Về nơi lưu giữ nhiều nét đẹp văn hóa truyền thống

Huyện Ý Yên (Nam Định) là vùng đất hình thành sớm trong vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng. Nơi đây còn lưu giữ được bản sắc văn hóa làng quê, hồn Việt mộc mạc, thuần chất, thể hiện rõ nét thông qua những “biểu tượng” truyền thống như phong tục, tập quán, lễ hội, làng nghề, kiến trúc truyền thống, tạo nên sự gắn kết bền chặt giữa đất và người, giữa các thế hệ người dân sinh ra, lớn lên ở làng, trưởng thành nhờ làng và luôn nhắc nhớ về “làng mình”.
0:00 / 0:00
0:00
Du khách tham quan đình, phủ La Xuyên, xã Yên Ninh (huyện Ý Yên, Nam Định).
Du khách tham quan đình, phủ La Xuyên, xã Yên Ninh (huyện Ý Yên, Nam Định).

Ở Ý Yên có nhiều làng nghề truyền thống tuổi đời hàng chục thế kỷ và rất nổi tiếng như: đúc Tống Xá, mộc La Xuyên, sơn mài Cát Đằng... Gắn với đó là tín ngưỡng thờ tổ nghề, lễ hội truyền thống; những công trình đình, đền thờ các đấng thần linh, tôn vinh công đức của các bậc tiền nhân có công lập làng, mở đất, truyền nghề, các danh nhân văn hóa của quê hương.

Đơn cử, nói đến làng nghề đúc Tống Xá (thị trấn Lâm, Ý Yên), ai cũng biết đến đền thờ Đức Thánh Tổ được khởi dựng từ thời Lý, tọa lạc tại trung tâm làng đúc kim loại Tống Xá, thờ Thiền sư Nguyễn Minh Không, một vị Quốc sư thời Lý, có nhiều công lao đóng góp cho đất nước, đồng thời là người truyền nghề đúc cho dân địa phương. Đến nay, người dân nơi đây vẫn duy trì tổ chức Lễ hội đền thờ Đức Thánh Tổ vào tháng 2 âm lịch hằng năm.

Trong lễ hội diễn ra nhiều hoạt động, thu hút đông đảo nhân dân địa phương và du khách tham dự. Tiêu biểu là các nghi thức tế lễ, tái hiện lịch sử làng qua nghệ thuật chèo, hay trò chơi dân gian truyền thống “Vật cầu bùn” nổi tiếng. Mỗi khi tổ chức, số người tham dự lễ hội lên tới hàng chục nghìn.

Lễ hội đã được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và trở thành một sản phẩm du lịch văn hóa đặc trưng, hấp dẫn của tỉnh Nam Định. Đối với cộng đồng nghề đúc kim loại, đây còn là dịp trao đổi kinh nghiệm, khích lệ các nghệ nhân quyết tâm bảo tồn, phát huy nghề truyền thống của ông cha truyền lại.

Trong hàng trăm công trình kiến trúc cổ độc đáo, có 38 di tích được Nhà nước công nhận và xếp hạng, ở Ý Yên tiêu biểu là đình, phủ La Xuyên (xã Yên Ninh) xây dựng từ cách đây hàng trăm năm, được người dân nơi đây giữ gìn và coi như hồn cốt của làng.

Trong quần thể này, đình La Xuyên thờ Tổ nghề điêu khắc mộc và phủ thờ Mẫu Liễu Hạnh, đều được xây dựng bằng gỗ, lối thiết kế kiến trúc truyền thống tiêu biểu thể hiện rõ nét tay nghề tài hoa của các nghệ nhân La Xuyên. Trong đó, tòa tiền đường được làm theo kiểu chồng diêm, hai tầng, tám mái; hệ thống vì tại tiền đường được thiết kế theo phong cách chồng rường giá chiêng; câu đầu, xà thượng, xà hạ, con rường đều được soi chỉ, điểm các hàng lá lật mềm mại..., tất cả kết hợp cùng kỹ thuật gia công cầu kỳ, tỉ mỉ, sắc nét tạo nên những nét cổ kính, uy nghiêm hiếm có.

Ông Ninh Khắc Khẩn, Trưởng thôn Hùng Thắng-La Xuyên tự hào khẳng định: đình, phủ La Xuyên là nơi lưu giữ, thể hiện nét tài hoa của những nghệ nhân nơi đây và truyền thống văn hóa làng nghề. Hằng năm, vào dịp đầu xuân, làng tổ mở lễ hội, có cuộc thi trình diễn các sản phẩm gỗ được làm bởi chính những người thợ trong làng, để trao đổi, học tập kinh nghiệm và quảng bá sản phẩm của làng nghề truyền thống; đồng thời những người con quê hương hòa mình vào những nét thuần phong mỹ tục quê nhà, thể hiện tinh thần uống nước nhớ nguồn.

Với những giá trị văn hóa truyền thống kết tinh trong đình, phủ La Xuyên, công trình này đã được xếp hạng Di tích lịch sử kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia; nay còn trở thành điểm tham quan của du khách trong và ngoài nước. Điều này làm cho người dân nơi đây càng thêm tự hào về giá trị trường tồn của văn hóa làng quê Việt Nam.

Những làng quê ở Ý Yên vẫn còn lưu giữ kho tàng văn hóa dân gian phong phú, bản sắc văn hóa làng truyền thống, được thể hiện rõ nét qua các loại hình nghệ thuật truyền thống, dân ca, dân vũ phong phú, đa dạng như nghệ thuật chầu văn, ca trù, xẩm, đặc biệt là nghệ thuật hát chèo.

Hiện nay, toàn huyện có hơn 50 tổ, đội, câu lạc bộ văn nghệ ở 32 xã, thị trấn; nhiều chiếu chèo, gánh chèo, đội chèo, làng chèo ở các xã Yên Nhân, Yên Cường, Yên Xá, Yên Ninh, Yên Phong được thành lập, đã vượt “lũy tre làng”, mang những làn điệu chèo mượt mà từ vùng quê “đồng trắng, nước trong” biểu diễn phục vụ các sự kiện ở nhiều địa bàn khác nhau; góp phần xây dựng nên những “Làng văn hóa” tiêu biểu ở các xã Yên Trung, Yên Ninh, thị trấn Lâm…