Ðây cũng là hoạt động trong khuôn khổ Năm Việt Nam tại LB Nga và Năm LB Nga tại Việt Nam (2019 - 2020), kỷ niệm 25 năm ký Hiệp ước về những nguyên tắc cơ bản của quan hệ hữu nghị Việt Nam - LB Nga và 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước.
Nói đến nước Nga, những người Việt Nam từng học tập, lao động nơi đây đều coi đó như quê hương thứ hai với bao kỷ niệm đẹp đẽ về một thời thanh xuân đầy khát khao, ước vọng. Kể cả những ai chưa đặt chân tới xứ sở bạch dương thì qua các tác phẩm văn học nghệ thuật, các món quà, vật dụng mang dấu ấn Nga... đều cảm nhận nước Nga để lại dấu ấn quan trọng trong đời sống văn hóa, tinh thần. Ðó chính là lý do mà các cuộc triển lãm mỹ thuật, nhiếp ảnh về nước Nga luôn được người Việt Nam quan tâm đặc biệt.
Trong ngày 1-11, tại Hà Nội, triển lãm ảnh "Nơi ấy nước Nga" và triển lãm mỹ thuật "Nghi lễ cưới của các dân tộc Nga" cùng được khai mạc. Triển lãm ảnh "Nơi ấy nước Nga" do Hội Hữu nghị Việt - Nga phối hợp Hội Hữu nghị Nga - Việt, Tạp chí Bạch Dương tổ chức tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam. Triển lãm trưng bày gần 150 bức ảnh của năm tác giả là các nhà báo: Vũ Huyến, Nguyễn Ðăng Phát, Lê Phúc Nguyên, Phạm Tiến Dũng và Nguyễn Vinh Quang. Họ đều từng học tập tại Nga, khi về nước đã trưởng thành từ vị trí phóng viên đến lãnh đạo tại nhiều cơ quan báo chí. Phần lớn ảnh triển lãm thuộc thể loại ảnh báo chí, phản ánh những sự kiện quan trọng trong quan hệ hữu nghị, hợp tác toàn diện giữa hai nước Việt - Nga, như: chuyến bay vũ trụ phối hợp Việt Nam - Liên Xô năm 1980 của Anh hùng Phạm Tuân và nhà du hành Liên Xô Vích-to Go-rơ-bát-cô, chuyến thăm Liên Xô (trước đây) của Phó Tổng Tư lệnh các lực lượng vũ trang giải phóng miền nam Nguyễn Thị Ðịnh năm 1974...
Bên cạnh đó là những tác phẩm ảnh nghệ thuật, miêu tả chân dung con người, phong cảnh thiên nhiên Nga tươi đẹp và hồn hậu. Có rất nhiều tác phẩm tạo ấn tượng với người xem. Tác phẩm "Hoàng hôn trên Biển Ðen ở Xô-chi" của tác giả Phạm Tiến Dũng như một bức tranh đầy lãng mạn và bí ẩn với những bóng người câu cá, mỗi người một dáng vẻ, mặt trời như chiếc đèn lồng treo trên cao, xa xa là ngọn hải đăng. Tác phẩm "Một góc cung điện Pi-e" của tác giả Nguyễn Ðăng Phát lại miêu tả những hình khối, sắc mầu nguy nga, tráng lệ mang dấu ấn quá khứ. Tác phẩm "Tiếp bước cha anh" của tác giả Lê Phúc Nguyên thu hút bởi hình ảnh những người lính Nga mạnh mẽ.
Triển lãm mỹ thuật với chủ đề "Nghi lễ cưới của các dân tộc Nga" do Bảo tàng Bảo tồn lịch sử - kiến trúc và nghệ thuật quốc gia Y-ê-la-bu-ga phối hợp Trung tâm Khoa học và Văn hóa Nga và Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam tổ chức. Có 30 tác phẩm mỹ thuật của 20 nghệ sĩ đến từ 15 thành phố và chín nước cộng hòa của LB Nga được trưng bày. Ðây đều là những tác phẩm xuất sắc nhất tại Hội nghị chuyên đề nghệ thuật quốc tế lần thứ 14 về nghệ thuật đương đại với chủ đề "Nghi lễ cưới" do Bảo tàng Bảo tồn lịch sử - kiến trúc và nghệ thuật quốc gia Y-ê-la-bu-ga tổ chức. Hầu hết tác phẩm được vẽ trên chất liệu sơn dầu, mầu nước, a-cry-lích... nội dung tập trung miêu tả những nét độc đáo trong nghi lễ cưới truyền thống của một nước Nga đa sắc tộc, đa văn hóa. Thông qua đó, người xem cảm nhận được bản sắc về phong tục, văn hóa, tinh thần nhân văn cũng như giá trị gắn kết bền chặt trong mối quan hệ gia đình, cộng đồng để cùng tôn vinh giá trị vĩnh cửu của tình yêu và hòa bình trên đất nước Nga.
Công chúng Việt Nam đến xem triển lãm tỏ ra bất ngờ khi thấy những nét tương đồng trong văn hóa Việt Nam - Nga. Có bức tranh đặc tả cảnh các bạn gái quây quần bên cô dâu, thực hiện nghi lễ tháo bím tóc. Cô dâu lúc đó khóc tạm biệt bạn bè, tạm biệt thời con gái, còn các bạn tết tóc cho cô thành hai bím, đội thêm chiếc mũ mang biểu tượng một người phụ nữ đã có chồng. Có cả tranh về chú rể lần đầu xuất hiện bên nhà gái, cũng thực hiện nghi thức "trả tiền chuộc", mang theo quà và các đồ chiêu đãi, còn trẻ em thì ngăn đường để nhận bánh kẹo từ chú rể. Một trong những hành động quen thuộc khác trong đám cưới hiện đại là cô dâu tung bó hoa cưới cho những người bạn gái chưa lập gia đình.
Qua triển lãm này, người xem bắt gặp hình ảnh ấy từ xa xưa, trong đám cưới truyền thống của Nga với quan niệm đồ đạc của cô dâu có thể mang lại may mắn và hạnh phúc cho các cô gái trẻ. Bà M. Da-cốp-xcay-a, Phó Tổng Giám đốc Bảo tàng Y-ê-la-bu-ga chia sẻ: "Cùng với mong muốn giới thiệu tới công chúng Việt Nam hình ảnh nước Nga qua nghi lễ cưới, chúng tôi còn muốn mời các họa sĩ Việt Nam tham gia vào các dự án quốc tế, đồng thời mong muốn được đón tiếp các bạn tại Hội nghị chuyên đề nghệ thuật đương đại vào năm 2020 nhân dịp kỷ niệm 100 năm thành lập Cộng hòa Ta-tác-xtan của LB Nga".
Ngoài ý nghĩa văn hóa, các triển lãm mỹ thuật, nhiếp ảnh về đất nước Nga đang diễn ra sôi nổi tại Việt Nam còn là dấu mốc quan trọng của nền tảng mối quan hệ nồng thắm giữa hai nước, từ đó công chúng Việt Nam thêm yêu quý, trân trọng và không ngừng vun đắp cho tình hữu nghị Việt Nam - LB Nga.