Vẽ tranh dân gian Đông Hồ bằng ngôn ngữ ballet

Tranh Đông Hồ với những giá trị văn hóa truyền thống độc đáo từng là nguồn cảm hứng sáng tạo của nhiều lĩnh vực như thời trang, âm nhạc, mỹ thuật…, song hiếm khi được sử dụng làm chất liệu sáng tác của nghệ thuật vũ đạo.
0:00 / 0:00
0:00
Vở diễn tôn vinh vẻ đẹp của tranh dân gian Đông Hồ qua ngôn ngữ của nghệ thuật ballet kết hợp múa dân gian và múa đương đại. (Ảnh VNOB)
Vở diễn tôn vinh vẻ đẹp của tranh dân gian Đông Hồ qua ngôn ngữ của nghệ thuật ballet kết hợp múa dân gian và múa đương đại. (Ảnh VNOB)

Bởi thế, khi “Đông Hồ”- vở ballet mới nhất của Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam công diễn tại Nhà hát Lớn Hà Nội (tối 22-23/3) đã khiến người xem bất ngờ trước sự kết hợp đầy thú vị giữa vẻ đẹp của hội họa dân gian truyền thống và ngôn ngữ ballet cổ điển thế giới.

Cũng như những bức tranh Đông Hồ được in bởi nhiều lớp mầu khác nhau trên giấy dó, vở diễn được tạo nên bởi sự hòa quyện ăn ý giữa những lớp múa ballet và múa dân gian, múa đương đại.

Trong thời lượng hơn một giờ đồng hồ, trên nền nhạc của bản giao hưởng “Bốn mùa” (New for Seasons) do nhà soạn nhạc cổ điển đương đại Max Richter biên soạn lại từ bản gốc cùng tên của Atonio Vivaldi (nhà soạn nhạc nổi tiếng người Italia đầu thế kỷ 18), vở diễn đã “họa” lại nét đặc sắc của 11 bức tranh Đông Hồ nổi tiếng bằng ngôn ngữ cơ thể của gần 20 diễn viên nam, nữ tài năng.

Ở đó, “Hứng dừa”, “Tố nữ”, “Chăn trâu thả diều”, “Đám cưới chuột”, “Đánh ghen”, “Vinh quy bái tổ”, “Lý ngư vọng nguyệt”… đã không còn là những bức tranh dân gian tĩnh mà hiện lên đầy sống động trong sự chuyển động, tiếp biến không ngừng. Dưới bàn tay dàn dựng của biên đạo Nguyễn Ngọc Anh, quốc tịch Anh gốc Việt, hiện đang làm việc tại Học viện Nghệ thuật biểu diễn Hồng Kông (Trung Quốc), vở ballet “Đông Hồ” không tập trung vào phương pháp kể chuyện chi tiết mà đưa người xem hướng tới sự giản dị, tinh tế được truyền tải một cách trừu tượng, thiên về tính cảm nhận.

Nếu theo dõi kỹ, có thể nhận ra ở một số phân đoạn, cảnh kết của màn này được sử dụng làm cảnh bắt đầu của các màn tiếp theo, tạo sức gợi về sự liên kết, vận động liên tục, góp phần nối dài thêm những giá trị của thông điệp “cho” và “nhận” xuyên suốt vở diễn.

Biên đạo múa Nguyễn Ngọc Anh tâm sự, dù phần lớn thời gian sống ở nước ngoài nhưng tâm hồn anh vẫn luôn hướng về Việt Nam. “Tôi mong muốn mang đến cho tranh Đông Hồ một linh hồn mới, bằng nét vẽ mới, không phải chỉ là khuôn gỗ hay thiết kế trang phục, mà bằng “ngòi bút” sắc sảo tạo nên bởi mũi những đôi giày của nghệ sĩ ballet, giúp cảm xúc của công chúng đến được và “chạm” vào chân trời mới của nghệ thuật ballet trong niềm tự hào về văn hóa truyền thống dân tộc”, biên đạo Ngọc Anh chia sẻ.

Theo anh, bản thân mỗi bức tranh Đông Hồ đã giàu hình ảnh, mầu sắc và mang những câu chuyện riêng, cho nên khi diễn đạt bằng ngôn ngữ múa, thách thức đặt ra là làm thế nào để làm bật lên được cái hồn cốt, nét duyên dáng đặc trưng thuần Việt chứa đựng trong đó.

Đó là lý do trong thời gian eo hẹp chỉ khoảng chưa đầy một tháng làm việc trực tiếp cùng dàn nghệ sĩ Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam, biên đạo Ngọc Anh không chỉ yêu cầu diễn viên thực hiện tốt kỹ thuật vũ đạo mà còn phải thể hiện được thần thái, tính cách nhân vật thông qua ánh mắt, nét mặt, cử chỉ.

Thưởng thức vở diễn, có thể thấy rõ những nỗ lực trong thể hiện nội tâm nhân vật của Nghệ sĩ Ưu tú Như Quỳnh, Nghệ sĩ Ưu tú Phan Lương, Nghệ sĩ Ưu tú Việt An, Thu Hằng, Đức Hiếu, Lệ Thanh... trong các màn diễn như: “Đánh ghen”, “Đám cưới chuột”, “Thiếu phụ bồng con”...

Tham gia diễn xuất xuyên suốt nhiều phân đoạn của vở diễn, Nghệ sĩ Ưu tú Phan Lương, Trưởng đoàn Vũ kịch của Nhà hát cho biết: Về mặt vũ đạo, vở diễn khai thác yếu tố múa ballet cổ điển châu Âu, đòi hỏi phần chân diễn viên phải có sự chắc chắn trong tạo hình.

Trong khi đó, yếu tố dân gian lại đòi hỏi sự mềm mại uyển chuyển cho nên những động tác sử dụng nhiều cơ xoáy, xoắn, uốn ở phần trên của diễn viên đã được huy động triệt để để tạo sự sóng sánh của cơ thể trong loạt chuyển động liên tục. Muốn đáp ứng, diễn viên phải có những kỹ năng cơ bản tốt để có thể tiếp tục phát triển động tác...

Chỉ với những đạo cụ giản đơn như chiếc quạt giấy, những sợi dây đen tượng trưng cho suối tóc, sự kết nối, hòa quyện trong sắc mầu tươi tắn của tranh Đông Hồ cùng họa tiết tiêu biểu trên yếm thắm của diễn viên nữ, vở diễn vẫn tạo được ấn tượng thị giác cho người xem, nhất là khi kết hợp cùng công nghệ ánh sáng, hình ảnh, tạo nên không gian nghệ thuật vừa quen thuộc vừa mới mẻ, vừa truyền thống vừa hiện đại.

Đây không phải lần đầu ballet, loại hình nghệ thuật cổ điển châu Âu được sử dụng như ngôn ngữ để kể câu chuyện về văn hóa Việt. Trước đó, Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam đã trình diễn “Hàm lệ minh châu”, vở ballet lấy cảm hứng từ truyền thuyết dân gian xoay quanh câu chuyện tình yêu Mỵ Châu-Trọng Thủy; biên đạo múa Tuyết Minh cũng từng dàn dựng “Ballet Kiều” cho các nghệ sĩ Nhà hát Giao hưởng Nhạc vũ kịch Thành phố Hồ Chí Minh dựa trên tuyệt tác văn học “Truyện Kiều”...

Điều này cho thấy, văn hóa dân gian, dân tộc vẫn luôn là suối nguồn cảm hứng không ngừng tuôn chảy. Với “Đông Hồ”, các nghệ sĩ tiếp tục khẳng định “chìa khóa” để mở đường cho văn hóa Việt Nam bước ra thế giới bằng chính những hình thức sáng tạo mới trên nền những giá trị văn hóa truyền thống. Ấy cũng là cách giúp nghệ thuật chinh phục công chúng hiện đại trên cơ sở tiếp nối, bảo tồn và phát huy những tinh hoa văn hóa dân tộc.