VCCI: Nhiều người Việt mong muốn tình hình kinh tế tiếp tục được cải thiện

NDO -

NDĐT - Ngày 23-7, tại Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam tổ chức công bố kết quả khảo sát “Việt Nam chuyển đổi - Thay đổi cảm nhận về Nhà nước và Thị trường của người Việt Nam năm 2014” (CAMS 2014).

VCCI: Nhiều người Việt mong muốn tình hình kinh tế tiếp tục được cải thiện

Đây là sự tiếp nối kết quả nỗ lực hợp tác của VCCI và WB về chủ đề “Việt Nam chuyển đổi - Thay đổi cảm nhận về Nhà nước và Thị trường của người Việt Nam năm 2011”.

CAMS 2014 hội tụ hơn 1.600 ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và cá nhân về quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường (KTTT) tại Việt Nam trong thời gian qua.

Báo cáo cho thấy, có sự gia tăng ý kiến ủng hộ mô hình KTTT (89%), sở hữu tư nhân (71%) và yêu cầu minh bạch trong quá trình hoạch định và thực thi chính sách tại Việt Nam (94%), tăng nhẹ 2% so với mức khảo sát trong CAMS 2011.

Đặc biệt, có tới 99% ý kiến ủng hộ chủ trương chuyển giao một số dịch vụ công sang cho khu vực tư nhân thực hiện và nhiều ý kiến đánh giá cao chất lượng một số dịch vụ công do khu vực tư nhân cung cấp (y tế, giáo dục, công chứng, giao thông công cộng)…

Tuy nhiên, tỷ lệ những ý kiến coi nền kinh tế Việt Nam hiện nay mang đậm tính chất nhà nước hay thị trường là xấp xỉ nhau, cho thấy đặc tính KTTT ở Việt Nam chưa thật rạch ròi và vượt trội và quá trình chuyển đổi sang nền KTTT vẫn tiếp tục, song tốc độ thực tế còn chậm so với kỳ vọng.

Điểm đáng chú ý là đa số ý kiến bày tỏ tin tưởng thế hệ tương lai sẽ có cuộc sống tốt đẹp hơn (63%) và ủng hộ phát triển KTTT, song cũng bày tỏ lo ngại cơ chế KTTT ở Việt Nam chưa thật sự tạo niềm tin và động lực cạnh tranh, thúc đẩy giảm giá, cải thiện chất lượng sản phẩm, dịch vụ, nên ngày càng nhiều người Việt Nam vẫn muốn Nhà nước tiếp tục bình ổn giá những hàng hóa thiết yếu và tiếp tục cải thiện hiệu quả hoạt động các DNNN, cũng như cải thiện tình hình kinh tế đất nước và thu hẹp khoảng cách giàu-nghèo ở Việt Nam.

Theo Tiến sĩ Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, những cải cách KTTT mà Việt Nam đang thực hiện dù còn chậm, song cơ bản phù hợp với nhu cầu của đông đảo người dân và doanh nghiệp. Kết quả của nghiên cứu này sẽ là những chỉ báo quan trọng, góp phần cho các cơ quan hoạch định chính sách, cũng như các cơ quan nghiên cứu nhận diện và thúc đẩy những chương trình nghiên cứu và hành động cụ thể, nhằm đưa nền kinh tế Việt Nam vận hành đúng hướng, tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh và không ngừng nâng cao chất lượng cuộc sống cho mỗi công dân Việt Nam.

Nhiều ý kiến tham luận khác đề nghị VCCI tiếp tục phối hợp với WB khảo cứu sâu hơn về những đặc trưng, đồng dạng và khác biệt của mô hình KTTT Việt Nam với các mô hình KTTT khu vực và thế giới, cụ thể hóa hơn nhu cầu và cách thức thị trường hóa mạnh hơn, Nhà nước hiệu quả hơn, để phối hợp và phát huy vai trò và tác động tích cực của cả hai bàn tay Nhà nước và thị trường.