Về kháng cáo quá hạn và việc thông báo kháng cáo, kháng nghị

Về việc kháng cáo quá hạn, tại khoản 2 Điều 209 BLTTHS năm 1988 chỉ quy định: Tòa án cấp phúc thẩm xét lý do kháng cáo quá hạn và ra quyết định chấp nhận hoặc không chấp nhận mà không quy định việc xét đó như thế nào. Do đó, trong thực tiễn thi hành không được thống nhất. Mặc dù đã có hướng dẫn của các ngành Trung ương, nhưng thông thường Tòa án cấp phúc thẩm thành lập HĐXX để xét lý do kháng cáo quá hạn trong trường hợp nếu vụ án đó chỉ có một bị cáo, còn trong trường hợp có nhiều bị cáo, có bị cáo kháng cáo quá hạn, có bị cáo kháng cáo trong hạn luật định thì việc xét kháng cáo quá hạn này được tiến hành tại phiên tòa phúc thẩm. Để bảo đảm thống nhất, tuân theo đúng trình tự này tại khoản 2 Điều 235 BLTTHS năm 2003 đã được sửa đổi bổ sung như sau: Tòa án cấp phúc thẩm thành lập HĐXX gồm ba thẩm phán để xét lý do kháng cáo quá hạn. HĐXX có quyền ra quyết định chấp nhận hoặc không chấp nhận việc kháng cáo quá hạn. Như vậy, kể từ ngày BLTTHS năm 2003 có hiệu lực thi hành (ngày 1-7-2004) thì khi có kháng cáo quá hạn, Tòa án cấp phúc thẩm phải thực hiện đúng theo quy định tại khoản 2 Điều 235 BLTTHS năm 2003. Chỉ trong trường hợp chấp nhận kháng cáo quá hạn mới mở phiên tòa phúc thẩm xét xử đối với bị cáo đó như đối với bị cáo có kháng cáo trong thời hạn luật định.

Về việc thông báo kháng cáo, kháng nghị , Điều 210 BLTTHS năm 1988 quy định thông báo về việc kháng cáo, kháng nghị còn quá chung chung, đặc biệt là không quy định thời hạn thông báo. Người được thông báo về việc kháng cáo, kháng nghị có quyền gửi ý kiến của mình cho Tòa án cấp phúc thẩm nhưng không quy định ý kiến về vấn đề gì. Ý kiến của họ có giá trị như thế nào? Để khắc phục những thiếu sót này, Điều 236 BLTTHS năm 2003 đã sửa đổi, bổ sung như sau:

Việc kháng cáo, kháng nghị phải được Tòa án cấp sơ thẩm thông báo bằng văn bản cho Viện Kiểm sát cùng cấp và những người tham gia tố tụng trong thời hạn bảy ngày, kể từ ngày nhận được kháng cáo, kháng nghị.

Người được thông báo về việc kháng cáo, kháng nghị có quyền gửi văn bản nêu ý kiến của mình về nội dung kháng cáo, kháng nghị cho Tòa án cấp phúc thẩm. Ý kiến của họ được đưa vào hồ sơ vụ án.

Có thể nói đây là những sửa đổi quan trọng, khắc phục những thiếu sót mà BLTTHS năm 1988 không quy định cụ thể, tránh áp dụng tùy tiện trong việc thi hành BLTTHS.

Có thể bạn quan tâm