Vẻ đẹp tam giác mạch

Nhóm "Tam giác mạch" vừa trở lại với người yêu mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh bằng triển lãm lần thứ 4 kể từ khi thành lập. Vẫn với chất liệu sơn mài truyền thống, triển lãm Tam giác mạch 4 lần này tiếp tục mang đến cho người thưởng lãm nhiều cảm xúc bởi vẻ đẹp và sức sống toát lên từ gần 100 tác phẩm được trưng bày.
0:00 / 0:00
0:00
Khán giả xem tranh tại triển lãm Tam giác mạch 4.
Khán giả xem tranh tại triển lãm Tam giác mạch 4.

"Tam giác mạch" được thành lập từ năm 2019, triển lãm ra mắt lần đầu vào năm này tại Bảo tàng Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh. Lần hai năm 2021, nhóm triển lãm tại nhà Triển lãm Mỹ thuật Hội Mỹ thuật Việt Nam, số 16 Ngô Quyền và lần ba tại Bảo tàng Mỹ thuật Hà Nội.

Nhóm ban đầu có ba họa sĩ nam và một họa sĩ nữ: Ngô Văn Cao, Trần Quang Hải, Nguyễn Trường Linh, Trịnh Quế Anh, hình dung như một bông hoa tam giác mạch ba cánh, ở giữa là nhụy vàng. Cả bốn anh em đều yêu hoa, yêu vùng đất thần tiên mênh mông phía tây bắc Tổ quốc. Tất cả đều say nghề, đặc biệt là sơn mài truyền thống, lấy hình tượng hoa tam giác mạch bởi sự bền bỉ của hoa nơi thượng ngàn, dầu dãi nhưng vẫn hiến dâng cho đời vẻ đẹp thanh nhã, qua đó thể hiện tinh thần của nhóm dành cả cuộc đời để hiến dâng cho hội họa.

Họa sĩ Trần Quang Hải chia sẻ, triển lãm tại Thành phố Hồ Chí Minh lần này anh như được trở về nhà, nơi anh từng có thời gian dài sinh sống và sáng tác. "Mỗi họa sĩ đến với triển lãm Tam giác mạch 4 đều có tư duy, tố chất khác nhau; dù vậy, tất cả đều được sống, giãi bày, được truyền tải tình cảm của mình qua tác phẩm, đó là điều hạnh phúc nhất", họa sĩ Trần Quang Hải bày tỏ.

Với sự góp mặt của ba họa sĩ Trần Quang Hải, Nguyễn Trường Linh và Trịnh Quế Anh, triển lãm trưng bày gần 100 bức sơn mài lớn nhỏ; trong đó, có nhiều tác phẩm mới, hy vọng đáp ứng được phần nào nhu cầu thưởng ngoạn của bạn bè gần xa cùng đồng nghiệp và những người quan tâm đến nghệ thuật tạo hình, đặc biệt là chất liệu sơn mài truyền thống. Cùng sử dụng chất liệu sơn mài, nhưng ba họa sĩ mang đến ba phong cách khác nhau, đều phát huy được thế mạnh của mình.

Theo họa sĩ Trần Quang Hải, sơn mài truyền thống đã "chung thân" với anh từ lâu. Anh mang đến triển lãm những tác phẩm mang phong cách đặc trưng riêng của mình. Đó là những tác phẩm khổ lớn với lối tạo hình mảng miếng ước lệ, đơn giản, nhiều ẩn dụ. Họa sĩ sử dụng bút pháp tự do phóng túng theo phong cách biểu hiện ý niệm, dùng khối hình và đường nét khái quát để diễn đạt và suy tôn tình yêu cuộc sống, nét đẹp vĩnh hằng của người phụ nữ cùng niềm hân hoan và hạnh phúc đời thường lên một cung bậc cao hơn như một khát vọng, một giấc mơ.

Khác với họa sĩ Trần Quang Hải, họa sĩ Nguyễn Trường Linh lại hướng tình yêu của mình tới con người, phong cảnh thiên nhiên, các dấu tích văn hóa cổ như một suy tôn, một hoài niệm. Ở đó con người được hòa trộn một cách nhẹ nhàng, bảng lảng vào toàn cảnh tựa như làn khói trong sắc thái thiền. Họa sĩ biểu đạt ý tưởng của mình bằng các mảng hình, mầu, nét đan xen nhẹ nhàng, mềm mại như dẫn dắt người xem, cuốn hút cảm xúc của họ vào tác phẩm của mình.

Họa sĩ Nguyễn Trường Linh cho biết: Anh mang đến triển lãm lần này nhiều bức tranh mới sáng tác trong năm 2023 và 2024. Thiên nhiên đóng vai trò quan trọng trong cuộc sống, giúp con người cảm nhận những điều tuyệt vời nhất khi hòa mình vào đó. "Tuy vậy, chính con người cũng phá hoại thiên nhiên. Vì thế, hầu hết các tác phẩm của tôi là những câu chuyện giữa thiên nhiên và con người", họa sĩ Nguyễn Trường Linh tâm sự.

Là nữ họa sĩ duy nhất của nhóm Tam giác mạch, họa sĩ Trịnh Quế Anh mang đến 35 bức tranh về phong cảnh, thiên nhiên, con người. Với bút pháp hiện thực, nữ họa sĩ đưa người xem đến với những phong cảnh thiên nhiên rất thân quen và ngọt ngào bởi cách nhấn nhá sáng, tối và mầu sắc thật nhẹ nhàng, ấm áp, đầy nữ tính. Xem tranh của chị, cảm thấy như được trở về với ngôi nhà đầy tình thương yêu của mình.

Theo họa sĩ Trịnh Quế Anh, trong 35 bức tranh giới thiệu đến người yêu tranh tại Thành phố Hồ Chí Minh, có 20 bức tranh mới lần đầu triển lãm. Đây là một sự nỗ lực rất lớn của chị. Họa sĩ Trịnh Quế Anh cho biết thêm: So với họa sĩ nam, họa sĩ nữ có nhiều khó khăn để đeo đuổi niềm đam mê của mình khi họ bị chi phối nhiều bởi các mối quan hệ trong cuộc sống. Để những họa sĩ nữ có thể thỏa sức sáng tác đòi hỏi sự động viên, thông cảm và hỗ trợ rất nhiều từ gia đình, người thân.

Họa sĩ Lê Xuân Chiểu, Phó Chủ tịch Hội Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Ba tác giả, ba phong cách nhưng cùng một niềm say mê ngợi ca vẻ đẹp tình yêu, phong cảnh và cuộc sống con người bằng chất liệu sơn ta lộng lẫy mà sâu lắng. Qua triển lãm lần này, ông cảm phục sức lao động của ba họa sĩ, đặc biệt là khi cả ba họa sĩ đều giữ được cái hồn của chất liệu sơn mài truyền thống, mang đặc trưng sơn mài miền bắc.

Với sự lao động nghiêm túc, đầy đam mê, sáng tạo, triển lãm Tam giác mạch 4 sẽ là một điểm nhấn về hoạt động mỹ thuật tại Thành phố Hồ Chí Minh trong tháng 10 này; đồng thời, đây sẽ là điểm hẹn của những người yêu hội họa khi muốn tìm những phút giây lắng đọng trong thế giới lung linh của sắc mầu.