Nghị quyết 2682, nhận được sự đồng thuận của toàn bộ 15 thành viên Hội đồng Bảo an yêu cầu Đại diện đặc biệt của Tổng Thư ký Liên hợp quốc tại Iraq và UNAMI ưu tiên tư vấn, ủng hộ và hỗ trợ chính phủ cũng như người dân Iraq thúc đẩy đối thoại chính trị và hòa giải ở cả cấp quốc gia và cộng đồng.
Nghị quyết kêu gọi Đại diện đặc biệt của Tổng Thư ký Liên hợp quốc tại Iraq và UNAMI tiếp tục tư vấn và hỗ trợ Chính phủ Iraq tăng cường công tác chuẩn bị cho bầu cử, các quy trình bảo đảm bầu cử tự do và công bằng.
Ngoài ra, Đại diện đặc biệt của Tổng Thư ký Liên hợp quốc và UNAMI còn có nhiệm vụ phối hợp Chính phủ Iraq thúc đẩy, hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho việc hồi hương những người Iraq di tản sang Syria hoặc giúp những người tản cư trong nước sớm quay trở về nơi ở và hòa nhập cộng đồng.
Nghị quyết cũng yêu cầu Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres tiến hành và cung cấp cho Hội đồng Bảo an bản báo cáo đánh giá chiến lược độc lập về UNAMI với sự tham vấn của Chính phủ Iraq và các bên khác, đánh giá về các mối đe dọa hiện hữu đối với hòa bình và an ninh của Iraq, cũng như các nhiệm vụ và ưu tiên của UNAMI, chậm nhất là vào ngày 31/3/2024.
Nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc được thông qua trong bối cảnh cộng đồng quốc tế chứng kiến những nỗ lực gần đây của Chính phủ Iraq trong cả lĩnh vực an ninh và kinh tế.
Cố vấn An ninh Quốc gia Iraq Qasim al-Araji vừa có chuyến thăm Iran và có cuộc họp với Thư ký Hội đồng An ninh Quốc gia Tối cao Iran (SNSC) Ali Akbar Ahmadian.
Tại cuộc gặp, hai bên nhấn mạnh sự cần thiết của việc thực hiện thỏa thuận an ninh biên giới được ký kết giữa hai quốc gia Hồi giáo cuối tháng 3/2023. Thỏa thuận này là một lộ trình để hai nước phối hợp bảo đảm an ninh khu vực biên giới chung, giúp cải thiện không chỉ an ninh của hai quốc gia mà còn tăng cường hòa bình cho cả khu vực.
Về kinh tế, Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) hoan nghênh Iran sẽ tham gia trở lại thị trường dầu mỏ khi các biện pháp trừng phạt được dỡ bỏ. Trong chuyến thăm đầu tiên tới Iran, Tổng Thư ký OPEC Haitham Al Ghais bày tỏ tin tưởng Tehran là một thành viên có trách nhiệm trong OPEC và có khả năng mang lại khối lượng sản xuất đáng kể, góp phần bảo đảm thị trường dầu mỏ hoạt động cân bằng và ổn định.
Trong khi đó, Bộ Dầu mỏ Iraq thông báo với Công ty Năng lượng nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ về việc nối lại hoạt động xuất khẩu dầu mỏ, đồng thời hoàn tất các hợp đồng với các công ty quốc tế để tiếp thị dầu thô của Iraq.
Cuối tháng 3 vừa qua, Iraq tạm dừng xuất khẩu khoảng 450.000 thùng dầu/ngày từ các mỏ phía bắc của mình tới cảng Ceyhan ở Địa Trung Hải của Thổ Nhĩ Kỳ thông qua một đường ống, sau khi Tehran thắng kiện Ankara trong một vụ kiện về tranh chấp kéo dài chung quanh việc xuất khẩu dầu độc lập của chính quyền khu vực người Kurd ở Iraq.
Bộ Năng lượng và Tài nguyên khoáng sản Jordan cũng xác nhận việc nhập khẩu nhiên liệu từ Iraq được nối lại thông qua các tàu chở dầu đến Jordan, với tổng cộng 422 tàu vận tải chất đầy dầu của Iraq, trong đó 300 chiếc đã cập các cảng của Jordan.
Đầu tháng 5 vừa qua, Jordan gia hạn thỏa thuận với Iraq nhằm tiếp tục nhập khẩu dầu thô với giá chiết khấu, theo đó Jordan nhập khẩu từ Iraq 10.000 thùng dầu thô mỗi ngày, tương đương 7% nhu cầu hằng ngày của quốc gia Arab này.
Những thay đổi tích cực ở Iraq trong lĩnh vực an ninh lẫn kinh tế được cộng đồng quốc tế đón nhận và đánh giá cao. Quyết định gia hạn hoạt động của UNAMI tại Iraq thêm một năm là để phái bộ đồng hành Chính phủ và nhân dân Iraq trong chặng đường khôi phục an ninh và ổn định ở quốc gia Trung Đông.