Khác với vẻ tĩnh lặng, hoang sơ của những năm về trước, làn gió từ phong trào xây dựng nông thôn mới, đã mang lại sự đổi thay rõ nét ở làng chài nghèo Cam Lâm, xã Xuân Liên (Nghi Xuân). Những con đường nhựa thẳng tắp, san sát bên hàng loạt ngôi nhà mới xây hai tầng, ba tầng đã thế chỗ những mái nhà tranh thấp bé, nằm bên con đường cát gồ ghề, bụi bặm trước đây. Hàng loạt cửa hàng kinh doanh, dịch vụ cũng đua nhau mọc lên trước những nhu cầu tất yếu của cuộc sống mới. Cuộc sống khấm khá, sung túc hơn, bộ mặt làng ngày càng khang trang, khiến ai nấy đều vui mừng. Nhưng bên cạnh đó, dù không ai nói với ai trong sâu thẳm của không ít người làng Cam Lâm vẫn canh cánh nỗi niềm phải làm sao để tố chất “ăn sóng, nói gió” mộc mạc, nhưng chan chứa nghĩa tình của người dân nơi đây sẽ không bị tác động bởi những tiêu cực của cơ chế thị trường như ở một số vùng quê khác. Và trong sự đổi thay đó, có lẽ tình yêu, niềm đam mê với trò Kiều là sợi dây vô hình gắn kết tình làng, nghĩa xóm bền chặt như “bầu bí chung giàn”.
Là lớp người thứ hai ở làng Cam Lâm đam mê và am hiểu trò Kiều, Nghệ nhân Ưu tú (NNƯT) Nguyễn Huýnh (74 tuổi) đã trở thành người “truyền lửa” để những câu hát cũ tiếp tục ngân lên. Ông Huýnh kể: Trước khi tham gia bộ đội, ông và đội văn nghệ trò Kiều Xuân Liên từng đi biểu diễn khắp làng trên, xóm dưới. Những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, đội chèo Kiều của xã Xuân Liên được tỉnh mời đi diễn nhiều nơi. Có lần đã diễn cho các đơn vị chiến đấu cạnh ngã ba Đồng Lộc. Lần diễn phục vụ Đại hội Thi đua Hai Tốt của tỉnh được tặng cờ xuất sắc nhất về phong trào “Tiếng hát át tiếng bom’’. Theo các cụ truyền lại, trò Kiều hay còn gọi là chèo Kiều được xây dựng trên cơ sở Truyện Kiều nổi tiếng của đại thi hào Nguyễn Du, bắt nguồn ở vùng đất Thanh Hóa, Nghệ An, du nhập vào huyện Nghi Xuân từ đầu thế kỷ 20. Khi du nhập vào đây, trò Kiều trở nên phong phú và đặc sắc hơn vì nó được bổ sung và pha trộn nhiều nét nghệ thuật mới như: Hát tuồng, hát bội, trống quân, đặc biệt các vai hề được nhấn mạnh hơn. Ông Huýnh cho biết: “Ngày trước, chỉ có nam giới mới tham gia biểu diễn trò Kiều, nữ giới hầu như không tham gia diễn Kiều, vì lo lắng những uẩn khúc, ai oán của nhân vật có thể khiến người nhập vai liên lụy ngoài đời. Tuy nhiên, chính tâm huyết, niềm đam mê nghệ thuật trong sáng của các cụ: Mai Ngận, Hồ Kim Sơn, Phan Sáu, Phan Trưởng… đã “hóa giải” định kiến ấy. Và chính sự tham gia của các diễn viên nữ: Trần Thị Vinh, Nguyễn Thị Hai, Ngô Thị Minh đã đem lại luồng sinh khí mới, góp phần thổi bùng ngọn lửa đam mê trò Kiều trong các tầng lớp nhân dân”.
Được chứng kiến buổi luyện tập của câu lạc bộ (CLB) trò Kiều xã Xuân Liên chúng tôi mới cảm nhận được tình yêu bộ môn nghệ thuật cổ của ngư dân nơi đây. Dưới tiết trời oi bức, các thành viên CLB vẫn cần mẫn, hăng say chuyển mình theo tiếng trống, cảm xúc của nhân vật. Quả thật, khi hóa thân vào các vai diễn, đắm mình trong làn điệu đậm chất dân gian, những ngư dân vốn quen “ăn sóng, nói gió” trở nên mềm mại, hiền hòa, trút bỏ hết những vất vả, lo toan đời thường để sống trọn với niềm đam mê. Vừa bứt mình khỏi vai diễn Mã Giám Sinh, ông Hồ Sỹ Diệp chia sẻ: “Cứ sau mỗi chuyến đi biển, khi có thời gian rỗi, chúng tôi lại cùng nhau tập luyện. Sau mỗi vở diễn, cái ngọt ngào của làn điệu nghệ thuật giúp chúng tôi quên đi cái mặn mòi, bão tố của biển cả bao la lúc ra khơi”. Cũng theo chia sẻ của Chủ nhiệm CLB trò Kiều xã Xuân Liên, Nguyễn Huýnh, trên thực tế CLB có 12 thành viên tập luyện thường xuyên nhưng khi cần, có thể mời thêm vài chục người tham gia các trích đoạn cần nhiều diễn viên. “Ở làng này, ai cũng thuộc và có thể vận dăm bảy câu Kiều để chào hỏi, bày tỏ cảm xúc với người đối diện. Lúc mới sinh ra, người dân nơi đây đã được mẹ ru bằng câu thơ Kiều, lớn lên được đắm mình trong niềm đam mê, không gian diễn xướng trò Kiều cho nên khi cần, ai nấy trong xã đều hóa thân vào các nhân vật trong từng trích đoạn”, ông Huýnh cho biết thêm. Nhờ phổ cập được trò Kiều nên ở bất cứ cuộc vui nào người làng Cam Lâm cũng tổ chức ngâm Kiều, lẩy Kiều. Tại các cuộc thi văn nghệ giữa các thôn, xóm, dòng họ có không ít cặp diễn viên là cha con, vợ chồng, anh chị em cùng lên sân khấu để thi tài với đội bạn.
Đến bây giờ, câu trả lời vì sao một loại hình nghệ thuật bác học như ca trù lại bén rễ tại vùng đất nghèo Cổ Đạm và lý do nào khiến những nông dân lam lũ nơi đây lại đam mê ca trù đến thế vẫn chưa được giải đáp thỏa đáng. Chỉ biết, để cắt nghĩa cho niềm đam mê ấy, người dân Cổ Đạm vẫn truyền tai nhau rằng: Xưa có chàng Đinh Lễ, xuất thân từ con nhà nghèo nhưng mạnh khỏe, sáng dạ nên đỗ đạt cao. Nhưng do ghét thói đời xu nịnh lại không màng danh lợi nên chàng Lễ không chịu làm quan, chỉ thích giao du sơn thủy, quen với cuộc sống thanh bần. Một hôm, Lễ được một cụ già dặn dò rồi cho một khúc gỗ ngô đồng. Lễ theo lời dặn, đẽo thành cây đàn. Tiếng đàn phát ra âm sắc vừa lảnh lót, khoan thai, không réo rắt mà trầm đục. Nhờ nghe tiếng đàn của Đinh Lễ, Bạch Hoa công chúa vốn bị câm đã bật giọng vàng oanh và sau đó nên nghĩa phu thê trở về Cổ Đạm sinh sống và trở thành cặp đào kép đầu tiên của làng Cổ Đạm. Vì thế ở làng Cổ Đạm từ xa xưa đã hình thành các giáo phường hát ca trù, người ta gọi là giáo phường ty Cổ Đạm. Cổ Đạm thành trung tâm của bốn phủ, 12 huyện của Nghệ An và Hà Tĩnh.
Lần theo câu hát cũ, chúng tôi tìm gặp vợ chồng NNƯT Dương Thị Xanh, Trần Văn Đài tại ngôi nhà nhỏ ở thôn 8, xã Cổ Đạm. Dù đang tất bật với công việc mưu sinh hằng ngày, nhưng khi được hỏi về mối lương duyên với ca trù, cả hai vợ chồng đều rất hứng khởi. “Vợ chồng tôi vốn là con nhà nông, ngày làm ruộng, tối tìm sang nhà cụ Mơn, cụ Nga (thế hệ đào nương giàu kinh nghiệm nhất lúc bấy giờ ở Cổ Đạm) nghe hát. Sẵn có chút năng khiếu, lại đam mê và được các cụ chỉ cho nảy hạt, nhả chữ, ngâm nga… nên tiếng hát cứ dần ngấm vào huyết quản”, NNƯT Dương Thị Xanh nói. Bén duyên với ca trù không lâu, năm 1995, khi CLB ca trù Cổ Đạm được thành lập, hai vợ chồng nhanh chóng trở thành những thành viên nòng cốt của CLB. Theo chia sẻ của NNƯT Trần Văn Đài, tuy nức tiếng cả vùng, song việc truyền dạy ca trù ở Cổ Đạm lúc đó gặp rất nhiều khó khăn, bởi các ca nương có “nghề” như: Phan Thị Mơn, Trần Thị Gia, Phan Thị Nga, Hà Thị Bình đã bước sang tuổi tám mươi. Chưa kể, do đặc thù của ca trù Cổ Đạm, các cụ chỉ “rành” về không gian diễn xướng cửa quyền với các thể cách như: tứ quý, đại thạch, chúc hỗ… cho nên việc khôi phục, bảo tồn căn bản các thể cách gặp rất nhiều khó khăn. Vì vậy, ngoài việc tiếp thu kỹ lưỡng các làn điệu, thể cách do các cụ truyền lại, vợ chồng anh chị cùng với các cán bộ Trung tâm Văn hóa huyện Nghi Xuân đã tìm đến Giáo phường ca trù Thái Hà, Lỗ Khê (Hà Nội) để học hỏi, phục dựng lại không gian hát cửa đình, cửa thờ. Bằng những nỗ lực không mệt mỏi của các NNƯT Dương Thị Xanh và Trần Văn Đài, CLB ca trù Cổ Đạm đã phát hiện và đào tạo được rất nhiều nhân tố mới, trong đó các ca nương: Tú Anh, Phương Anh, Cẩm Tú, Quỳnh Như, Minh Ngọc, Thu Hà... đã đoạt nhiều huy chương, giải thưởng lớn tại các đợt liên hoan ca trù toàn quốc. “Kết quả này không chỉ khẳng định nỗ lực gìn giữ báu vật do tổ tiên để lại mà còn là hành trang, động lực để chúng tôi gắn bó với nhịp phách tiếng đàn”, ca nương Phan Thị Sâm khẳng định.
Tâm sự về quá trình bảo tồn ca trù ở Nghi Xuân NNƯT Dương Thị Xanh ví von công việc này cũng trải qua mọi cung bậc hỉ, nộ, ái, ố như chính lời ca của nó. Vào khoảng thời gian trước và sau khi ca trù được UNESCO ghi danh (năm 2009), phong trào dạy và hát ca trù diễn ra rất sôi nổi, thu hút sự tham gia của đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia. Tuy nhiên, những năm sau đó, phong trào lặng xuống. Hiện CLB ca trù Nguyễn Công Trứ giữ được nhịp sinh hoạt tuần hai buổi, còn CLB ca trù Cổ Đạm chỉ sinh hoạt vào dịp hè hoặc khi đi tham dự các liên hoan. Thậm chí, nhiều ca nương đã nổi danh, đang độ chín của sự nghiệp phải dứt tiếng đàn để tìm kế mưu sinh. Dẫu vậy, theo như khẳng định của Chủ nhiệm CLB ca trù Cổ Đạm, Trần Văn Đài, hiện nay tại đất tổ ca trù đang có bốn, năm thế hệ hát được ca trù. Tiếng hát thoạt nghe dù chỉ là y a ngắc ngư, kén người nhưng càng nghe lại càng ngấm Lời ca “trong như tiếng hạc bay qua” từng làm thổn thức không biết bao nhiêu tao nhân, mặc khách nên chỉ cần tạo ra không gian diễn xướng, tiếng hát ấy sẽ mãi ngân vang.
Lịch sử phát triển với bao thăng trầm của huyện Nghi Xuân luôn gắn với những dấu ấn đậm đặc về văn hóa làng, nơi gìn giữ những tinh hoa, di sản văn hóa từ ngàn năm của cha ông như: dân ca ví, giặm, ca trù, trò Kiều… Theo Phó Giám đốc Trung tâm văn hóa truyền thông Nghi Xuân, Nguyễn Thị Cảnh, trước khi ca trù, dân ca ví, giặm được UNESCO vinh danh, phong trào truyền và hát dân ca đã len lỏi khắp mọi ngõ ngách đời sống sinh hoạt của người dân. Từ các CLB dân ca được thành lập trong phong trào xây dựng Làng văn hóa, đến nay huyện Nghi Xuân đã thành lập được 165 CLB văn nghệ dân gian với nhiều loại hình phong phú như ca trù, dân ca ví, giặm, trò Kiều, sắc bùa, chầu văn… Sau khi Hà Tĩnh thực hiện chủ trương đưa dân ca ví, giặm vào trường học, các thế hệ học sinh trên địa bàn đã có cơ hội tiếp cận với dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh bài bản hơn. Hằng năm, huyện Nghi Xuân đều tổ chức hội thi tiếng hát học đường nhằm tạo sân chơi cho các em thể hiện năng khiếu âm nhạc của mình, từ đó phát hiện, bồi dưỡng những học sinh có năng khiếu hát dân ca ví, giặm.
Cứ như thế, theo dòng chảy thời gian, trò Kiều, dân ca ví, giặm tồn tại với cộng đồng và không ngừng phát triển trong đời sống của người dân lao động. Đặc biệt, với việc mạnh dạn bổ sung tiêu chí thứ 11 (mỗi khu dân cư phải có một CLB văn nghệ dân gian) vào bộ tiêu chí xây dựng Khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu, các địa phương đã khơi dậy tiềm năng, khát vọng tiếp nối truyền thống văn hóa quê hương, làm điểm tựa xây dựng Nghi Xuân trở thành huyện nông thôn mới kiểu mẫu điển hình về văn hóa. Để mong ước đó sớm thành hiện thực, theo chia sẻ của các nghệ nhân, trong bối cảnh nhiều loại hình âm nhạc hiện đại đang “nở rộ”, để bảo tồn câu hát cũ, chỉ có nỗ lực của nghệ nhân, ca nương, kép đàn thôi là chưa đủ, cần lắm những cơ chế đãi ngộ tương xứng với giá trị, sức lan tỏa của ca trù, trò Kiều, dân ca ví, giặm đã và đang mang lại.