Tấm biển ghi ngôi nhà nơi in bài Tiến quân ca - Quốc ca Việt Nam do Nhà in Phan Chu Trinh in 1944 được gắn khá khiêm nhường mờ khuất trên tường lối vào đình làng cổ Bát Tràng. Ông Phùng Bình Dân, Trưởng tiểu ban Quản lý Di tích thôn Bát Tràng dẫn chúng tôi đi thăm di tích. Ðịa điểm Nhà in Phan Chu Trinh chính là căn gác xép ba gian của dãy nhà ngang nằm trên khu đất rộng của cụ Vương Văn Tịch.
Căn gác được xây dựng theo kiến trúc của nhà thờ cổ với bốn ô cửa sổ khá đẹp và thông thoáng. Theo cầu thang gỗ dốc dựng, chúng tôi leo lên trên căn gác xép chỉ rộng chừng 20 m2, nơi từng là "đại bản doanh" của nhà in, nơi bản Tiến quân ca đầu tiên được in trên trang hai của báo Ðộc Lập số thứ hai vào tháng 11-1944, ngay sau khi nhạc sĩ Văn Cao sáng tác một tháng.
Trong dòng ký ức về cha, kỷ niệm về Tiến quân ca mãi in đậm trong Văn Thao, con trai nhạc sĩ Văn Cao. Ông kể: "Ngày ấy, cha tôi được ông Vũ Quý, Trưởng ban cán sự Hà Nội giao nhiệm vụ sáng tác một bài hát cho Ðội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân. Vào một buổi tối, cha đi bộ dọc nhiều phố trung tâm Hà Nội, ven hồ Hoàn Kiếm, ông đau đến xé lòng khi chứng kiến cảnh nhiều người dân lả đi vì đói. Và Tiến quân ca được viết ngay trong đêm tháng 10 đó tại căn gác hẹp nhà số 45 phố Mongrand, nay là phố Nguyễn Thượng Hiền (Hà Nội)". Bài ca về một nước Việt lên đường tranh đấu cho một tương lai tươi sáng đã ra đời trong thời khắc đầy bi tráng, báo hiệu về một cuộc cách mạng đang đến gần.
Trong khi đó, để chuẩn bị cho cao trào Cách mạng Tháng Tám, theo chỉ thị, ban cán sự Hà Nội trao nhiệm vụ in tài liệu tuyên truyền của Ðảng cho các đồng chí Trịnh Quý Ðông, Văn Cao, Văn Lang (tức Nguyễn Văn Hàm). Ðồng chí Văn Lang, người thôn Bát Tràng, công tác tại cơ quan tuyên truyền Mặt trận Việt Minh thành phố Hà Nội. Với nhiệm vụ bí mật, in ấn tài liệu để che mắt địch, cơ sở in phải chuyển nhiều nơi. Ðể bảo đảm an toàn, các đồng chí chuyển cơ sở in từ nhà bác Bảo Toàn, vợ bác Trạch (người Bát Tràng) ở phường Thanh Lương về nhà cụ Vương Văn Tịch, có con trai là Vương Văn Táo, nằm kín đáo trong ngõ tại xóm 2 thôn Bát Tràng. Khi chuyển về đây, cấp trên đặt tên là Nhà in Phan Chu Trinh. Sau khi in lời kêu gọi của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, nhà in có nhiệm vụ in báo Ðộc Lập. Báo mỗi tuần ra một số. Mỗi số khoảng 500 từ.
Về bài in, các đồng chí nhận được từ các đồng chí Nguyễn Ðình Thi, Vũ Quý và ban cán sự Hà Nội. Những tài liệu chuẩn bị đem in trên báo Ðộc Lập được cuộn nhỏ như điếu thuốc lá. Việc chuyển tài liệu được giao nhiệm vụ cho bà Trần Thị Mỹ, em ruột bác sĩ Trần Duy Hưng. Ðồng chí Trịnh Quý Ðông phụ trách các tin bài trên trang nhất, đồng chí Văn Cao phụ trách các tin bài trên trang hai, đồng chí Văn Lang phụ trách kỹ thuật viết ngược chữ để khắc trên bàn đá.
Ông Văn Thao tiếp lời: "Ðược ông Văn Lang hướng dẫn kỹ thuật cơ bản của viết chữ ngược, cha tôi tự tay kẻ khuôn, viết nhạc, "chạy" chữ ngược của bài Tiến quân ca mà mình sáng tác lên bản đá để in". Văn Cao và các đồng chí của mình được bà Nguyễn Thị Cháu (tức Sáu) phục vụ nấu nướng, còn việc chuyển đá in do bà Nhàn con cụ Tình đảm nhiệm. Khi in xong được các đồng chí chuyển ngay cho sư trụ trì chùa Tiêu Giao ở thôn Giang Cao gần đó cất giấu và làm nhiệm vụ phát hành. Hồi đó, thiếu a-xít để xóa và sửa bản in, các đồng chí đã dùng chanh để tẩy bản in. Ðược nhân dân giúp đỡ nên cơ sở in được bảo đảm an toàn tuyệt đối. Công việc in ấn và sinh hoạt chỉ "gói gọn" trong căn gác xép ba gian này. Chẳng thế mà, nhạc sĩ Văn Cao ở đây hơn một tháng đến khi chuyển đi nơi khác mới biết đó là làng Bát Tràng. Nhà in Phan Chu Trinh cũng "đóng" ở đây hơn một năm cho tới sát ngày Tổng khởi nghĩa.
Ðể giữ bí mật, hòn đá mà chính tay nhạc sĩ Văn Cao in bài hát Tiến quân ca và chiếc máy chữ được đặt dưới ao làng và giếng làng gần đó. Cho đến năm 1984, trong một lần thăm lại làng Bát Tràng, nhạc sĩ cho vớt hòn đá này lên và hiện đang được lưu giữ tại Bảo tàng Cách mạng Việt Nam. Chiếc máy chữ được ông Văn Thao cất giữ làm kỷ vật tại gia đình. Ðứng bên ô cửa sổ của căn gác nhìn ra bãi đất trống, sát những nếp nhà kề liền nhau ra phía bờ sông Hồng, ông Phùng Bình Dân thốt lên: "Ðây là vị trí thuận lợi cho hoạt động cách mạng, phía trước là cánh đồng ngô, đằng sau là đất trống, hướng ra con đường lớn, thuận tiện liên lạc, đi lại". Toàn bộ gỗ ở sàn và trần nhà vẫn còn vững chắc cho đến ngày hôm nay. Vẫn còn đó bể nước đặt trên giếng ở phía dưới gác chính là nơi cất giấu tài liệu. Ngôi nhà sát bên cạnh hiện là nhà thờ tổ của gia đình cụ Vương Văn Tịch. Tấm bằng công nhận di tích cách mạng kháng chiến và tấm ảnh nhạc sĩ Văn Cao cũng được đặt trang trọng tại căn nhà này.
Nhạc sĩ Văn Cao đã trào nước mắt khi thấy một lá cờ đỏ sao vàng cỡ lớn được thả từ trên bao lơn nhà hát xuống trong khi bài hát Tiến quân ca vang lên tại một cuộc mít-tinh ở Quảng trường Nhà hát Lớn trong ngày 17-8-1945. Là người viết các bài hát yêu nước như: Ðống Ða, Thăng Long thành khúc ca..., trong khí thế cách mạng sục sôi, những nét nhạc "Ðoàn quân Việt Nam đi..." trong Tiến quân ca của Văn Cao tiếp thêm sức mạnh đấu tranh, cổ vũ, lôi cuốn mạnh mẽ quần chúng đứng lên Tổng khởi nghĩa. Vang âm tiếng hát Tiến quân ca trong ngày 19-8-1945 dồn dập ở khắp nơi, từ thôn quê đến thành thị, cuồn cuộn không khí khởi nghĩa. Tại kỳ họp Quốc hội khóa I, các đại biểu Quốc hội cũng đã nhất trí lấy bài hát này làm Quốc ca chính thức vì nó thể hiện được ý chí và khát vọng độc lập tự do của dân tộc. Tiến quân ca luôn gắn bó với lịch sử Cách mạng Việt Nam, gắn bó máu thịt với người dân Việt Nam và trở thành "tài sản" tinh thần vô giá của dân tộc Việt Nam.
Làng gốm cổ tự hào là nơi có điểm di tích lịch sử cách mạng. Ðồng chí Lê Thị Thìn, Bí thư Ðảng ủy xã Bát Tràng mong muốn di tích Nhà in Phan Chu Trinh, nơi đầu tiên in Quốc ca Việt Nam được phục hồi và tôn tạo để làm nơi giáo dục truyền thống cho thế hệ sau.