Thực tế đó cũng cho thấy rằng, nỗ lực mà Nguyễn Ngọc Khánh, người từng bơi 200 km trong ba ngày từ chân cầu Long Biên (Hà Nội) ra cửa biển Ba Lạt (Thái Bình), đang miệt mài thực hiện trong nâng cao nhận thức phòng, chống đuối nước, an toàn nước cho hàng nghìn trẻ em, học sinh ở các tỉnh, thành phố phía bắc thật đáng trân trọng và cần nhân rộng.
Thú vị là cái cách Ngọc Khánh theo đuổi hiện tại không giống với những phương pháp và cách tiếp cận thường thấy trong việc dạy bơi cho học sinh hay trẻ em ở bể bơi.
Tình yêu với con trẻ
Con đường ngoằn ngoèo ở một con ngõ nhỏ trên đường An Dương, quận Tây Hồ (Hà Nội) như càng dài hơn, xa hơn trong tiết trời se se lạnh, mây đen nhiều dù hiện tại đã là tháng 5. Không khí này thật không thích hợp cho một buổi tập bơi ngoài trời, nhất là khi buổi tập đó dành cho trẻ em, vậy mà khi dừng chân ở một bãi bồi sông Hồng ở gần cầu Long Biên, chúng tôi đã bắt gặp ở đó rất nhiều em nhỏ và phụ huynh đi kèm.
Tất cả đều có vẻ háo hức, như thể lũ trẻ sẵn sàng nhảy xuống nước vùng vẫy ngay mà không nhớ rằng, đây là buổi làm quen với sông nước mà chương trình “Tình yêu sông Hồng” muốn dành tặng cho các bạn nhỏ ở Hà Nội, để chúng hiểu được thế nào là bơi, được kết nối và làm quen với cộng đồng bơi mà ở đây là Câu lạc bộ bơi khám phá và Câu lạc bộ chèo sup Red River Supper Club do Ngọc Khánh làm chủ nhiệm.
Trong không gian náo nhiệt đó, tôi dễ dàng nhận ra Ngọc Khánh ở dáng người cao to, chắc nịch, ở giọng nói to, sang sảng của anh và đặc biệt ở sự gần gũi, thân thiện với những em nhỏ như thể giữa anh và chúng đã quen biết từ lâu. Chính điều này khiến cho bọn trẻ đều chịu khó ngồi lắng nghe Ngọc Khánh giới thiệu và giải thích những khái niệm về bơi lội ở sông, biển, ao, hồ, kiến thức về các dòng chảy, dòng xoáy, sóng hay dòng chảy xa bờ hay các rủi ro như sốc nhiệt, chuột rút.
Theo Ngọc Khánh, ba điều cơ bản để các em được gọi là biết bơi là phải thành thục một trong bốn kiểu bơi như bơi bướm, bơi sải, bơi ngửa và bơi ếch trong ít nhất hai đến ba tiếng đồng hồ liên tục; hiểu rõ về địa hình bơi, nhất là trong vùng nước mở của sông, hồ hay biển; và quan trọng nhất là đi chơi ở sông, hồ hay bơi lội ở những môi trường lạ luôn phải có phao đi kèm.
Sau phần giới thiệu rất cơ bản, xúc tích để giúp các em nhỏ dễ nhớ, dễ nắm bắt, Ngọc Khánh nhường phần hướng dẫn sơ cứu người khi đuối nước cho người bạn vốn là một bác sĩ gia đình. Cũng với những kiến thức ngắn gọn, cơ bản được truyền đạt từ người bác sĩ trẻ đó, không chỉ những em nhỏ mà ngay cả người lớn đã hiểu rõ hơn về cách phản ứng khi có người gặp tai nạn dưới nước, như cần giữ bình tĩnh, gọi người hỗ trợ, ném phao, rồi sơ cứu người với kỹ thuật ép ngực và hà hơi thổi ngạt sao cho đúng cách.
Đến câu hỏi vì sao chúng ta nên biết bơi mà Ngọc Khánh đưa ra, sau những câu trả lời như biết bơi để tự bảo vệ bản thân, rèn luyện sức khỏe, để cứu người khi gặp nạn dưới nước của mỗi em nhỏ, phần giải đáp cụ thể hơn đã được thầy giáo Nguyễn Văn Nhàn, chuyên gia giảng dạy kỹ năng sống, đặc biệt về phòng, chống đuối nước, và giáo viên thể chất của hệ thống giáo dục Vinschool, đưa ra. Thầy Nhàn cũng đặc biệt nhấn mạnh vào cách phân biệt người đang bơi và bị đuối nước để biết hướng xử lý an toàn, như thực hiện kỹ năng cứu người gián tiếp và trực tiếp, trong đó phương pháp gián tiếp là sử dụng các vật dụng như cây, gậy, sào, dây, vật nổi ném ra cho người bị nạn, trước khi bơi ra cứu người trực tiếp…
Ba phần kiến thức cơ bản này trước đó đã được Ngọc Khánh và nhóm của anh giới thiệu ở ba tỉnh Tuyên Quang, Yên Bái và Lào Cai, trước khi họ trở lại Hà Nội vào giữa tháng 5 vừa qua. Và sau một buổi cho các em nhỏ thực hành sơ cứu người bị nạn rồi làm quen với sông nước tại bãi bồi sông Hồng, họ cũng đã đến với gần 1.000 học sinh của ba trường THCS tại huyện Đông Anh (Hà Nội).
Mục tiêu của nhóm Bơi khám phá là tuyên truyền, phổ biến kiến thức về bơi lội, kỹ năng phòng, chống đuối nước và cứu nạn cho các em nhỏ, học sinh ở 10 tỉnh, thành phố phía bắc có sông Hồng chảy qua, cũng như ở một số tỉnh có nhiều sông, hồ. Chương trình “Tình yêu sông Hồng” ra đời là vì thế bởi bên cạnh việc giới thiệu lý thuyết, thực hành bơi lội, đồng hành cùng Ngọc Khánh còn có Quỹ phát triển bơi lội Việt Nam Mon Swimming. Tại những nơi họ đến, mỗi em nhỏ sẽ được tặng một chiếc kính bơi, đồng thời nhóm sẽ lắp đặt phao cứu sinh ở tất cả các cây cầu bắc ngang sông Hồng với hy vọng có thể giúp đỡ phần nào những nạn nhân đuối nước…
Chắc chắn, nếu không có đam mê lớn với sông nước, tình yêu với con trẻ, nhất là sau khi mất hai năm dạy bơi cho chính hai cậu con trai 8 tuổi và 6 tuổi của mình để chúng giờ đã biết bơi vượt sông, Ngọc Khánh khó có thể theo đuổi các hoạt động mang tính xã hội hiện tại và mang tính lâu dài, khi bản thân anh luôn bị bó hẹp về thời gian làm việc ở một công ty thương mại của Nhật Bản.
Một chiến binh sông Hồng
Điều khó tin hơn cả như Ngọc Khánh tiết lộ là anh đã suýt chết đuối mặc dù gọi là biết bơi. Đúng là khó tin với một người từng bơi 200 km trong ba ngày từ chân cầu Long Biên (Hà Nội) ra cửa biển Ba Lạt (Thái Bình) vào tháng 11/2020. Tôi đã biết những chi tiết này sau cuộc gặp tình cờ mới đây với người còn lại cũng hoàn tất hành trình bơi đường dài đó là Dương Minh Quang tại Câu lạc bộ hang động Hà Nội.

Nguyễn Ngọc Khánh chỉ dẫn các em nhỏ thực hành sơ cứu người bị đuối nước.
Thế nhưng, để có thể hoàn tất được thử thách khốc liệt đấy, đối với Ngọc Khánh là cả một quãng thời gian thay đổi từ trong suy nghĩ cho đến hành động sau sự cố suýt lấy đi tính mạng của anh. Chàng trai sinh năm 1987 tâm sự, vào tháng 11/2018, anh cùng một nhóm bơi đường dài đến Thanh Hóa thử sức ở một hồ thủy điện trên núi. Tự tin vào khả năng biết bơi của bản thân, Ngọc Khánh đã không lường hết được những khó khăn mà anh sẽ gặp phải như địa hình mới do bơi cách bờ 2-3km, trong khi vốn dĩ anh chỉ quen bơi gần bờ, không gian thay đổi do trời tối nhanh hay chỉ đơn giản là việc chọn kính bơi mắt đen mà không phải kính mắt sáng, trong. Vì thế, trong lúc cả đoàn gần 80 người đều đã bơi về đích, Ngọc Khánh lại bơi một hướng, với một kiểu bơi là bơi chó, và khi mọi nỗ lực kêu cứu của anh chìm trong bóng tối, sự tĩnh lặng đáng sợ, anh bắt đầu rơi vào hoảng loạn. Lúc này, Ngọc Khánh đã nghĩ mình sẽ chết ở đây, nhưng thật may mắn, anh đã được một người anh bơi trong nhóm cứu sống sau đấy.
Lẽ thường thì sau những cú sốc như vậy, người ta phải mất một thời gian dài để trở lại trạng thái bình thường hay quên dần đi thì ở Ngọc Khánh, ngã ở đâu sẽ đứng dậy ở đó. Trước tiên, anh nhận ra rằng lâu nay anh ngộ nhận là mình đã biết bơi, thực tế không hoàn toàn như vậy. Đúng hơn thì anh không biết bơi đúng cách. Đây có lẽ cũng là suy nghĩ của nhiều người vốn cho rằng chỉ cần nổi trên mặt nước, bơi được vài vòng hồ bơi là họ biết bơi. Thế nên, Ngọc Khánh quyết định học bơi lại từ đầu, dù anh không đăng ký vào một lớp dạy bơi nào cả chỉ bởi một ý nghĩ rất trẻ con rằng, mọi người sẽ cười anh khi ở cái tuổi “băm”, anh lớn như vậy mà không biết bơi.
Thay vào đó, Ngọc Khánh chăm chỉ đến các bể bơi ở Hà Nội, đứng một góc chăm chú quan sát xem những ai bơi đẹp để làm quen, học hỏi. Anh học ở bất cứ ai mà anh cho rằng họ bơi giỏi và có kỹ thuật, từ một cậu bé 7-8 tuổi đến những người lớn tuổi. Ngoài ra, anh cũng tìm kiếm thông tin trên mạng để dần hoàn thiện những kỹ năng của mình, trong tâm thế phải biết bơi để không rơi vào tình thế nguy hiểm một lần nữa. Nhờ đấy, chỉ sau sáu tháng, Ngọc Khánh quyết định trở lại bơi ở vùng nước mở mà cụ thể là sông Hồng. Tại đây, anh lại bắt đầu làm quen với môi trường mới và nhờ những người bạn, người chú có kinh nghiệm hướng dẫn, ban đầu anh bơi được vài trăm mét, rồi 1km, 2km, 20km, 40km, thậm chí 70km. Trong những lần trải nghiệm như vậy, đến mức anh nhận biết được từng dòng chảy, vùng xoáy…
Ngọc Khánh dần nhận ra nhiều rủi ro, nguy hiểm khi bơi sông, hồ, để rồi đầu năm 2020, anh thành lập Câu lạc bộ Bơi khám phá với những người có chung đam mê, sở thích và cũng để chia sẻ kinh nghiệm bơi đường dài. Và đến tháng 11 năm đó, anh cùng một số người bạn, những người tự xem mình như “những chiến binh sông Hồng”, thực hiện hành trình bơi 200km trên sông Hồng, sau đấy anh và Minh Quang về đích ở cửa biển Ba Lạt (Thái Bình) sau ba ngày. Hãy thử hình dung rằng, nếu một ngày đi bộ hay chạy 70km là không dễ dàng, thì bơi 70km thật sự rất, rất khó, chưa kể phải ngâm mình dưới nước trong một thời gian dài.
Theo Ngọc Khánh, bơi ở vùng nước mở hoàn toàn khác xa so với bơi trong bể và có ba yếu tố quyết định đến khả năng của một người bơi là yếu tố tâm lý, khả năng nhận biết địa hình và kỹ thuật. Chính điều này cũng giúp anh nhận ra rằng, nhiều người gọi là biết bơi nhưng chỉ là trong bể bơi và họ vẫn có thể gặp rủi ro khi bơi ngoài trời, nhất là các em nhỏ do thiếu kỹ năng và nhận thức về các dạng thức môi trường nước để phòng tránh. Do vậy, Ngọc Khánh quyết tâm mang những kinh nghiệm và hiểu biết của anh về bơi ở các vùng nước mở đến với các em nhỏ trong hè 2022, khi đây là đối tượng thường xuyên gặp nạn trong những vụ đuối nước. Đành rằng một hai buổi gặp gỡ, giao lưu không thể giúp chúng biết bơi ngay được nhưng mong muốn của Ngọc Khánh là từng bước nâng cao nhận thức cho mỗi em nhỏ, giúp chúng làm quen dần với môi trường nước, nhận biết được những rủi ro và có thái độ nghiêm túc trong tập luyện.
Nhắc lại hành trình bơi 200km gần hai năm trước, chàng trai 35 tuổi thừa nhận anh ước mơ một ngày nào đó có thể thực hiện hành trình bơi lịch sử là dọc theo chiều dài đất nước, rằng anh muốn lập kỷ lục về hành trình bơi dài nhất không chỉ của Việt Nam mà của cả thế giới, và anh sẽ dành một năm để chuẩn bị cho kế hoạch này, tôi vẫn tin rằng anh sẵn sàng gác lại dự định đó để theo đuổi đến cùng chương trình phổ cập bơi lội, phòng, chống đuối nước cho những em nhỏ sống hai bên bờ sông Hồng, từ Hà Nội, Hải Phòng đến Hà Nam, Nam Định, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Phú Thọ hay Lào Cai, Yên Bái. Lý do là anh từng suýt bị đuối nước và anh không muốn điều tương tự xảy ra ở một khúc sông hay một ao hồ nào đó chỉ vì các em nhỏ không được trang bị những kiến thức cơ bản nhất về an toàn nước và phòng, chống đuối nước ■
Bài và ảnh: Mạnh Hào