Vệ sinh an toàn thực phẩm tại các chợ dân sinh

Hệ thống chợ đáp ứng khoảng 60% nhu cầu về mua sắm, tiêu dùng thực phẩm của hơn 10 triệu dân ở Hà Nội. Thời gian qua, việc bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm tại các chợ được quan tâm hơn, tuy nhiên vẫn cần có giải pháp quyết liệt để tạo chuyển biến tích cực .
0:00 / 0:00
0:00
Lực lượng Quản lý thị trường kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm tại một chợ dân sinh ở quận Hoàng Mai. (Ảnh Hoài Nam)
Lực lượng Quản lý thị trường kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm tại một chợ dân sinh ở quận Hoàng Mai. (Ảnh Hoài Nam)

Trên địa bàn Hà Nội hiện có 453 chợ. Trong đó, chỉ có hai chợ đầu mối nông sản (chợ hạng 1) là chợ đầu mối Minh Khai (quận Bắc Từ Liêm) và chợ đầu mối phía nam (quận Hoàng Mai), cung ứng tỷ lệ lớn các mặt hàng nông sản, thực phẩm cho cả thành phố. Thế nhưng, qua khảo sát của Sở Y tế Hà Nội, hai khu chợ đầu mối nêu trên, do đều được đầu tư xây dựng đã lâu năm, cho nên cơ sở vật chất không bảo đảm các điều kiện về vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, mỹ quan đô thị.

Trưởng phòng Nghiệp vụ (Sở Y tế Hà Nội) Lê Thị Hằng cho biết: “Hơn 70% số cơ sở kinh doanh tại hai chợ đầu mối chưa có diện tích phù hợp hoặc bị ảnh hưởng bởi nguồn ô nhiễm. Hơn 85% số hộ kinh doanh chưa có thùng rác chứa đựng, thu gom rác thải theo đúng quy định. Hơn 93% số thiết bị, dụng cụ sản xuất, chứa đựng thực phẩm chưa đạt tiêu chuẩn. Riêng tại chợ đầu mối phía nam, chỉ có 9,5% số quầy hàng có kết cấu vững chắc, gọn sạch; vẫn còn 30% số hộ kinh doanh không có hợp đồng chứng minh nguồn gốc, xuất xứ các mặt hàng thực phẩm đang kinh doanh...”.

Đại diện Sở Y tế cho biết, kiểm tra, giám sát gần 1.500 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống tại các chợ cho thấy, ý thức chấp hành các quy định về an toàn thực phẩm của một số cơ sở, người tiêu dùng tại chợ còn hạn chế. Rác chưa được vứt đúng nơi quy định, thùng rác không có nắp đậy, không được vệ sinh thường xuyên. Nhiều tiểu thương còn sử dụng thùng sơn cũ (dụng cụ đựng hóa chất) để đựng thực phẩm hoặc dùng chung một thớt cho cả thực phẩm sống và chín. Các tiểu thương chưa có thói quen ghi chép nguồn gốc thực phẩm, đeo khẩu trang, sử dụng găng tay khi tiếp xúc thức ăn…

Đại diện Ủy ban nhân dân quận Long Biên nêu ý kiến: Thành phố yêu cầu mỗi quận, huyện xây dựng tối thiểu 5 nhà trạm xét nghiệm nhanh chất lượng thực phẩm tại 5 chợ trong năm 2022 và nhân rộng trong năm 2023. Tuy nhiên, để xây dựng được nhà trạm này thì cần tìm vị trí có diện tích phù hợp kinh phí đầu tư khoảng hơn 100 triệu đồng/trạm. Chưa kể, phải thành lập tổ xét nghiệm nhanh gồm nhân lực các phòng kinh tế, y tế, trạm chăn nuôi và thú y, chính quyền phường, đơn vị quản lý chợ… để vận hành nhà trạm. Trên thực tế, mỗi quận, huyện sẽ chỉ thành lập được từ một tới hai tổ xét nghiệm, trong khi có tới 453 chợ trên địa bàn.

Để nâng cao hiệu quả công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm tại các chợ, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã ban hành Đề án “Quản lý các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trong chợ trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2022-2025”. Với mục tiêu: 100% số đơn vị quản lý chợ, các cơ sở kinh doanh thực phẩm cố định tại chợ được tuyên truyền, phổ biến, tập huấn kiến thức về an toàn thực phẩm; 100% số chợ được giám sát, lấy mẫu kiểm tra chất lượng an toàn thực phẩm; 100% số chợ đang hoạt động được nâng cấp, cải tạo, sửa chữa, đầu tư và 100% số chợ xây mới đáp ứng được các tiêu chí chợ bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, văn minh thương mại…

Đại diện Sở Y tế Hà Nội cho rằng, cần tăng cường thông tin, tuyên truyền về an toàn thực phẩm dưới nhiều hình thức khác nhau nhằm nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm, đạo đức của tổ chức, cá nhân trong sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng thực phẩm an toàn. Đối với đơn vị quản lý chợ, cần tập huấn, tuyên truyền về cơ chế, chính sách phát triển, quản lý chợ; rà soát lại hệ thống chợ trên cơ sở tổng hợp danh mục cần đầu tư cải tạo chợ hằng năm để đề xuất đầu tư xây dựng, cải tạo, sửa chữa đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn quy định; từ đó có cơ sở xây dựng tiêu chí chợ đầu mối an toàn thực phẩm kết hợp với phòng, chống bệnh…

Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội Nguyễn Thế Hiệp cho biết, trong thời gian tới, ngành công thương sẽ cùng các sở, ngành, các địa phương tiếp tục triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm; phối hợp các quận, huyện hỗ trợ các cơ sở sản xuất, kinh doanh hoàn thiện thủ tục pháp lý; đẩy mạnh cấp biển nhận diện đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm đáp ứng yêu cầu tại Đề án Quản lý các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trong chợ trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2022-2025; đẩy mạnh kiểm tra, thanh tra việc chấp hành quy định pháp luật về an toàn thực phẩm đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trong chợ…