Từ thành phố trẻ Long Xuyên thẳng về thị trấn Tri Tôn, theo con đường về xã Lương Phi, là gặp Núi Dài, căn cứ cách mạng Ô Tà Sóc trước mặt. Ngước lên đồi Ma Thiên Lãnh, sừng sững bia đá Tổ quốc ghi công năm liệt sĩ vô danh, hương hoa của đất trời và tình cảm của người dân luôn dành cho các anh.
Một ngày đầu năm 1969, trận oanh tạc dữ dội của máy bay Mỹ xuống đồi Ma Thiên Lãnh đã làm tảng đá khổng lồ sập xuống bịt kín hang đá có năm bộ đội chủ lực trong đó. Mấy người dân ngậm ngùi kể: "Tảng đá lớn dữ quá, không cách nào bẩy ra được, lại ngay lúc bom đạn ác liệt, bị thương nặng, trong hang thiếu không khí, nên mấy ảnh kiệt sức dần chết khô, khát... Ðến thời bình, thôi thì cứ giữ nguyên hiện trạng đó, dựng lên tấm bia Tổ quốc ghi công để mọi người nhớ lại những tháng ngày bi thương và anh dũng tại Ô Tà Sóc này".
Theo cách giải thích của người Khmer thì Ô Tà Sóc có nghĩa là suối ông Sóc. Từ vị trí chiến lược nằm trong thế liên hoàn với núi Cấm, núi Tô và Ðồng Tràm Hà Tiên nên vùng Ô Tà Sóc Núi Dài lớn trở thành căn cứ địa của các cơ quan Tỉnh ủy, điểm dừng chân và hợp đồng chiến đấu của các trung đoàn chủ lực thuộc Trung ương từ Miền Ðông chi viện vào các tỉnh miền Tây Nam Bộ. Căn cứ xây dựng một tuyến phòng thủ đủ sức mạnh bằng những hàng rào bãi chông, trái nổ, cùng lòng quả cảm của cán bộ, chiến sĩ dựa vào địa hình hiểm trở của núi rừng để bám trụ chiến đấu và chỉ đạo phong trào cách mạng. Chính từ Ô Tà Sóc, Thường trực Tỉnh ủy An Giang chỉ đạo các đơn vị bộ đội địa phương trong toàn tỉnh tích cực tiến công tiêu hao, tiêu diệt địch, đồng thời phát động quần chúng nổi dậy phá thế kìm kẹp, diệt ác ôn, phá ấp chiến lược, khu gom dân, đưa quần chúng ra tận thị xã, thị trấn đấu tranh đòi chồng con, người thân, buộc chấm dứt các cuộc càn quét. Mỹ, ngụy luôn luôn coi Núi Dài lớn là mục tiêu quan trọng, ra sức đánh phá, giành quyền kiểm soát, chia cắt Núi Dài lớn với khu vực biên giới có Ðồng Tràm Hà Tiên, bởi vậy căn cứ Ô Tà Sóc là nơi để Mỹ thử nghiệm các loại vũ khí tinh vi nhất. Trong khoảng thời gian từ năm 1962 đến 1967, quân ngụy tập trung nhiều cuộc hành quân cấp trung đoàn, sư đoàn, kể cả biệt kích Mỹ, lính Nam Triều Tiên có cố vấn Mỹ chỉ huy và cả máy bay B52 yểm trợ, pháo binh và thiết giáp mở đường cho bộ binh tiến công áp sát Ô Tà Sóc Núi Dài lớn hòng hủy diệt căn cứ Tỉnh ủy, nhưng đều thất bại và bị tổn thất nặng nề...
Con đường đất vào Ô Tà Sóc đã được thay bằng con đường nhựa. Hai bên đường đầy ấn tượng bởi một rừng tầm vông kéo dài tới tận chân núi. Dịp 3-2 vừa qua, chào mừng Ngày thành lập Ðảng, An Giang tự hào đón nhận bằng công nhận Ô Tà Sóc là di tích lịch sử cách mạng cấp quốc gia. Sau niềm tự hào là trách nhiệm lớn lao: Làm gì để phát huy truyền thống Ô Tà Sóc vào việc phát triển dân sinh trên địa bàn?
Ô Tà Sóc vẫn nguyên sơ, mầu xanh hoa trái nhen lên trên những hố bom. Dựa vào những giá trị về cảnh quan thiên nhiên, với thuận lợi là nơi đây có nhiều loài thực vật và cảnh trí hoang sơ, đan xen những dấu ấn lịch sử rất thuận lợi để phát triển thành cụm du lịch lịch sử - văn hóa - sinh thái. Việc trùng tu và tôn tạo lại các hiện trạng di tích nhằm đưa du khách tiếp cận căn cứ Ô Tà Sóc đang được Tỉnh ủy và chính quyền tỉnh An Giang quan tâm chỉ đạo.
ANH Tám Hợp, Bí thư Ðảng ủy xã Lương Tri, huyện Tri Tôn cho biết: Anh sinh ra và lớn lên tại xã nửa đồi núi này, kinh tế chính vẫn là nông nghiệp, duy có khác với trước là từ năm 1992 Nhà nước đầu tư xẻ thêm nhiều tuyến kênh đã phá thế độc canh lúa một vụ năng suất thấp chừng một tấn lúa/ha/năm, lên hai vụ lúa 10 tấn/năm và một vụ màu ngắn ngày. Do đây là vùng núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số cho nên Nhà nước đã đầu tư bê-tông hóa hệ thống mương máng nổi dài năm nghìn mét và trạm bơm điện nhằm phục vụ nước tưới cho 220 ha đất nông nghiệp cặp triền núi của bà con Khmer. Mấy năm nay thóc tăng giá đã kích thích bà con phá bỏ vườn tạp, đưa hết diện tích đất hoang vào trồng trọt. Vùng đất khô cằn thiếu nước được tận dụng để trồng tầm vông, rồi việc nhân rộng các vườn xoài ghép bưởi, xoài cát Hòa Lộc... Toàn xã có khoảng một phần ba số dân toàn xã là người Khmer. Bà con có nghề truyền thống chăn nuôi bò. Tính sơ sơ toàn xã có 1.500 con bò, hộ người Khmer nào cũng nuôi hai, ba con. Hàng loạt các nghề truyền thống khác của bà con dân tộc thiểu số ở vùng đất Bảy Núi này đang cần những dự án đầu tư ưu đãi như dự án sản xuất và chế biến đường Thốt Nốt, dự án chăn nuôi dê ở các phum, sóc... Quy hoạch phát triển du lịch sinh thái - lịch sử nơi đây phải trong thế liên hoàn với các cụm, tuyến du lịch lân cận đang thu hút nhiều du khách trong nước và nước ngoài, như tuyến Châu Ðốc - Lâm Viên - Núi Cấm - Ô Tà Sóc - Tức Dụp (An Giang) với Hòn Ðất - Chùa Hang - Hà Tiên thập cảnh (Kiên Giang). Việc khai thác và phát huy hiệu quả di tích căn cứ Ô Tà Sóc sẽ trực tiếp phát triển dân sinh tại vùng đất anh hùng này.