Về đất thiêng Truông Bồn

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Truông Bồn được gọi là "túi bom", là "tọa độ lửa" bởi hàng chục nghìn quả bom Mỹ trút xuống, nhằm cắt đứt con đường huyết mạch kết nối hậu phương miền bắc với tiền tuyến miền nam. Một buổi sáng cách đây 56 năm, ngày 30/10/1968, khi làm nhiệm vụ san lấp hố bom, 13 trong số 14 thanh niên xung phong thuộc Tiểu đội 2, Ðại đội 317, Ðội 65, Tổng đội Thanh niên xung phong Nghệ An đã anh dũng hy sinh. Các anh, chị, người trẻ tuổi nhất vừa tròn 17, người nhiều tuổi nhất cũng mới 22.
0:00 / 0:00
0:00
Làng nghề sản xuất bánh đa ở thị trấn Ðô Lương, huyện Ðô Lương, tỉnh Nghệ An.
Làng nghề sản xuất bánh đa ở thị trấn Ðô Lương, huyện Ðô Lương, tỉnh Nghệ An.

Trở lại Truông Bồn, một ngày cuối tháng 9, bên quán nhỏ ven đường, chúng tôi nhấm nháp vị chát ngọt trong bát trà xanh đậm tình xứ Nghệ, cảm nhận tiết trời ở vùng bán sơn địa. Làn gió nhẹ mang theo hương tràm thoang thoảng trong những câu chuyện không thể quên ở vùng đất một thời khói lửa…

Ký ức huyền thoại

Ðầu năm 1965, chiến lược "chiến tranh đặc biệt" của đế quốc Mỹ đứng trước nguy cơ thất bại hoàn toàn, Tổng thống Johnson quyết định chuyển sang thực hiện chiến lược "chiến tranh cục bộ", đưa quân trực tiếp tham chiến ở miền nam Việt Nam, đồng thời sử dụng lực lượng không quân và hải quân mở rộng chiến tranh ra miền bắc.

Truông Bồn nằm trên Tuyến đường 15A, hay còn gọi là Ðường 30, có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng, là nơi duy nhất nối các huyết mạch giao thông: Mốc số 0, Quốc lộ 1A, Ðường 7, Ðường 34, chi viện sức người, sức của từ hậu phương lớn miền bắc tới tiền tuyến miền nam.

Nắm được vị trí chiến lược của Truông Bồn, đế quốc Mỹ đã thực hiện kế hoạch ném bom hủy diệt, hòng cắt đứt "mạch máu" giao thông của ta. Trên vùng trời Ðô Lương liên tục có máy bay do thám quần lượn.

Ngày cao điểm, máy bay Mỹ đánh phá lên tới 131 lần. Truông Bồn suốt ngày đêm không ngớt tiếng bom đạn. Chỉ trong giai đoạn 1964-1968, không quân Mỹ đã trút xuống Truông Bồn hơn 18.936 quả bom các loại và hàng nghìn tên lửa, rốc-két.

Trong khói lửa đạn bom ác liệt, ranh giới mong manh giữa sự sống và cái chết, hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ, dân công hỏa tuyến và người dân đã kiên cường bám trụ, mưu trí, chiến đấu dũng cảm với quyết tâm sắt đá "tim có thể ngừng đập nhưng đường không thể tắc"; "sống bám cầu, bám đường; chết kiên cường dũng cảm".

Trong cuộc chiến khốc liệt này, có 1.240 cán bộ, chiến sĩ đã dũng cảm chiến đấu và hy sinh tại Truông Bồn; trong đó, sự hy sinh bi tráng của 13/14 thanh niên xung phong (11 nữ, hai nam) quê ở các huyện Yên Thành, Quỳnh Lưu, Ðô Lương, Diễn Châu và Hưng Nguyên thuộc Tiểu đội 2, Ðại đội 317, Ðội 65, Tổng đội Thanh niên xung phong Nghệ An, trong một trận bom Mỹ trút xuống vào rạng sáng 31/10/1968, khi chỉ còn vài giờ nữa là lệnh ngừng ném bom miền bắc có hiệu lực.

Buổi sáng hôm ấy, Ðại đội Thanh niên xung phong vừa sửa đường, vừa đứng làm cọc tiêu trong sương mù cho từng chuyến xe qua, tránh những chỗ lầy thụt và bờ vực. Khi chuyến xe cuối cùng vừa qua khỏi thì tiếng kẻng báo động vang lên. Khoảng 6 giờ 10 phút, một tốp máy bay địch điên cuồng trút những trận mưa bom xuống Truông Bồn.

Tiểu đội 14 người bị trúng bom, chỉ cứu được Tiểu đội trưởng Trần Thị Thông. Trong những vật chứng còn lại, có mảnh giấy báo nhập học Trung cấp Y Nghệ An ghi tên Vũ Thị Hiên... Các anh, chị đã anh dũng hy sinh khi bao nhiêu dự định còn dở dang, bao nhiêu ước mơ chưa thành hiện thực…

Ghi nhận sự cống hiến và hy sinh oanh liệt của các chiến sĩ Truông Bồn, tiêu biểu là 13 chiến sĩ thanh nhiên xung phong Tiểu đội 2 - "Tiểu đội thép", ngày 23/9/2008, Chủ tịch nước đã ký quyết định phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho Tập thể 14 chiến sĩ Thanh niên xung phong Truông Bồn.

Trước đó, ngày 12/1/1996, Truông Bồn được công nhận Di tích lịch sử quốc gia. Khu di tích lịch sử quốc gia Truông Bồn hôm nay trở thành biểu tượng lịch sử của Thanh niên xung phong Việt Nam, địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cách mạng, tinh thần yêu nước cho các thế hệ trẻ; là điểm thăm viếng của người dân, du khách trong nước và quốc tế mỗi khi có dịp về với Nghệ An.

Về đất thiêng Truông Bồn ảnh 1

Tỉnh Nghệ An đặt mục tiêu đến năm 2045, Ðô Lương là đô thị phát triển toàn diện, văn minh, hiện đại.

Hồi sinh "tọa độ lửa"

Chiến tranh đã lùi xa, mảnh đất Truông Bồn một thời chìm trong mịt mù khói lửa của đạn bom, nay khoác lên mình một diện mạo của vùng đất phát triển với hình ảnh nông thôn mới "sáng-xanh-sạch-đẹp". Ðường 15A lịch sử, giờ đã được mở rộng, trở thành tuyến quốc lộ liên tỉnh, có vai trò hết sức quan trọng đối với kinh tế-xã hội khu vực miền trung và Tây Nguyên.

Ngay trên chính mảnh đất bom đạn cày xới năm nào, nhiều mô hình kinh tế của người dân địa phương đã hình thành, phát triển. Cùng đồng chí Hoàng Văn Trung, Bí thư Ðoàn Thanh niên xã Mỹ Sơn thăm trang trại của gia đình ông Hoàng Kim Liêu, dưới chân núi Cu Cu (Xóm 7) nghe câu chuyện khai hoang vùng đất cỗi.

Năm 1994, gia đình ông cùng năm gia đình khác vào đây khai hoang làm trang trại. "Hồi đó, sợ nhất là bom còn sót lại", hướng mắt về phía đồi tràm, ông Liêu nhớ lại. "Có sức người sỏi đá cũng thành cơm", từ những nhát cuốc khai hoang ngày đầu, giờ đây, gia đình ông sở hữu trang trại trù phú, với 5 ha tràm, đàn lợn hơn 200 con, đàn dê, ao cá...

Hay ở Xóm 7, gia đình ông Nguyễn Văn Trung đã thành công với mô hình nuôi dúi thương phẩm và cung cấp dúi giống. Ông Trung cho hay, sản phẩm tiêu thụ tốt, lại dễ nuôi, ít công chăm sóc, qua tìm hiểu thị trường, năm 2019, ông mua 20 cặp dúi giống và nhân đàn, đến nay có khoảng 400 con, cho gia đình ông thu lợi trung bình hơn 150 triệu đồng/năm.

Ngoài việc phát triển trang trại ông cũng cung cấp con giống, chia sẻ kinh nghiệm cho những hộ dân có nhu cầu nuôi dúi để cải thiện thu nhập… Chia sẻ câu chuyện làm kinh tế, ông Liêu và ông Trung bày tỏ niềm tự hào về quê hương mình, về trách nhiệm cùng con cháu giữ gìn, phát huy tinh thần cách mạng.

Theo Chủ tịch UBND xã Mỹ Sơn Nguyễn Công Minh, sau chiến tranh, Truông Bồn là mảnh "đất chết" với chi chít hố bom, những ngọn đồi nham nhở, nhưng người dân vẫn quyết tâm bám trụ và làm hồi sinh mảnh đất này. Nhờ chăm chỉ, chịu khó, nỗ lực vượt khó, đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện. Ðến nay, tỷ lệ hộ nghèo của xã Mỹ Sơn giảm còn dưới 3%, thu nhập bình quân đạt hơn 57 triệu đồng/người/năm. Toàn xã hiện có hơn 40% số hộ đạt hộ khá, giàu. Tranh thủ tiềm năng thế mạnh, Mỹ Sơn đề ra các nghị quyết, đề án phát triển kinh tế từ thế mạnh vườn đồi, rừng. Ngoài trồng trọt, chăn nuôi, địa phương khuyến khích người dân đa dạng loại hình sản xuất, kinh doanh để nâng cao thu nhập... Mỹ Sơn đã hoàn thành xây dựng nông thôn mới năm 2019 và phấn đấu xây dựng nông thôn mới nâng cao. Việc thực hiện xây dựng nông thôn mới nhận được sự hưởng ứng, đóng góp rất lớn từ nhân dân. Nhiều hộ dân tự nguyện phá dỡ hàng rào, công trình, được xây dựng kiên cố, hiến đất để các tuyến đường được mở rộng…

Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Ðô Lương Nguyễn Tất Hoài Hiệp cho biết, phát huy những lợi thế, khắc phục khó khăn, thử thách để xây dựng quê hương Ðô Lương ngày càng giàu đẹp. Ðảng bộ huyện đã chọn hướng phát triển phù hợp điều kiện của địa phương. Theo đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế của huyện bình quân đạt 11,83%/năm. Sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tiếp tục phát triển; đến nay có khoảng 1.540 cơ sở hoạt động, giải quyết việc làm cho hơn 12.000 lao động. Trên địa bàn huyện đang có gần 6.400 cơ sở hoạt động về thương mại, dịch vụ, thu hút hơn 10.000 lao động tham gia. Thu nhập bình quân đầu người năm 2023 đạt hơn 75 triệu đồng; năm 2024 dự kiến hơn 81 triệu đồng. Với sự nỗ lực không ngừng, ngày 15/11/2023, huyện Ðô Lương vinh dự được Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.

Mới đây, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An ban hành Nghị quyết số 15-NQ/TU ngày 19/5/2024 về xây dựng và phát triển huyện Ðô Lương đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Nghị quyết đặt mục tiêu đến năm 2030, xây dựng huyện Ðô Lương trở thành thị xã; có nền tảng kinh tế vững chắc, tốc độ tăng trưởng cao, đô thị văn minh, kết cấu hạ tầng tương đối đồng bộ, hiện đại.

Theo đồng chí Nguyễn Tất Hoài Hiệp, để triển khai hiệu quả Nghị quyết số 15, Ban Chấp hành Ðảng bộ huyện Ðô Lương đã ban hành Chương trình hành động với quyết tâm cao về đích đúng hạn. Trong đó, cụ thể hóa và đầu tư nguồn lực để hình thành ba vùng phát triển chiến lược (gồm vùng phía tây bắc, vùng trung tâm, vùng đông nam). Các cấp ủy và chính quyền tập trung nguồn lực và thu hút đầu tư ngoài ngân sách để đầu tư các hạ tầng mang tính động lực (nâng cấp, mở rộng các tuyến giao thông huyết mạch, các trục kết nối liên xã, thị tứ với các quốc lộ, các tuyến đường huyện). Ðầu tư xây dựng đồng bộ hạ tầng cụm công nghiệp Thượng Sơn và Lạc Sơn; hoàn thành quy hoạch mở rộng Khu kinh tế Ðông Nam và từng bước thu hút đầu tư xây dựng Khu công nghiệp số 5 với diện tích khoảng 300 ha; tiếp tục hoàn thiện, nâng cấp các hạng mục công trình tại Khu di tích lịch sử quốc gia Truông Bồn... Với định hướng đúng, quyết tâm cao và hành động kịp thời, đồng bộ mở ra những hướng phát triển mới để vùng đất thiêng "cất cánh".