Về Bình Liêu nghe câu hát Soóng Cọ

Những ngày tháng 4, khi những vạt rừng hoa trẩu trắng muốt nở rộ khắp các bản làng của huyện miền núi Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh thì cũng là thời điểm người dân Sán Chỉ ở xã Húc Ðộng rộn ràng chuẩn bị cho ngày hội Soóng Cọ, hay còn gọi là hội tháng Ba (16/3 âm lịch).
0:00 / 0:00
0:00
Các đôi trai gái hát đối giao duyên trong ngày hội Soóng Cọ.
Các đôi trai gái hát đối giao duyên trong ngày hội Soóng Cọ.

Theo tiếng Sán Chỉ, Soóng Cọ nghĩa là xướng ca, hát giao duyên. Ðây là lối hát giao duyên có từ lâu đời của dân tộc Sán Chỉ và được ví như cây cầu bắc mối lương duyên cho biết bao đôi trai gái đến với nhau, nảy nở tình yêu và kết đôi thành vợ chồng. Khác với nhiều dân tộc thiểu số khác, hát Soóng Cọ của dân tộc Sán Chỉ đặc biệt ở chỗ không có nhạc đệm. Tuy nhiên, không vì thế mà nó kém đi sức hấp dẫn, sự say đắm và ngọt ngào.

Với thể thức đối đáp, người hát chia làm hai bên, một bên nam, một bên nữ đứng đối diện hát hoặc cùng lúc có nhiều tốp hát đối nhau. Trước mỗi câu hát giao duyên, người Sán Chỉ thường hò đệm ngân dài, da diết, trầm bổng, nghe say đắm lòng người. Sau đó là lời tâm tình, thủ thỉ. Khi cất lên những câu hát đầu tiên, các bên hát bắt buộc phải có những lời hát mời. Sau các hồi hát chung, các cặp hát hợp nhau hoặc có những tình ý riêng có thể tách ra hát riêng. Những cuộc hát có thể kéo dài từ sáng sớm đến chiều muộn, họ hát say sưa dọc trên các ngả đường đi về trong bản.

Tuy nhiên, hát Soóng Cọ có những quy định riêng như không hát với người cùng huyết thống, cùng gia đình (dâu, rể). Anh Tô Hiệu, Phó Giám đốc Trung tâm Truyền thông-Văn hóa huyện Bình Liêu cho biết: "Người Sán Chỉ cũng có thể hát giao duyên bất cứ lúc nào, khi lên nương, đi hội, hay đơn giản là những câu chào hỏi thường ngày. Hát Soóng Cọ thường được diễn ra quanh năm, bất cứ khi nào có dịp, với những dạng hát chính như hát chúc Tết, hát mừng đám cưới, mừng nhà mới, hát trao đổi tâm tình, giao duyên. Thông qua lối hát Soóng Cọ, các đôi nam thanh, nữ tú có thể kết bạn, gửi gắm những tâm sự đôi lứa để rồi tình yêu nảy nở, kết duyên vợ chồng; người già trong thôn, bản dùng lời hát để răn dạy con cháu về công ơn nuôi dưỡng, sinh thành của cha mẹ, kinh nghiệm đối nhân xử thế, truyền cho nhau những kinh nghiệm cuộc sống".

Những câu hát giao duyên trong ngày hội Soóng Cọ từ lâu đã trở thành nét đẹp văn hóa đặc sắc riêng có của người Sán Chỉ ở Bình Liêu. Ðây là sản phẩm tinh thần, là niềm vui, niềm tự hào của người Sán Chỉ. Và quan trọng hơn hết, nó là "sợi dây" để gắn kết cộng đồng. Giữa không gian của núi rừng, trong ngày 16/3 âm lịch, đến xã Húc Ðộng, huyện Bình Liêu, sẽ dễ dàng bắt gặp hình ảnh những chàng trai, cô gái xúng xính trong bộ trang phục truyền thống mầu sắc rực rỡ đang ngân nga khúc hát giao duyên khi hội Soóng Cọ diễn ra. Dịp lễ hội, ngoài các bài hát còn có những trò chơi dân gian như đẩy gậy, kéo co, đan phên gánh mạ, đẽo đòn gánh...

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Bình Liêu Hoàng Ngọc Ngò cho biết: Hát Soóng Cọ là di sản văn hóa tinh thần quý báu, thể hiện truyền thống tốt đẹp và bản sắc riêng của tộc người Sán Chỉ ở Bình Liêu, có một sức sống mãnh liệt qua thời gian. Với nội dung phong phú, ca ngợi quê hương, đất nước, khát vọng về tình yêu đôi lứa, hăng say lao động, sản xuất, hát Soóng Cọ thật sự là món ăn tinh thần của người dân, thể hiện ước mơ, lý tưởng vươn tới cuộc sống no ấm và hạnh phúc.