Về mô hình một cửa tại các đơn vị nhà nước cung cấp dịch vụ công

Nhằm tạo thuận lợi nhất cho người dân khi đến giao dịch tại những đơn vị cung cấp dịch vụ công ích, thành phố Hà Nội đang soạn thảo quy định “Áp dụng cơ chế một cửa, một cửa liên thông (MCLT) trong cung cấp sản phẩm, dịch vụ công (DVC) tại các đơn vị sự nghiệp công lập (SNCL), doanh nghiệp (DN) có vốn nhà nước thuộc thành phố”. Đóng góp vào dự thảo quy định, nhiều ý kiến cho rằng, lợi ích của người dân phải được xác định là mục tiêu cao nhất cần hướng tới trong cải cách hành chính (CCHC) khối doanh nghiệp này.

Giải quyết thủ tục hành chính cho người dân tại Văn phòng Đăng ký đất đai Hà Nội.
Giải quyết thủ tục hành chính cho người dân tại Văn phòng Đăng ký đất đai Hà Nội.

Lấy người dân làm trung tâm

Dự thảo Quy định “Áp dụng cơ chế một cửa, MCLT trong cung cấp sản phẩm, DVC tại đơn vị SNCL, DN có vốn nhà nước thuộc TP Hà Nội” đề ra ba mô hình cho các đơn vị lựa chọn: Thứ nhất, mô hình Bộ phận giao dịch khách hàng là bộ phận cung cấp sản phẩm, DVC độc lập, thuộc đơn vị hoặc một phòng của đơn vị, thực hiện tiếp nhận yêu cầu, giải quyết và trả kết quả cho khách hàng. Thứ hai, mô hình Bộ phận giao dịch khách hàng là bộ phận trung gian thuộc đơn vị hoặc một phòng của đơn vị, thực hiện tiếp nhận yêu cầu rồi chuyển đến phòng chuyên môn giải quyết và nhận, trả kết quả cho cá nhân, tổ chức; hoặc chỉ thực hiện tiếp nhận yêu cầu. Thứ ba, mô hình Bộ phận giao dịch khách hàng đặt tại một cửa của cơ quan hành chính chủ quản, thực hiện tiếp nhận yêu cầu, giải quyết hoặc chuyển đến phòng chuyên môn giải quyết và trả kết quả trực tiếp cho cá nhân, tổ chức.

Với hơn 2.500 đơn vị SNCL cùng rất nhiều DN có vốn nhà nước đang cung cấp sản phẩm, DVC trên địa bàn Hà Nội, hầu hết ý kiến nhận định, cần sớm áp dụng cơ chế một cửa, MCLT trong cung cấp sản phẩm, DVC tại các đơn vị này, nhằm hướng tới mục tiêu chung của CCHC và các mục tiêu cụ thể tại từng đơn vị. Một nguyên tắc quan trọng khi thực hiện cơ chế này được đề xuất là “thủ tục DVC phải đơn giản, rõ ràng, đúng pháp luật; việc cung cấp DVC nhanh chóng, thuận tiện, khách quan, công bằng; việc yêu cầu bổ sung hồ sơ chỉ được thực hiện không quá một lần trong suốt quá trình giải quyết hồ sơ tại một đơn vị”.

Trưởng phòng Tổ chức - Hành chính Trường cao đẳng nghề công nghiệp Hà Nội Nguyễn Thị Hường nhận định: Đối với các trường cao đẳng, đại học, đối tượng phục vụ chủ yếu là giáo viên, sinh viên, nếu thực hiện cơ chế một cửa sẽ rất tiện cho cả cán bộ và giáo viên, sinh viên, phù hợp xu hướng chung về cải cách TTHC. Bởi, khi có một cửa, mọi lĩnh vực chuyên môn sẽ phải cử người trực ở đó, như: Phòng Tổ chức cử cán bộ tiếp nhận và trả hồ sơ cho cán bộ giáo viên về hưu; Phòng Đào tạo sinh viên phân công cán bộ trả kết quả thi cho sinh viên, trả lời thắc mắc, giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) thôi học, thi lại… “Bất kỳ đơn vị SNCL hay DN có vốn nhà nước nào có phát sinh DVC, mà DVC đó xuất phát từ yêu cầu của người dân hay nhu cầu chung của xã hội, thì đều cần thiết đưa ra áp dụng tại một cửa, đó là quan điểm của Phó Chánh thanh tra Sở Nội vụ Hà Nội Lưu Kiếm Anh. Theo đồng chí Lưu Kiếm Anh, khi áp dụng quy định mới về CCHC phải lấy nguyên tắc “đặt người dân vào trung tâm”. Dù áp dụng một cửa có làm phát sinh chi phí hay ảnh hưởng quản lý nhà nước, nhưng nếu thấy lợi ích mang lại cho người dân là lớn hơn, thì nên làm. Song, nếu người dân chỉ hưởng lợi rất ít hoặc không hưởng gì, thì nên tính toán lại. Bên cạnh đó, cần theo nguyên tắc “công khai, minh bạch và bảo đảm quản lý của Nhà nước”.

Lãnh đạo Sở Nội vụ Hà Nội cho rằng, với các văn phòng đăng ký nhà đất, hoặc Cảnh sát phòng cháy chữa cháy (lĩnh vực thỏa thuận về dịch vụ PCCC)…, tức là những đơn vị sự nghiệp có nét tương đồng khối hành chính ở sản phẩm, DVC, thì có thể áp dụng ngay một cửa, MCLT trong cung cấp sản phẩm, dịch vụ. Tuy nhiên, với các đơn vị không thuộc nhóm “đơn vị SNCL có nét tương đồng với khối hành chính ở sản phẩm, DVC” thì cần cân nhắc về chức năng nhiệm vụ của từng đơn vị, vì sản phẩm đầu ra của họ hiện rất đa dạng. Trong đó, cần xác định, đơn vị nào phải áp dụng ngay, đơn vị nào áp dụng có điều kiện… Phó Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Ngô Anh Tuấn nhấn mạnh: “Quan điểm của thành phố là muốn CCHC, nhất thiết phải có áp lực thì các cơ quan, đơn vị mới quyết tâm làm, chứ nếu chỉ khuyến khích họ tự làm, thì rất khó đạt mục tiêu”.

Chú trọng đặc thù từng đơn vị

Mặc dù nhận thức tính cấp thiết phải ban hành quy định này, song nhiều ý kiến cho rằng, cần tính toán kỹ về đặc thù của các đơn vị. Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Chiếu sáng và thiết bị đô thị Nguyễn Anh Tuấn phản ánh: Mặc dù Công ty Chiếu sáng và thiết bị đô thị là DN công ích, nhưng khách hàng trực tiếp giao dịch với DN lại là các đơn vị chính quyền, như Sở Xây dựng, UBND quận… Vì vậy, việc thu thập giải quyết thông tin linh hoạt hơn, người dân có thể phản ánh qua đường dây nóng, trang web, hay đến chi nhánh ở quận, huyện để giải quyết các vấn đề liên quan chiếu sáng… tại chính khu vực đó, mà không nhất thiết phải lên tận trụ sở công ty để phản ánh. Phó Trưởng phòng Tổ chức hành chính Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh Hà Nội Trần Văn Dũng đề nghị, quy định đưa ra nên dễ hiểu về từ ngữ và đơn giản về thủ tục, để không vướng mắc cho người dân khi thực hiện.

Theo lãnh đạo Sở Nội vụ Hà Nội, cơ quan này sẽ tiếp tục khảo sát trực tiếp và lấy ý kiến đóng góp từ những đơn vị khác (mang tính chất đại diện cho các nhóm đơn vị SNCL và DN có vốn nhà nước) để hoàn thiện dự thảo, trình UBND thành phố ban hành dự kiến vào cuối năm nay. Với tư cách cơ quan chủ trì soạn thảo, Sở sẽ tính toán chi tiết từ sản phẩm đầu ra và lĩnh vực hoạt động của các đơn vị để đề xuất một mô hình có nội dung phù hợp hơn với các đơn vị. Trước mắt, sẽ thống kê, rà soát tổng số cơ quan, đơn vị cần áp dụng cơ chế này, phương thức và loại hình cung cấp DVC, để từ đó xem xét bộ phận DVC nào trong từng đơn vị có thể đưa ra giải quyết tại một cửa. Cụ thể, đó là những DVC liên quan quyền lợi thiết yếu của khách hàng, mà sản phẩm có thể lượng hóa, cụ thể hóa bằng hồ sơ, thời gian giải quyết; đồng thời, có thể quản lý chặt chẽ…