng được cử làm Thứ trưởng Bộ Nội vụ, tới đầu năm 1954 được điều sang làm Thứ trưởng Bộ Y tế. 

Tháng 10-1954, ông được cử làm Phó Chủ tịch Ủy ban Quân chính Hà Nội dẫn đầu đại quân tiến vào tiếp quản thủ đô. Một lần nữa, Bác Hồ yêu cầu bác sĩ Trần Duy Hưng làm Chủ tịch Ủy ban Hành chính thủ đô (sau này là UBND). Ông đã đảm nhiệm trọng trách này cho đến lúc về hưu (năm 1977). Tính ra, ông là Chủ tịch UBND thành phố liên tục 23 năm. Ông là đại biểu Quốc hội Việt Nam Dân chủ Cộng hòa từ khóa I đến khóa VI.

Những ngày thủ đô mới giải phóng, công cuộc xây dựng, cải tạo thành phố thật bộn bề. Chính quyền phải lo chỗ ăn ở cho người dân, sắp xếp bộ máy quản lý, đặt tên phố phường... Nhớ lại những ngày cách mạng sôi nổi ấy, nhiều người vẫn nhắc hình ảnh các đồng chí lãnh đạo thành phố, trong đó có bác sĩ Trần Duy Hưng luôn sâu sát cơ sở, đến các nhà máy, trường học, thăm những người nông dân, tham gia các phong trào lao động. Có những đêm, một mình ông đi kiểm tra các điếm canh đê, đề phòng nước lũ lên.

Những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, thủ đô Hà Nội cùng cả nước hướng về miền nam, dồn sức người, sức của chi viện cho chiến trường. Hàng nghìn con em Hà Nội nô nức lên đường nhập ngũ. Bác sĩ Trần Duy Hưng luôn có mặt, động viên anh em chiến sĩ. Ông có mặt ở hầu hết các hoạt động của thủ đô. Trong 12 ngày đêm cuối năm 1972, máy bay B52 của đế quốc Mỹ ném bom Hà Nội. Nhiều bệnh viện, trường học, khu dân cư bị bom Mỹ hủy diệt. Trong những ngày chiến đấu anh dũng, đau thương ấy, nhân dân luôn nhớ đến bác sĩ Trần Duy Hưng. Ông xuống từng khu phố, thăm hỏi nhân dân, tham gia dập lửa cùng đội chữa cháy và các chiến sĩ tự vệ, cùng anh em chôn cất những người đã hy sinh. Hình ảnh bác sĩ gắn liền với biết bao sự kiện của thủ đô trong những năm tháng ấy.

Ðồng chí Nguyễn Văn Trân, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội nhận xét: Bác sĩ Trần Duy Hưng là người luôn được dân yêu mến. Là một trí thức cách mạng, bác sĩ luôn năng nổ, nhiệt tình, tác phong giản dị, gần quần chúng, sống đức độ, nhân ái, có nhiều cống hiến cho sự phồn vinh của thủ đô và đất nước.

Là lãnh đạo thành phố Hà Nội hơn hai mươi năm, bác sĩ Trần Duy Hưng đã có nhiều cống hiến cho thủ đô. Ông là người cụ thể, chi tiết và quyết đoán trong công việc. Kỹ sư Lê Tâm, Chủ nhiệm đầu tiên của Khoa Xây dựng, ÐH Bách khoa nhớ lại, khoảng năm 1968, trong một lần cùng nhau đi bộ trên đê sông Hồng, bác sĩ Trần Duy Hưng tỏ ý băn khoăn, vì sao Hà Nội, về cơ cấu kiến trúc tổng thể lại quay lưng về phía sông Hồng. Vì sao chúng ta chưa mạnh dạn làm mới thủ đô bằng cách để con sông Hồng to rộng kia thật sự trở thành một thực thể của Hà Nội, cho đúng với tên gọi thủ đô ta và cũng là nâng tầm một thủ đô Hà Nội ngàn năm văn hiến.

Vinh dự được nhiều năm sống và làm việc với Chủ tịch Hồ Chí Minh, bác sĩ Trần Duy Hưng là người có tác phong gần gũi với nhân dân lao động. Những người từng giúp việc cho bác sĩ Trần Duy Hưng kể lại: Ông luôn trực tiếp viết các bài diễn văn, dự thảo báo cáo quan trọng mà không yêu cầu thư ký. Ngoài việc chủ trì, tham dự các cuộc họp, ông tận dụng thời gian để tiếp dân bất kể lúc nào. Tiếp dân trong giờ hành chính tại công sở, nhiều buổi tối, ngày nghỉ, ông tiếp dân tại nhà riêng... Người con trai út của bác sĩ hiện còn lưu giữ hàng chục cuốn sổ tay với bút tích của ông ghi chép cụ thể, tỉ mỉ từng người, từng việc, ngày, tháng, năm ông tiếp dân, nghe phản ánh, kiến nghị ra sao và cách giải quyết của ông về vụ việc cụ thể như thế nào.

Bác sĩ Trần Duy Hưng viết chữ đẹp. Ông có thói quen dùng bút máy mực xanh hoặc đen để ghi nội dung chính. Bên lề thường có chữ mực đỏ ghi kết quả giải quyết. Những người được gặp bác sĩ Trần Duy Hưng, thường có những ấn tượng khó quên. Về thôn quê, hay tới nhà máy, gặp ai, ông đều chào trước. Cho đến nay, mỗi khi nhắc đến ông, nhiều người không kìm được xúc động. Bởi ông là một trí thức cách mạng, một người Hà Nội mẫu mực, suốt đời sống vì mọi người. Sinh thời, bác sĩ Trần Duy Hưng có thói quen chiều 30 Tết nào cũng chuẩn bị một túi quà, đợi người công nhân quét rác cuối cùng đến thu gom thì tặng túi quà đó. Nét đẹp này, sau gần 20 năm ông đi xa, các con cháu trong gia đình ông vẫn duy trì.

Ngày bác sĩ qua đời, trong lễ tang, có một anh nông dân cầm thẻ hương năn nỉ ban tổ chức xin vào viếng. Anh quê ở Sóc Sơn. Mười mấy năm trước, trong một lần bà cụ thân sinh của anh ra thăm Hà Nội, đến vườn hoa cạnh hồ Hoàn Kiếm không may bị rơi hết hành lý, tiền bạc. Ðang lúc cụ bà trình báo với anh công an thì bác sĩ Trần Duy Hưng đi qua. Ông dừng xe, lắng nghe rồi biếu bà cụ ít tiền, bảo anh công an lái xe đưa bà cụ đến bến xe khách. Về đến quê, bà cụ gọi con cháu lại dặn rằng: Ông Chủ tịch thành phố là người tốt. Khi nào ông mất, nhất định phải thay bà đến thắp nén nhang và lạy tạ vong linh ông. Nhớ lời mẹ dặn, vừa nghe tin, anh nông dân dừng việc cấy cày, khăn gói về thủ đô...

Ðể tưởng nhớ công ơn một trí thức yêu nước suốt đời trung thành với sự nghiệp cách mạng, gần dân, thương dân và liêm khiết, có nhiều cống hiến to lớn trong lãnh đạo nhân dân thủ đô, năm 1999, HÐND thành phố quyết định đặt tên ông cho đường phố đẹp và hiện đại ở cửa ngõ phía tây thủ đô: đường Trần Duy Hưng.

      PHONG LINH