Về “tâm dịch” bạch hầu trước ngày khai giảng

NDO -

Đến thời điểm này, trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã ghi nhận 41 trường hợp mắc bệnh bạch hầu. Trong đó, riêng tại xã vùng sâu Cư Pui, huyện Krông Bông có đến 12 trường hợp mắc bệnh, chiếm gần một 1/3 số bệnh nhân bạch hầu trên toàn tỉnh. 

Các giáo viên Trường tiểu học Cư Pui 2 tuyên truyền, vận động học sinh đến trường.
Các giáo viên Trường tiểu học Cư Pui 2 tuyên truyền, vận động học sinh đến trường.

Hiện nay, mặc dù dịch bạch hầu vẫn còn diễn biến phức tạp nhưng cấp ủy, chính quyền và các trường học ở vùng “tâm dịch” này vừa nỗ lực phòng, chống dịch bệnh, vừa chuẩn bị cơ sở vật chất, trường lớp chu đáo sẵn sàng cho năm học mới và phân công giáo viên về tận gia đình ở các thôn, buôn tuyên truyền, vận động học sinh đến trường. Cuộc sống của người dân ở vùng “tâm dịch” bạch hầu này đã trở lại bình thường và gia đình nào cũng tất bật chuẩn bị áo quần, sách vở cho con em mình để bước vào năm học mới.

Từ nỗ lực phòng, chống dịch bạch hầu…

Từ thành phố Buôn Ma Thuột chúng tôi vượt gần 100 km theo nhiều tuyến đường khác nhau để tìm về xã Cư Pui, huyện Krông Bông, địa phương được xem là vùng “tâm dịch” bạch hầu của Đắk Lắk hiện nay. Nằm nép mình dưới chân núi Chư Yang Sin hùng vĩ, xã Cư Pui có 13 thôn, buôn với 2.685 hộ, hơn 13.880 nhân khẩu, trong đó, có đến 87% là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) từ các tỉnh miền núi phía bắc di cư tự do vào sinh sống nhiều năm nay.

IMG_0046-1599189958486.jpg
Ngày 4-9, điểm trường thôn Ea Rớt, Trường tiểu học Cư Pui 2 đã tổ chức khai giảng sớm bước vào năm học mới. 

Là “tâm dịch” bạch hầu nhưng khi chúng tôi đề nghị được về các thôn, buôn để được tận mắt chứng kiến cuộc sống của nhân dân thế nào, nhất là công tác phòng, chống dịch và chuẩn bị cho con em bước vào năm học mới, đồng chí Nguyễn Văn Tâm, Bí thư Đảng ủy xã Cư Pui không chút ngừng ngại cùng chúng tôi lặn lội xuống các thôn, buôn.

Trên đường về với nhân dân, Bí thư Đảng ủy xã Cư Pui Nguyễn Văn Tâm tâm sự: Được sự quan tâm đầu tư của Đảng, Nhà nước, đặc biệt sau nhiều năm nỗ lực thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, đến nay, diện mạo vùng nông thôn ở Cư Pui đã có nhiều thay đổi lớn so trước đây. Nhiều tuyến đường giao thông nông thôn đã được bê-tông hóa, hệ thống trường học trên địa bàn đều được xây dựng kiên cố, khang trang; điện lưới quốc gia đã được kéo về tận các buôn làng vùng sâu, vùng xa phục vụ nhân dân sinh hoạt, sản xuất… Tuy nhiên, do phần lớn nhân dân của xã là đồng bào dân tộc miền núi phía bắc di cư tự do vào sinh đẻ đông con, trình độ dân trí còn hạn chế, thiếu đất và phương tiện sản xuất… nên đến nay toàn xã hiện còn đến 46% hộ nghèo.

IMG_0045-1599189959517.jpg
Học sinh dân tộc Mông ở xã Cư Pui chuẩn bị sách vở đến trường bước vào năm học mới. 

Do cuộc sống còn gặp nhiều khó khăn, nhiều gia đình còn sinh sống trong những ngôi nhà tạm bợ, ẩm thấp, môi trường sống không bảo đảm, đặc biệt đây là một trong những “vùng lõm” về tiêm vaccine phòng bệnh ở tỉnh Đắk Lắk nên kể từ khi xuất hiện dịch bạch hầu ở Đắk Lắk vào đầu tháng 7-2020 đến nay, trên địa bàn xã Cư Pui liên tục ghi nhận các trường hợp mắc bệnh. Theo thống kê của Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk, tính đến ngày 3-9, trên địa bàn toàn tỉnh đã ghi nhận 41 trường hợp mắc bệnh bạch hầu, trong đó, huyện Krông Bông có 17 trường hợp, riêng trên địa bàn xã Cư Pui có đến 12 trường hợp mắc bệnh bạch hầu tại sáu thôn, buôn.

Ngay sau khi phát hiện trường hợp mắc bệnh bạch hầu đầu tiên tại địa phương, ngành Y tế tỉnh, huyện đã về phối hợp cấp ủy, chính quyền địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của nhân dân trong công tác phòng, chống dịch; đồng thời tiến hành cách ly các thôn, buôn có người mắc bệnh, phun hóa chất xử lý môi trường, tiêm vaccine phòng bệnh bạch hầu cho nhân dân…

“Trong công tác tuyên truyền, do phần lớn nhân dân là đồng bào dân tộc Mông từ các tỉnh miền núi phía bắc di cư tự do vào, nhiều người không biết tiếng phổ thông nên xã đã có sáng kiến đề nghị các trưởng thôn biên dịch tài liệu tuyên truyền phòng, chống dịch bạch hầu của ngành Y tế từ tiếng phổ thông sang tiếng Mông, rồi thu âm vào điện thoại phát qua bluetooth đến các loa di động chở trên xe máy tuyên truyền đến tận các khu dân cư vùng sâu, vùng xa… Nhờ cách tuyên truyền sáng tạo này nên người dân trên địa bàn đã hiểu và nâng cao nhận thức về phòng, chống dịch bệnh nói chung, bệnh bạch hầu nói riêng”, đồng chí Nguyễn Văn Tâm chia sẻ.

IMG_0039-1599189958970.jpg
 Người dân xã Cư Pui đi tiêm vaccine phòng bệnh bạch hầu.

Bên cạnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền, ngành Y tế cũng đã tổ chức tiêm vaccine phòng bệnh cho toàn thể nhân dân trên địa bàn xã theo chủ trương của Bộ Y tế, đến thời điểm này hầu hết người dân đã được tiêm mũi 2. Nhờ đó, đến nay dịch bạch hầu trên địa bàn xã đã được kiểm soát, hơn một tuần nay không có ca mắc mới.

Cùng với với lãnh đạo xã Cư Pui, chúng tôi ghé thăm gia đình anh Mã Văn Chinh ở thôn Ea Lang, gia đình anh là một trong hàng trăm hộ dân tộc Mông di cư tự do từ các tỉnh miền núi phía bắc vào sinh sống nhiều năm nay. Lúc này, trong nhà anh Chinh có hơn 10 cháu nhỏ trong xóm đang chơi đùa vui vẻ.

IMG_0044-1599189958829.jpg
 Những đứa trẻ ở xã vùng sâu Cư Pui trước thềm năm học mới.

Trò chuyện với chúng tôi, anh Chinh cho biết: “Tôi di cư vào đây sinh sống hơn 15 năm nay, tuy cuộc sống còn nhiều khó khăn nhưng chưa bao giờ lo lắng như năm nay, vì phải đối mặt với dịch bạch hầu đang bùng phát ở địa phương. Kể từ khi dịch bùng phát đến nay, ở các thôn, buôn có người mắc bệnh đều phải cách ly, hạn chế người đi lại để phòng, chống dịch. Nghe nói căn bệnh này nguy hiểm lắm và thời gian đầu chưa biết cách phòng chống khiến tôi cũng như bà con trong thôn, trong xã càng thêm lo lắng. Song, sau khi được tuyên truyền, hướng dẫn cách phòng, chống dịch, tôi đã hiểu hơn về căn bệnh này và cách phòng, chống bệnh nên giờ tôi không còn lo lắng nữa, tập trung chuẩn bị áo quần, sách vở cho con cái đến trường bước vào năm học mới thôi”, nói đến đây anh Chinh bước vào nhà cùng với đám trẻ sắp xếp lại mớ sách vở mới mua về đang để bừa bộn dưới nền nhà.

… đến vận động học sinh tới trường

Cùng với việc ngăn chặn dịch bạch hầu, trong những ngày đầu tháng 9 này, chính quyền và các trường học trên địa bàn xã Cư Pui cũng chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất trường lớp, bàn ghế, trang thiết bị dạy học, dọn dẹp vệ sinh môi trường, phun thuốc khử khuẩn toàn bộ trường học, bàn ghế, đồ dùng dạy học, bố trí các điểm sát khuẩn tay, rửa tay… để bảo đảm môi trường an toàn đón học sinh đến trường bước vào năm học mới.

IMG_0040-1599189959017.jpg
 Trường tiểu học Cư Pui 2 chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất và vệ sinh trường lớp sạch sẽ chuẩn bị cho ngày khai giảng năm học mới, đón học sinh đến trường.

Bí thư Đảng ủy xã Cư Pui Nguyễn Văn Tâm cho biết: Bước vào năm học 2020-2021, toàn xã Cư Pui có năm trường học với hơn 3.000 học sinh từ mầm non đến trung học cơ sở, phần lớn là con em đồng bào DTTS. Để vận động các em học sinh đến trường đông đủ trong tình hình dịch Covid-19 và dịch bạch hầu còn diễn biến phức tạp, trong những ngày đầu tháng 9 này bên cạnh công tác chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất trường lớp, lãnh đạo cấp ủy, chính quyền địa phương và các thầy cô giáo các trường học trên địa bàn còn về tận các hộ dân thăm hỏi, động viên, tuyên truyền, vận động, nhắc nhở các bậc phụ huynh mua sách vở, đồ dùng học tập và cho con em mình đến trường đông đủ ngay từ những ngày đầu của năm học mới.

Ghé thăm Trường tiểu học Cư Pui 2 nằm trên địa bàn thôn Ea Lang khi các thầy cô của nhà trường đang tất bật dọn dẹp, vệ sinh và chuẩn bị cho lễ khai giảng năm học mới.

IMG_0041-1599189958892.jpg
 Đồng chí Nguyễn Văn Tâm, Bí thư Đảng ủy xã Cư Pui đến thăm, động viên con em trong xã trước thềm năm học mới. 

Thầy giáo Nguyễn Hồng Thuần, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Bước vào năm học mới này nhà trường có 1.114 học sinh, chủ yếu là con em đồng bào dân tộc phía bắc vào. Ngoài điểm chính này, trường còn có ba điểm trường ở các thôn Ea Rớt, Cư Tê và Ea Uôl, trong đó điểm trường thôn Ea Rớt là xa nhất, cách trường chính đến 12 km, giao thông đi lại rất khó khăn, chủ yếu là đường đất, trong suốt mùa mưa này đường luôn lầy lội, trơn trượt… Do đó, các giáo viên đứng lớp ở đây phải “cắm bản” cả tuần mới về nhà một lần".

Cô giáo Nguyễn Thị Liễu, người đã “cắm bản” tại điểm trường thôn Ea Rớt hơn bốn năm nay chia sẻ: “Nhà em ở cách điểm trường này hơn 40 km, giao thông đi lại rất khó khăn, đặc biệt vào mùa mưa đoạn đường từ trường chính vào điểm trường luôn lầy lội, trơn trượt, đã vậy còn phải vượt một con dốc cao mà người dân địa phương còn gọi là “cổng trời”. Do giao thông khó khăn nên kể từ khi được phân công vào đây dạy, em ở tập thể cả tuần mới về thăm nhà một lần. Dù đi lại, ăn ở khó khăn, vất vả nhưng thương con em đồng bào ở đây, cha mẹ các em không biết chữ cuộc sống đã khó khăn rồi, nay mang cái chữ đến với các em chỉ mong rằng sau này các em bớt khổ là mình vui rồi!”.

Chia tay với lãnh đạo xã và các thầy, cô giáo ở vùng “tâm dịch” bạch hầu Cư Pui, chúng tôi mang theo về tâm trạng rất vui vì được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương, của ngành Y tế và các thầy cô giáo không quản ngại khó khăn, gian khổ ngày đêm vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa chuẩn bị cơ sở vật chất trường lớp và tuyên truyền vận động học sinh đến trường, ngày mai 5-9 tất cả các em học sinh ở xã vùng sâu này đều được đến trường khai giảng bước vào năm học mới trong điều kiện đặc biệt vừa phòng chống dịch bệnh, vừa học tập.