Về miền hoa, cây kiểng Sa Đéc

Trải qua những thăng trầm, không ít khó khăn, nghề trồng hoa, cây kiểng và Làng hoa Sa Đéc (Đồng Tháp) vẫn không ngừng phát triển. Để rồi mỗi khi về miền hoa, cây kiểng nơi này, trong mỗi chúng ta luôn có nhiều cảm xúc khó tả…
0:00 / 0:00
0:00
Chăm sóc hoa tại Làng hoa Sa Đéc để phục vụ Festival hoa, cây kiểng.
Chăm sóc hoa tại Làng hoa Sa Đéc để phục vụ Festival hoa, cây kiểng.

Nghề trồng hoa, cây kiểng đã có từ lâu nhưng có lẽ ít du khách biết nhiều về nghề này. Khi các điểm tham quan du lịch được mở ra phục vụ thì nghề hết sức đặc trưng ở Sa Đéc này đã mang đến cho du khách những trải nghiệm thú vị.

Về miền hoa, cây kiểng Sa Đéc, một nhà nông chuyên sản xuất hoa, cây kiểng mà chúng tôi có dịp trò chuyện là anh Phạm Thanh Tâm, chủ Khu du lịch Cánh đồng hoa hồng Sa Đéc. Trước đây, anh Tâm chỉ sản xuất, kinh doanh hoa, cây kiểng. Sau này, gia đình anh được chính quyền địa phương vận động phát triển mở điểm tham quan du lịch.

Anh Tâm chia sẻ: “Khi ấy tôi nhận thấy lời động viên của địa phương phù hợp với những người trồng hoa, cây kiểng như tôi, vì cây và hoa mình trồng vừa bán được “cái dòm” (cái nhìn) cho du khách, vừa bán được sản phẩm, góp phần tăng thu nhập cho gia đình mình”.

Chia sẻ với chúng tôi, anh Tâm không nói nhiều về lịch sử trồng hoa, anh cũng không nói nhiều về giá cả các mặt hàng hoa, cây kiểng. Điều mà chúng tôi bắt gặp là trong ánh mắt của anh rạng ngời niềm tin, niềm hạnh phúc khi Festival hoa, cây kiểng sắp diễn ra ở xứ mình.

Anh Tâm cho biết: “Tôi chờ đón ngày này từ lâu lắm rồi. Festival là một lễ hội vừa đặc biệt, vừa thiêng liêng với chúng tôi. Những ngày này, tôi nhớ về người thân, gia đình mình. Nhớ về làng quê mình ngày trước bán bông (hoa). Đó là cảnh mua bán hoa, cây kiểng của bà con Làng hoa Sa Đéc. Dưới sông có ghe bán bông, xuồng bán bông”.

Chính vì vậy mà anh Tâm muốn tái hiện lại. Trước tiên, anh cho tái hiện, trải nghiệm nghề đan bội tre trồng hoa, vì trước đây nông dân trồng hoa bằng bội tre chứ không phải bội nhựa như bây giờ. Ngày nay, phần lớn thương lái vận chuyển hoa, cây kiểng bằng xe ô-tô tải, nhưng cảnh mua bán hoa trên bến dưới thuyền là hình ảnh, ký ức đẹp. Để tái hiện lại, dịp Festival sắp tới, Khu du lịch Cánh đồng hoa hồng Sa Đéc sẽ đưa cảnh mua bán hoa, cây kiểng xuống dòng sông. Anh Tâm cũng cho biết nhân viên và người dân trong xóm sẽ đến phụ anh tiếp bán hoa, cây kiểng cho du khách…

Đến miền hoa, cây kiểng Sa Đéc, chúng tôi còn được nghe những câu chuyện về sự trao truyền nghề của các thế hệ, về những mong muốn của người nông dân trồng hoa, cây kiểng với khát vọng vươn xa.

Ông Nguyễn Phước Lộc, Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh thành phố Sa Đéc cho biết: “Nông dân thành phố Sa Đéc chúng tôi rất trông chờ Festival hoa, cây kiểng, một sự kiện làm nức lòng bà con Sa Đéc. Hội Sinh vật cảnh thành phố Sa Đéc có Câu lạc bộ Bon sai. Tôi mong muốn sẽ đào tạo các nghệ nhân có tay nghề rồi đi xuất khẩu lao động. Từ việc đi làm công này, các nghệ nhân sẽ học được những cách làm “nét sửa” tạo dáng ở nước ngoài để khi trở về nước, mình thành lập liên hiệp hợp tác xã sản xuất cây bon-sai đúng yêu cầu của nước có nhu cầu về cây bon-sai của Sa Đéc. Tôi mơ ước biến vùng trồng hoa, cây kiểng Sa Đéc trở thành nơi sản xuất cây, phôi để cung cấp cho nước ngoài”.

Về miền hoa, cây kiểng Sa Đéc lần này, chúng tôi có dịp nghe những ý kiến, mong muốn của lãnh đạo các ngành, các cấp về sự kiện Festival hoa, cây kiểng Sa Đéc sắp được diễn ra tại “thủ phủ” hoa, cây kiểng miền Tây Nam Bộ. Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Sa Đéc Võ Thị Bình cho biết, để có được một Festival hoa, cây kiểng lần đầu này, Sa Đéc đã chuẩn bị suốt một thời gian dài. Trong công tác chỉnh trang đô thị, thành phố đã nâng cấp một số tuyến đường trung tâm, quảng trường, nhất là đường hoa Sa Nhiên-Cai Dao.

Festival hoa, cây kiểng Sa Đéc được nhiều người kỳ vọng sẽ là cơ hội để nâng tầm đời sống văn hóa, tinh thần người dân Làng hoa Sa Đéc trong thời gian tới. Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp Huỳnh Minh Tuấn cho biết, Festival hoa, cây kiểng Sa Đéc cũng là dịp để nâng cao chuỗi giá trị ngành hàng hoa, cây kiểng kết hợp với phát triển du lịch, tạo điều kiện để mọi người dân đều được thụ hưởng lợi ích từ làng hoa, qua đó góp phần quảng bá hình ảnh Làng hoa Sa Đéc.

Làng hoa Sa Đéc được xem là tài sản quý không chỉ của tỉnh Đồng Tháp mà còn của cả đồng bằng sông Cửu Long. “Gia sản” ấy rất quý cho tương lai thế hệ sau này. Nhìn về đường hoa Sa Nhiên-Cai Dao, nhìn về những khu, điểm du lịch, những ruộng hoa, sẽ nhận ra sự kết hợp vừa hài hòa, vừa tự nhiên, vừa chan chứa nhiều cảm xúc, ân tình giữa chính quyền địa phương với người dân trồng hoa.

Nghề trồng hoa có trước làng hoa và đã tồn tại 300 năm. Từ sự trăn trở, sự vào cuộc của chính quyền địa phương, của người nông dân để rồi phát triển được làng hoa như ngày nay. Vậy là tiếng lành lại đồn xa, để mỗi khi Tết đến, Xuân về, du khách trong nước và quốc tế lại trở về miền Sa Đéc, về với làng hoa, với con đường hoa Sa Nhiên-Cai Dao khoe sắc quanh năm…

Festival hoa, cây kiểng Sa Đéc diễn ra từ ngày 30/12/2023 đến 5/1/2024 tại thành phố Sa Đéc với chủ đề “Tình đất-Tình hoa”. Festival diễn ra các hoạt động như: Hội thảo nâng cao chuỗi giá trị ngành hàng hoa, cây kiểng; hội nghị kết nối giao thương các sản phẩm hoa, cây kiểng; hội thi thời trang hoa với chủ đề “Sắc hoa bên dòng Sa Giang”; hội thi ảnh đẹp “Tình đất-Tình hoa”; phiên chợ hoa, cây kiểng; triển lãm sinh vật cảnh đồng bằng sông Cửu Long; chương trình tour du lịch trải nghiệm… Hiện, thành phố Sa Đéc có 950 ha diện tích trồng hoa, cây kiểng, riêng hoa hồng có khoảng 200 ha với nhiều chủng loại mới lạ. Kinh phí thực hiện các lễ hội hoa, cây kiểng tại thành phố Sa Đéc phần lớn từ nguồn xã hội hóa.